"Mỗi lần di chuyển, xe chỉ nhích được 1-2 m, trong khi đó bệnh nhân thì nặng, không tự thở được”, anh Vũ Đức Hải, lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình nhớ lại.
Ngày 18/3, một xe khách giường nằm đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (Hà Nội) đã đâm thẳng vào xe cứu hỏa đi ngược chiều trên đường cứu nạn. Vụ tai nạn khiến 2 người trên xe khách, 6 cán bộ chiến sỹ của Phòng Cảnh sát PCCC số 12 bị thương. Trong đó, 4 chiến sỹ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sáng 19/3, một chiến sĩ đã tử vong, 3 chiến sĩ còn lại được chuyển đến Bệnh viện 198.
Vụ tai nạn xảy ra giữa xe cứu hỏa và xe khách khiến đường Pháp Vân bị ùn tắc trong nhiều giờ
Tai nạn xảy ra, đường Pháp Vân bị ùn tắc kéo dài hàng chục km trong vòng nhiều giờ. Tại thời điểm đó, hai xe cấp cứu đang chở bệnh nhân từ Ninh Bình lên Bệnh viện Bạch Mai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên xe khi đó có 4 người, một nhân viên y tế, người nhà, bệnh nhân và lái xe.
Xe cấp cứu do anh Vũ Đức Hải, lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình cầm lái đã phải chuyển bệnh nhân qua dải phân cách để một xe cấp cứu khác chạy ngược chiều kịp đưa người bệnh đi cấp cứu.
Nhớ lại giây phút chạy đua với "tử thần", anh Vũ Đức Hải, cho biết, cuối giờ chiều 18/3, Trung tâm nhận được điện thoại yêu cầu một xe cấp cứu chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Theo anh Hải, bệnh nhân bị suy thận cấp, sốc nhiễm khuẩn được bóp bóng thở ôxy. Bình thường xe cấp cứu đi từ Ninh Bình lên Bệnh viện Bạch Mai chỉ mất khoảng một tiếng thì chuyến ngày hôm qua mất đến 4 tiếng.
"Mỗi lần di chuyển xe chỉ nhích được 1-2m, trong khi đó bệnh nhân thì nặng, không tự thở được, nhân viên y tế phải bóp bóng liên tục. Trên xe ai cũng lo lắng cho tính mạng bệnh nhân nhưng không có cách nào khác. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi và nhúc nhích từng mét một", anh Hải nhớ lại.
Theo anh Hải, tại thời điểm đó, xe cấp cứu còn cách Bệnh viện Bạch Mai khoảng 25km. Nếu thoát được đoạn đường tắc phải mất vài giờ nữa nên anh Hải tiếp tục liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình xin hỗ trợ thì biết có một xe cấp cứu khác chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Việt Đức đang trên đường về. Vì thế, mọi người phải tìm cách chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu kia để cấp cứu kịp thời.
"Lúc đó trời tối, hai xe định vị vị trí của nhau để gặp nhau giữa đường. Chúng tôi đã khênh cáng của bệnh nhân qua giải phân cách cao khoảng 1-1,2m sang làn đường bên cạnh. Suốt chặng đường đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai, xe cấp cứu phải đi ngược chiều", anh Hải nói.
Lúc này trên xe có bác sĩ Bùi Thị Thu Nhường vẫn phải bóp bóng liên tục để duy trì ôxy cho người bệnh.
"Bình thường chỉ bóp bóng khoảng một tiếng, chuyến xe hôm qua em phải bóp 3-4 tiếng thực sự là rất mỏi, nhưng cũng phải cố hết sức. Khi chuyển sang xe cấp cứu kia thì có người khác hỗ trợ. Rất may là khi đến Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh tỉnh hơn", bác sĩ Nhường nhớ lại.