Hầu hết người lao động đều tỏ ra phấn khởi vì nghỉ dài ngày sẽ rảnh rang về quê, mua sắm và chuẩn bị Tết, trong khi không ít đơn vị lại băn khoăn.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày (trong đó nghỉ trước Tết 3 ngày), trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 3-12, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết sẽ giúp CB-CNVC thoải mái hơn trong việc chuẩn bị đón Xuân và lựa chọn phương tiện để về quê, nhất là người đi làm ăn xa. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng người lưu thông qua các bến xe ở TP Hà Nội sẽ giảm, dàn trải qua nhiều ngày, không còn dồn nén vào 1-2 ngày sát Tết.
Khó cho bệnh viện, khách sạn
Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân (Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải), cho biết vẫn chưa nhận được thông báo về lịch nghỉ Tết. Tuy nhiên, với quy định như thế thì ban phải xem xét lại hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu về tiến độ thực hiện dự án.
Các nhà thầu sẽ phải bố trí nhân lực và duy trì hoạt động thi công xuyên suốt thời gian nghỉ Tết để bảo đảm khối lượng và tiến độ đã cam kết. Ông Minh khẳng định việc nghỉ Tết 9 ngày không ảnh hưởng tới việc thi công dự án cầu Nhật Tân.
Công nhân Công ty Nhựa Phước Thành, quận 5, TP HCM khẩn trương hoàn thành các đơn hàng cuối năm 2013
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội), cho biết số ca cấp cứu dịp Tết luôn tăng hơn ngày thường nên bệnh viện phải sẵn sàng trực cấp cứu 24/24 giờ, bảo đảm khả năng xử lý kịp thời.
“Vì là tuyến cuối về điều trị ngoại khoa nên bệnh viện sẽ chuẩn bị các phương án, kế hoạch sẵn sàng tham gia trong trường hợp cần tăng người cấp cứu tại viện, ngoại viện và hỗ trợ các bệnh viện khác” - ông Quyết nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), cho rằng nghỉ Tết nhiều ngày sẽ khá khó khăn trong bố trí nhân sự trực. Việc trực Tết phải nghiêm túc; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, thuốc men, hóa chất… cũng được dự trù đầy đủ để phục vụ hoạt động khám chữa bệnh. Riêng bộ phận nhà ăn phải đi làm đầy đủ, không được nghỉ.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thì tỏ ra lo lắng. Bà Phạm Thị Thùy Chinh, Phó Tổng Giám đốc khách sạn Đệ Nhất (Saigontourist), băn khoăn: “Nhà hàng, khách sạn chỉ có bộ phận gián tiếp là được nghỉ Tết; còn bộ phận ăn uống, khách sạn thì không nghỉ ngày nào. Vì thế, nghỉ Tết dài ngày thì khách sạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho nhân viên làm việc vào các ngày này”.
Công nhân hồ hởi
Tại TP HCM, anh Nguyễn Hoàng Ân, Công ty Nidec Tosok - Khu Chế xuất Tân Thuận, hồ hởi: “Công nhân ở công ty chúng tôi rất mừng. Nghỉ dài ngày, chúng tôi có thời gian về thăm nhà, ở lại quê ăn Tết cùng gia đình lâu hơn. Quê tôi ở Hà Tĩnh, mất hơn 1 ngày 1 đêm ngồi xe mới về tới, chưa hết cảm giác mệt, say xe thì đã đến ngày phải quay lại”.
Ông Phạm Văn Có, Chủ tịch CĐ Công ty May Sài Gòn 3 (Tổng Công ty Dệt May Gia Định), cho biết nghỉ Tết 9 ngày không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. Thậm chí, công ty đã có kế hoạch nghỉ Tết 15 ngày.
Ông Âu Hoàng Hà, Phó Giám đốc Công ty CP In số 7 (thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn), khẳng định doanh nghiệp này rất ủng hộ nghỉ dài ngày để người lao động dọn dẹp nhà cửa, mua sắm và dạo chơi mấy ngày Tết.
Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nghỉ Tết dài ngày. Chị Nguyễn Thị Dung - nhân viên Công ty Viên Phát, quận 1, TP HCM - lo ngại: “Tôi ở TP Hà Nội nên mỗi lần từ TP HCM về Tết là rất tốn kém. Tôi cũng từ chối du lịch vào mấy ngày Tết vì giá cả không hề rẻ. Tôi chưa biết làm gì cho hết 9 ngày nghỉ”.
Cao điểm đi lại vẫn 25, 26 tháng chạp Chiều 3-12, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông (TP HCM), cho biết dù nghỉ Tết sớm hơn thì vẫn không làm tình hình đi lại của hành khách thay đổi. Đa số khách đi lại bằng xe đò thường tập trung về quê sau ngày 25 và 26 tháng chạp. Lãnh đạo các bến xe khác và doanh nghiệp vận tải nhận định dù nghỉ Tết sớm thì những ngày cao điểm phục vụ khách đi các tuyến miền Trung, miền Bắc vẫn rơi vào 25, 26 tháng chạp. |