Trong tháng 7/2019, nhiều chính sách mới có liên quan đến tiền lương, chế độ thai sản, mức đóng bảo hiểm y tế, gửi tiền tiết kiệm... có hiệu lực.
9 đối tượng được tăng lương từ 1/7
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, tăng thêm 100.000 đồng/tháng hay gần 7,2%.
Những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ được tăng lương cơ sở 100.000 đồng mỗi tháng. Ảnh minh họa
Người hưởng lương, phụ cấp trên gồm:
- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu
- Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế
Do điều chỉnh tăng lương cơ sở nên mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng sẽ tăng theo. Những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ có thay đổi về mức đóng BHYT.
Về kinh phí tham gia BHYT hộ gia đình, điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, mức đóng BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1-7 có thay đổi sau:
- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng; 1 năm là: 804.600 đồng. Hiện nay người thứ nhất: 62.550 đồng/tháng; 1 năm là: 750.600 đồng.
- Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng; 1 năm là: 563.220 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 2: 43.785 đồng/tháng; 1 năm là: 525.420 đồng.
- Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng; 1 năm là: 482.760 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 3: 37.530 đồng/tháng; 1 năm là: 450.360 đồng.
- Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng; 1 năm là: 405.300 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 4: 31.275 đồng/tháng; 1 năm là: 375.300 đồng.
- Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng; 1 năm là: 321.840 đồng. Hiện nay mức đóng từ người thứ 5 trở đi: 25.020 đồng/tháng; 1 năm là: 300.240 đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 22 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018 Chính phủ về mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Dưới 15 tuổi vẫn được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng
Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/7/2019.
Thay đổi mức tiền hưởng chế độ thai sản
Do điều chỉnh tăng lương cơ sở nên mức trợ cấp thai sản với những người sinh con từ thời điểm này cũng sẽ được tăng theo. Theo đó, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng cho nên tiền trợ cấp là 2.980.000 đồng.
Mẹ sinh con từ ngày 1/7/2019 sẽ được nhận mức trợ cấp tăng lên. (ảnh minh họa)
Theo quy định tại điều 34 Luật BHXH 2014 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Sinh đôi thì nghỉ 7 tháng, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Theo Nghị quyết 70/2018/QH14 từ 01/07/2019 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.490.000 đồng. Vì vậy đối với các đối tượng áp dụng mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH cũng sẽ tăng và mức hưởng chế độ thai sản cũng sẽ tăng theo.
Ngoài ra, mức trợ cấp dưỡng sức sau sinh của lao động nữ cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể:
- Trước ngày 1/7/2019, tiền dưỡng sức sau sinh bằng 417.000 đồng/ngày;
- Từ ngày 1/7/2019, tiền dưỡng sức sau sinh bằng 447.000 đồng/ngày; tăng 30.000 đồng/ngày so với trước.
Bãi bỏ 11 văn bản về Lao động - Tiền lương
Theo Thông tư 09/2019/TT-BLĐTBXH về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, liên tịch ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/7/2019.
Theo đó, đã bãi bỏ toàn bộ 11 văn bản thuộc lĩnh vực quan hệ lao động – tiền lương, đơn cử như:
- Thông tư liên tịch 11/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp trong các doanh nghiệp.
- Thông tư liên tịch 32/2007/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN hướng dẫn tổ chức hội nghị người lao động trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Thông tư 14/LĐTBXH-TT sửa đổi, bổ sung Thông tư 05/LĐTBXH-TT-1996 hướng dẫn xử phạt VPHC về không ký kết HĐLĐ.
- Thông tư liên tịch 22/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn quyết toán tiền lương theo thực tế thực hiện bình quân từ trên 2 - 3 lần mức tiền lương bình quân chung của các doanh nghiệp được giao đơn giá tiền lương.
Ngoài ra, Thông tư này cũng bãi bỏ hàng loạt các văn bản trong lĩnh vực: việc làm; an toàn - vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp … kể từ ngày 10/7/2019.