Nghe có vẻ hơi lạ, nhưng tục lệ lấy tên đệm của cha làm họ của con gái trong dòng họ Nguyễn tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội đã trở thành nét văn hóa của người dân nơi đây, không ai muốn thay đổi.
Con gái lấy tên đệm của bố làm họ
Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không những nổi tiếng với nghề chế tác đồ thờ gỗ như tượng Phật, hoành phi, câu đối, kiệu, long đình... mà còn được biết đến là vùng quê có nhiều họ lạ - do tên con gái lấy tên đệm của cha làm họ. Ví dụ một gia đình có tên cha là Nguyễn Thế Văn, khi sinh con gái đặt tên Linh sẽ lấy đệm cha làm họ: Thế Khánh Linh.
Không một ai biết tục lệ này ở Sơn Đồng có từ bao giờ, chỉ biết từ thời ông cha đã áp dụng cách đặt tên khác biệt ấy. Con trai thì vẫn theo họ bố và đặt tên như thông thường, nhưng con gái lại lấy tên đệm của bố làm họ và có chữ “Thị” đằng sau.
Vì thế nên trong xã Sơn Đồng xuất hiện nhiều họ lạ như họ Chí, Tiếp, Duy, Đắc, Viết…. Điều này khiến người cùng trong một gia đình nhưng bố đẻ một họ, con gái lại mang họ khác, anh chị em ruột nhưng lại mang họ khác nhau.
Vì để tiện cho việc học tập của con cháu, nhiều gia đình đã chủ động đặt tên lấy họ cha
Cụ Nguyễn Đức Tý (70 tuổi), Thủ từ Đình làng Sơn Đồng cho biết, trước đây, cả xã chỉ có hai dòng họ là Nguyễn và Trần. Họ Nguyễn trong làng chiếm đa số, được chia thành nhiều chi nhỏ như: Nguyễn Đức, Nguyễn Văn, Nguyễn Viết.... Cách đặt tên lấy chữ đệm thứ hai (tức chi) trong tên của cha làm họ chỉ có ở dòng họ Nguyễn.
Vì có nhiều chi, nên các cụ đặt tên như vậy cho dễ quản lý, “Nguyễn” là họ chung rồi, nên các cụ chỉ gọi vắn tắt tên “Chi” để dễ phân biệt, chữ “Thị” ngay sau cũng thể hiện luôn giới tính là nữ nên không băn khoăn gì về giới tính nam hay nữ nữa.
“Tôi và các con của tôi vẫn giữ cách đặt tên này, đến đời cháu tôi thì phải giữ họ “Nguyễn” ở đầu cho đúng quy định của nhà nước, các cháu đi học cho thuận lợi. Nhiều hộ dân nơi đây cũng vẫn muốn giữ cách đặt tên của ông bà ngày xưa, không muốn thay đổi”, cụ Tý nói.
Cụ Nguyễn Đức Tý trao đổi với phóng viên.
Trao đổi về tục lệ trên, một cán bộ tư pháp hộ tịch của xã Sơn Đồng cho biết, cách đặt tên này phổ biến ở đa số nữ giới sinh vào những năm 80 của thế kỷ XX và các cụ bà. Sang thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm gần đây, hiện tượng này bắt đầu giảm và hiện nay đối với những trẻ cấp 1, cấp 2, sơ sinh hoàn toàn không còn trường hợp nào đặt tên theo cách này mà đã đặt tên theo đúng quy định của Nhà nước.
Cũng theo vị cán bộ này, chính quyền xã đã cố gắng hướng dẫn người dân lấy họ cha hoặc họ mẹ để làm khai sinh cho con theo đúng quy định của pháp luật chứ không lấy đệm làm họ, để tránh gặp phiền phức về giấy tờ trong quá trình học tập, làm việc ở những địa phương khác sau này.
“Sau khi đã hiểu rõ về quy định, nhiều người đã tự khai sinh cho con, cháu theo đúng quy định như tên Nguyễn Văn Minh Châu chẳng hạn, cách đặt tên này vẫn giữ được truyền thống là họ “Nguyễn Văn” vừa đúng theo quy định Nhà nước, vị cán bộ này cho biết.
Đối với những người lớn tuổi đã có quá nhiều giấy tờ, không thể làm lại thì chính quyền tạo điều kiện xác nhận những giấy tờ trên là của cùng một người nếu đúng với thực tế. Với trường hợp trong cùng một gia đình có tới 3 họ khác nhau thì chính quyền hướng dẫn người dân làm đơn xin xác nhận nhân thân, xác nhận chị A, chị B, anh C… là con đẻ của bố mẹ này.
Không phải là hủ tục mà là truyền thống văn hóa
Anh Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng khẳng định cách đặt tên con gái đặc biệt như trên không phải là hủ tục văn hóa.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng khẳng định, việc đặt tên con gái bằng cách lấy chữ đệm trong tên cha lên làm họ chính của những chi thuộc dòng họ Nguyễn tại xã Sơn Đồng không phải là hủ tục ảnh hưởng từ thời phong kiến, không phải do tư tưởng trọng nam khinh nữ mà là truyền thống văn hóa, phong tục tập quán từ xưa đến nay.
“Dòng họ là yếu tố quan trọng nhất đối với chúng tôi. Họ Nguyễn tại xã Sơn Đồng chiếm trên 70% dân số, có khoảng hơn 20 chi họ Nguyễn khác nhau. Mỗi chi thường sống xung quanh nhà thờ họ, tạo thành cộng đồng dân cư riêng biệt nên các cụ dùng cách đặt tên này cũng có điểm hay đó là chữ “Thị” đã phản ánh được ngay giới tính nữ. Lấy tên chi lên làm họ cũng giúp người làng nhận diện được ngay khu vực mà người được nhắc tên đang sống mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm. Phần là vì các cụ ngày xưa thích đặt tên ngắn gọn, để dễ nuôi và đỡ dài dòng nên mới đặt tên như vậy, nam hay nữ thì tên cũng chỉ ba từ.
Không chỉ họ Nguyễn ở xã Sơn Đồng mà còn ở các xã khác như Song Phương, Cát Quế cũng có cách đặt tên như thế này”.