Nghỉ thai sản trước khi nghỉ việc có lợi hơn không?

Ngày 20/05/2020 13:30 PM (GMT+7)

Do không có người chăm sóc con nên không ít bà mẹ hiện nay quyết định sẽ nghỉ việc sau khi sinh con. Tuy nhiên, nên nghỉ việc trước hay nghỉ thai sản trước để có lợi hơn luôn là phân vân của nhiều người.

Hưởng chế độ thai sản khi sinh con

Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014, khi sinh con, lao động nữ sẽ được hưởng chế độ thai sản, dù đang làm việc hay đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

Tuy nhiên, những lao động này phải đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Nghỉ thai sản trước khi nghỉ việc có lợi hơn không? - 1

Nghỉ việc trước hay nghỉ thai sản trước có lợi hơn? (Ảnh minh họa)

Cụ thể, người lao động phải đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Nếu trong thời gian mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh thì người lao động phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, dù thuộc trường hợp nào, miễn có đủ thời gian đóng BHXH theo quy định thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Tiền thai sản năm 2020 bao gồm các khoản sau:

Thứ nhất, tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Theo đó, mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ để tính tiền trợ cấp một lần khi sinh con. Từ nay đến ngày 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và từ ngày 1/7/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng.

Lưu ý, trong trường hợp vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng sẽ được khoản tiền trợ cấp một lần khi sinh con nêu trên.

Thứ 2, tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh

Hiện nay, lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 6 tháng.

Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội chỉ rõ: Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ 3, tiền dưỡng sức sau sinh

Theo Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ được tính cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.

- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh mổ.

- Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng tiền trợ cấp với mức mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở.

Như vậy, nếu nghỉ dưỡng sức từ trước ngày 1/7/2020, mức tiền dưỡng sức là 447.000 đồng/ngày; từ ngày 1/7/2020 trở đi là 480.000 đồng/ngày.

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc

Bằng việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian làm việc trước đó, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không có việc làm nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 49 Luật Việc làm 2013:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ việc đơn phương chấm dứt trái pháp luật hay đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng nếu làm việc có thời hạn/không có thời hạn hoặc trong thời gian 36 tháng nếu làm việc theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

- Chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an; đi học với thời hạn từ 12 tháng trở lên; thực hiện biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc chết.

Với khoản trợ cấp này, người lao động sẽ được hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập trong thời gian không có việc làm và việc hưởng trợ cấp sẽ không phụ thuộc vào thời điểm hay lý do, hoàn cảnh phải nghỉ việc.

Nên nghỉ việc trước hay nghỉ thai sản trước?

Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy, nếu đủ điều kiện theo quy định thì dù nghỉ việc trước hay nghỉ thai sản trước thì người lao động đều được hưởng chế độ thai sản và trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, nếu theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì:

Trong thời gian người lao động sinh con nghỉ hưởng chế độ thai sản, người lao động và doanh nghiệp không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được cơ quan BHXH đóng bảo hiểm y tế.

Do đó, nếu người lao động muốn có thêm thời gian tham gia BHXH thì nên nghỉ việc sau thời gian nghỉ thai sản để có lợi hơn, bởi 6 tháng nghỉ chế độ thai sản vẫn được tính đóng BHXH, còn các chế độ quyền lợi khác sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời điểm nghỉ việc hay nghỉ thai sản.

Tạm dừng đóng BHXH do Covid-19 có ảnh hưởng đến điều kiện hưởng chế độ thai sản?
Đây là thắc mắc của nhiều lao động sau khi BHXH có Công văn 860/BHXH-BT ngày 17-3-2020 về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng...
Theo Hoàng Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h