Bỏ việc lương cao về quê khởi nghiệp nuôi loài côn trùng có mùi nồng, nhìn như con gián, 9X thu về nửa tỷ mỗi năm.
Tháng 8/2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 bắt đầu có những chuyển biến phức tạp, chị Trần Thu Hương (sinh năm 1987, Đông Anh - Hà Nội) quyết định từ bỏ công việc làm nhân viên bảo hiểm để về quê nhà khởi nghiệp. Thời điểm đó, chị Hương vô tình biết được một hội nhóm trên Facebook chia sẻ kinh nghiệm nuôi cà cuống. Càng tìm hiểu càng thấy tiềm năng, chị quyết định mua giống và nuôi thử nghiệm con cà cuống ngay tại mảnh đất quê hương.
Cà cuống được đánh giá là có tiềm năng phát triển do cung hiện tại chưa đủ cầu.
Theo chị Hương, cà cuống là con vật hết sức quen thuộc với bà con nông dân tại Việt Nam. Nhiều người gọi nó với những tên khác như cà đuống, long sắt…, có tên khoa học của loài vật này là Lethocerus indicus. Loài cà cuống này thường sinh sống ở các đầm lầy, sông suối, ao hồ… và đặc biệt ưa thích khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa như ở Việt Nam.
Lúc còn nhỏ, cà cuống có vẻ bên ngoài khá giống với con gián với phần đầu nhỏ và 2 mắt to tròn nhô lên. Thân có màu nâu xám, hình lá, dẹt với chiều dài trung bình khoảng từ 7 - 8cm, rộng khoảng 3cm, trên thân có nhiều vạch màu đen bóng. Bụng cà cuống có màu vàng nhạt bao bọc bởi một lớp lông mịn và có đôi cánh mỏng trông khá cứng cáp.
Đối với những con cà cuống đực, trên cơ thể của chúng có thêm 2 túi nhỏ gọi là bọng cà cuống chứa chất lỏng có mùi rất thơm, thường được sử dụng làm vũ khí khi kẻ địch tấn công. Người ta thường lấy chất dịch lỏng này để sản xuất tinh dầu cà cuống có hương thơm như hương quế. Ngoài ra, cà cuống còn là nguyên liệu để chế biến thành món ăn chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, dùng để ngâm rượu hoặc làm thuốc giúp hỗ trợ chữa trị một số bệnh cho người.
Cận cảnh con cà cuống.
Nhiều món ngon từ cà cuống.
Chia sẻ về quyết định “theo đuổi” con cà cuống, chị Thu Hương cho biết trước đây ở Đông Anh ruộng đồng mênh mông, trong đó có con cà cuống sinh sống rất nhiều. Tuy nhiên, do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Thế nhưng cà cuống lại được xem như “đặc sản”, ngày càng nhiều người sành ăn biết đến món bánh cuốn nước mắm cà cuống, cà cuống chiên giòn, bún thang cà cuống… nên giá cà cuống nhiều năm gần đây được thổi lên rất cao nhưng cung lại chưa đủ cầu.
“Lúc đầu gia đình cản, không cho nuôi nhưng mình vẫn quyết tâm làm bằng được. Qua nhiều lần nuôi và nhân giống nhưng đều thất bại do chưa hiểu rõ về loài cà cuống nhưng không nản chí, cuối cùng mình cũng đã nắm rõ được quy trình kỹ thuật nuôi cà cuống”, chị Hương nhớ lại quá trình khởi nghiệp đầy gian truân.
Hệ thống chuồng trại nuôi cà cuống.
Hiện tại, chị Thu Hương đang thuê một khu đất ở Đông Anh để nuôi cà cuống. Bể nuôi cà cuống rộng hơn 60m2, mỗi m2 chị thả từ 70 đến 80 con. Cà cuống dễ nuôi, thức ăn là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con… mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1-2 lần. Tuy vậy, chú ý nhất là cà cuống nhạy cảm với thuốc trừ sâu và nguồn nước bị ô nhiễm nên chị Hương phải đầu tư dàn máy lọc nước, thường xuyên dọn chuồng và thay nước cho cà cuống uống.
Bên cạnh đó, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lứa chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày. Với giá 50.000/con đực sống, mỗi một tháng chị xuất ra thị trường khoảng 2.000 con, trừ hết mọi chi phí thì chị thu được 50 triệu đồng/tháng lợi nhuận cà cuống thương phẩm. Cà cuống bán rất chạy, gần như chị không có đủ hàng để cung cấp ra thị trường.
Cũng khởi nghiệp từ con cà cuống giống chị Thu Hương nhưng anh Hoàng Anh (sinh năm 1990 ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) lại ít xuất cà cuống thương phẩm mà đầu tư phát triển các sản phẩm từ cà cuống. Theo anh Hoàng Anh, hiện nay người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin, tuy nhiên giá trị nhất chính là phần túi tinh dầu của cà cuống.
Anh Hoàng Anh vớt xác cà xuống đã lột, trung bình cà cuống lột xác 5 lần để trở thành cà cuống trưởng thành.
Nắm bắt được điều này, anh Hoàng Anh nghiên cứu sản xuất nước mắm cà cuống với công thức lưu giữ được mùi hương tinh dầu của cà cuống. “Đây là một món nước chấm hảo hạng, thơm ngon đến khó cưỡng với hương vị có đôi chút hăng và đắng, cay cay hòa lẫn với vị mặn đậm đà chấm với món rau hay thịt đều ngon miệng”, anh Hoàng Anh chia sẻ. Sản phẩm nước mắm cà cuống của anh được thị trường chấp nhận, gia đình anh cũng gia tăng nguồn thu từ con cà cuống.
Hiện tại, anh Hoàng Anh cũng đang có một trang trại nuôi cà cuống tại Long Biên. Chủ yếu nhà anh nuôi cà cuống chỉ đủ để cung cấp cho xưởng sản xuất nước mắm của gia đình, thi thoảng có dư cà cuống thương phẩm do vào mùa sinh sản, anh Hoàng Anh mới xuất bán cà cuống thịt. Do tệp khách hàng ngày càng mở rộng, anh đang có ý định mở rộng trang trại, nhân giống số lượng cà cuống lên gấp đôi.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cà cuống, anh Hoàng Anh cho biết: "Nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ, người nuôi cần theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng, sinh sản của cà cuống để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt nhất. Vào quá trình sinh sản, những con cái khác sẽ tìm đến để ghép đôi cùng với con đực và đẻ trứng, chúng sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác và thay thế bằng trứng của mình. Vì vậy, để trứng cà cuống không bị phá hủy thì cần tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác”.
Không giữ bí quyết khởi nghiệp thành công từ con cà cuống cho riêng mình, cả chị Thu Hương và anh Hoàng Anh đều rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho những ai muốn nuôi loại côn trùng này, giúp nhiều nông dân thoát nghèo và có nguồn thu ổn định từ con cà cuống, khiến mô hình này ngày càng được nhân rộng tới nhiều địa phương.