Quyền đối với họ, tên, chữ đệm và quyền được chuyển đổi giới tính trong dự thảo BLDS (sửa đổi) là hai vấn đề đáng chú ý được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 12-5.
Tranh luận bắt đầu ngay từ tên gọi của Điều 26 dự thảo BLDS (sửa đổi): “Quyền đối với họ, tên và chữ đệm”. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng yêu cầu phải ghi rõ cả “họ, tên và chữ đệm” là không cần thiết bởi lâu nay xã hội đã quen cách hiểu “họ và tên” bao gồm cả phần “chữ đệm” rồi.
Tên dài quá, khó ghi vào giấy tờ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị cân nhắc: “Việc sử dụng “họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Vậy thì việc thay đổi, bổ sung như trên có cần thiết hay không? Có dẫn tới việc thay đổi các giấy tờ, văn bản hành chính hay không? Bởi lẽ phần kê khai sẽ phải thay đổi từ “họ và tên” thành “họ, tên và chữ đệm” cho đúng quy định của bộ luật”.
Bảo vệ cách gọi như dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định thay đổi này rất cần thiết vì trên giấy tờ, chỉ thay đổi chữ đệm thôi cũng đã trở thành người khác rồi.
Cạnh đó, quy định tại Điều 26 của dự thảo cũng gây ra một tranh luận khác là có nên khống chế số lượng chữ (không vượt quá 25 chữ cái) khi đặt tên hay không.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng quy định tên đầy đủ 25 chữ cái (tức tên có khoảng năm chữ) là đã rất dài. Việc nhiều người đặt tên con quá dài, có khi lên đến 30-40 chữ cái như thời gian qua đã khiến việc làm hồ sơ hay giao dịch gặp khó khăn, phức tạp.
Làm thủ tục cải chính hộ tịch tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD
Trong khi đó, bà Trương Thị Mai lo ngại việc này “vượt qua Hiến pháp” bởi theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. “Tên dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cộng đồng, đến đạo đức xã hội đâu. Nếu lo ngại tên dài phức tạp thì nên khuyến khích người dân vì đặt tên dài thì chính con của họ sẽ bị ảnh hưởng chứ không nên áp đặt” - bà Mai lập luận.
Một lần nữa, ông Hà Hùng Cường khẳng định việc khống chế số chữ cái khi đặt tên là rất cần thiết. Bởi nếu đặt tên quá dài thì các giấy tờ như khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ BHXH… thậm chí phải viết tắt mới đủ chỗ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho công dân mà còn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Chính phủ ủng hộ cho phép chuyển giới
BLDS hiện hành và dự thảo BLDS (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân chỉ có quy định xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, qua tổng hợp thì có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Chính phủ sau đó đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào Điều 36 dự thảo (quyền xác định lại giới tính) với hai phương án: Phương án thứ nhất là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Phương án thứ hai là “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Ông Hà Hùng Cường cho biết qua thảo luận, Chính phủ thấy rằng loại ý kiến thứ nhất là hợp lý. Bởi lẽ dù chưa có số liệu thống kê chính thức về những người đã chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính ở nước ta nhưng chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật và đang ngày càng gia tăng. Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép việc chuyển đổi giới tính nên một số người đã ra nước ngoài thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Khi về nước, họ không được cải chính hộ tịch nên gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới cũng như khó khăn trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan.
Theo ông Cường, quá trình lấy ý kiến, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y, sinh học cho rằng đã đến lúc nên bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước ta về vấn đề này trong BLDS.
Theo bà Trương Thị Mai, quyền được xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính là hai vấn đề khác nhau, cần được quy định thành hai điều luật riêng để tránh nhầm lẫn. “Trường hợp tôi là nam hay nữ nhưng cơ thể tôi ngược lại thì tôi phải đi xử lý để xác định lại giới tính. Trường hợp này chúng ta đã cho rồi và đây là việc quá nhân văn, quá con người” - bà Mai nói. Với những trường hợp chuyển đổi giới tính do ý thích, bà Mai cho rằng cần có thêm thông tin và cần xem xét, cân nhắc vì còn liên quan đến văn hóa của người Việt.
Ông Phan Trung Lý nhận xét: “Việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền này không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Chẳng hạn, hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính; hay có công nhận hôn nhân đồng giới hay không, có phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam hay không? Cần tham khảo kinh nghiệm thế giới đã có bao nhiêu quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính, những trường hợp nào thì pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính… Trên cơ sở đó Quốc hội mới có đầy đủ thông tin để xem xét, quyết định”.
Quy định về đặt tên Theo khoản 3 Điều 26 dự thảo BLDS (sửa đổi), việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặctrái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều3của bộ luật này. Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc kháccủa Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tênvàchữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái. |