Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một ngôi làng đã lựa chọn tự cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Quyết định quả cảm ấy chính là kinh nghiệm vô giá để chúng ta đối phó với các dịch bệnh sau này.
Khi dịch bệnh xảy ra, các xã hội buộc phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan nghiêm trọng. Một ngôi làng nhỏ ở hạt Derbyshire, nước Anh, có tên làng Eyam, là một trong những cộng đồng buộc phải hy sinh để ngăn bệnh dịch hạch, hay còn được gọi là "cái chết đen" bùng phát. Hành động của ngôi làng đã thực sự ngăn chặn hiệu quả khiến dịch không lây lan và cứu sống hàng ngàn sinh mạng ở những khu vực xung quanh.
Vào tháng 9/1665, một thợ may đang làm việc tại làng Eyam đã nhận được lô vải lớn để chuẩn bị may đồ cho lễ hội Wakes Week sắp diễn ra. Nhưng không ngờ, lô hàng đến từ London ẩm ướt và bị nhiễm bọ chét mang mầm bệnh chết người. Trợ lý của thợ may, một người đàn ông tên George Viccars được yêu cầu phơi vải ẩm lên nền lò sưởi cho khô và đã bị phơi nhiễm. Vài ngày sau, George trở thành nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch hạch và chết trong đau đớn không chịu nổi.
Dịch hạch kinh hoàng bùng phát tại London năm 1665.
Dịch bệnh nhanh chóng lan nhanh đến phần còn lại của ngôi làng và đến cuối năm, thêm 41 người dân chịu chung số phận bi thảm. Vào mùa xuân năm sau, nhiều người làng đã sẵn sàng đóng gói hành lý và rời đi để thoát khỏi căn bệnh chết chóc này. Nhưng nếu làm vậy, có khả năng họ sẽ lây lan dịch bệnh đến những khu vực khác.
Một mục sư mới được bổ nhiệm là William Mompesson muốn ngăn dịch bùng phát và đích thân giải quyết vấn đề này. Ông tin rằng mình có nghĩa vụ ngăn dịch bệnh lây lan sang thị trấn lân cận và đưa ra quyết định khó khăn là cách ly kiểm dịch làng Eyam. Tuy nhiên, mục sư William lại không có được sự tín nhiệm của dân làng sau khi mục sư tiền nhiệm là Thomas Stanley ra đi. Biết rằng mình cần sự giúp đỡ của Thomas để thuyết phục dân làng ở lại, William đã tìm đến ông. Họ cùng nhau nghĩ ra một kế hoạch đáng chú ý để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Vào tháng 6/1666, William và Thomas nói với dân làng rằng Eyam sẽ tự phong tỏa với phần còn lại của thế giới, không ai được phép ra hay vào làng. Nếu dân làng đồng ý ở lại, William sẽ làm tất cả những gì có thể để xoa dịu nỗi đau của họ. Ông sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để đảm bảo những người tại các làng lân cận sẽ không mắc bệnh. Bất đắc dĩ, mọi người đã đồng ý, chấp nhận cái chết không tránh khỏi và đau đớn.
Làng Eyam đã quyết định tự cách ly để dịch bệnh không lan ra cả nước.
Những tảng đá lớn được chặn quanh làng để đánh dấu "hàng rào vệ sinh" mà không ai được phép vượt qua. Nguồn cung thực phẩm và thuốc men sẽ được các khu định cư gần đó chuyển đến cạnh những "viên đá dịch hạch" để đổi lấy tiền. Thay vì chấp nhận giao hàng trực tiếp, dân làng sẽ để lại tiền vào trong những viên đá đổ đầy giấm, thứ được cho là sẽ giết chết virus vào thời điểm đó.
Ngay cả các nghi lễ ở nhà thờ địa phương cũng phải được chuyển đến đài vòng tự nhiên Cucklett Delph để dân làng có thể giữ khoảng cách với nhau. Dân làng cũng đồng ý tự chôn cất các thành viên trong gia đình mình sau khi họ chết.
Đến tháng 8/1666, có đến 5 hoặc 6 người tại làng Eyam chết mỗi ngày vì cái nóng của mùa hè khiến bọ chét hoạt động mạnh hơn và tàn phá ngôi làng. Vợ của ông William, bà Catherine đã qua đời vào thời điểm này ở tuổi 27. Trong cùng tháng đó, một cư dân tên Elizabeth Hancock không bị nhiễm bệnh nhưng phải đau đớn tự tay chôn cất 6 đứa con cùng chồng trong vòng 8 ngày. Những ngôi mộ sau này được đặt tên là Riley Graves theo tên trang trại họ sống. Các phần mộ vẫn nằm ở rìa làng và bây giờ được bảo vệ như một di sản.
Làng Eyam giờ đây trở thành địa điểm du lịch và tham quan.
Bất chấp những khó khăn phải đối mặt mỗi ngày, dân làng Eyam vẫn kiên định quyết không rời đi. Sau một mùa hè khắc nghiệt, số ca mắc dịch hạch đã giảm đáng kể. Đến đầu tháng 11, căn bệnh này được loại bỏ hoàn toàn. Theo hồ sơ địa phương, 260 người làng từ 76 gia đình tử vong vì căn bệnh đã không rời Eyam. Kế hoạch của William và Stanley đã đạt hiệu quả.
Ngôi làng hiện đang tự quảng bá là "làng dịch hạch" và đón khách du lịch đến thăm mỗi năm. Họ thậm chí còn tổ chức ngày "Chủ nhật dịch hạch" vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 8 để tưởng nhớ sự dũng cảm của những người dân đã quyết định ở lại chống chọi với bệnh tật. Dù đã được trả lại vẻ thanh bình nhưng chắc chắn, những chứng tích anh hùng, quả cảm của người dân Eyam xưa kia sẽ được kể mãi ngàn đời sau. Thế giới sẽ không bao giờ quên quyết định tự cách ly mang tính lịch sử của làng Eyam để mang lại kinh nghiệm quý báu cho loài người mỗi khi đối diện với dịch bệnh sau này.