Hiếu công nhận, nhiều người cho mình bị hâm vì có cơ hội tốt ở nước ngoài và nhân viên xuất sắc, được nhiều ngân hàng săn đón để sống với ước mơ thiện nguyện.
Trong khoảng thời gian gần đây, vũ sư Đinh Thanh Hiếu (SN 1976) trở thành người nổi tiếng vì là người mở lớp dạy nhảy cho người khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam. Thế nhưng, mỗi khi có phóng viên ngỏ ý muốn được hiểu hơn về con người anh thì vũ sư lại tìm cách thoái thác. Sau nhiều lần tiếp cận, cuối cùng, chúng tôi cũng đã được vũ sư trút bầu tâm sự về con đường từ bỏ nước ngoài để trở về Việt Nam làm thiện nguyện.
Hiếu đang dạy nhảy cho các học viên trên xe lăn
Đến lớp dạy nhảy miễn phí cho người khuyết tật ở Trung tâm khuyết tật và Phát triển Đời Rất Đẹp, giọng nói lanh lảnh của vũ sư Hiếu “Nào, xoay cái mông, lắc cái hông, ưỡn cái ngực…” cùng hàng chục học viên ngồi trên xe lăn ắt hẳn khiến không ít người cảm thấy bất ngờ. Có lúc, Hiếu đứng ở phía trên để thị phạm, có khi lại xuống dưới trực tiếp giúp học viên chỉnh sửa từng động tác. Thông qua những hình ảnh ấy, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết của anh đối với những người khuyết tật.
Nghỉ giải lao, khắp người Hiếu là mồ hôi. Anh khe khẽ cho biết, học nhảy từ năm 10 tuổi. Nhiều người tỏ ra không thích điều này bởi: “Con trai mà học nhảy”. Tuy nhiên, với những cái xoay mình, lắc hông, lắc mông… anh lại cảm thấy thích thú. Bỏ mặc những lời dị nghị, anh vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Đến năm 18 tuổi, anh sang Australia du học nghành kinh tế. Mặc dù học kinh tế rất giỏi những máu nghệ thuật đã ăn sâu trong con người nên mỗi khi có thời gian rãnh anh lại đăng ký học nhảy. Hoặc nghe nơi nào có các chương trình liên quan đến khiêu vũ là anh lại đăng ký tham gia. Trong khoảng thời gian thiện nguyện ở nước bạn, anh tham gia một số chương trình dạy nhảy dành cho người khuyết tật, khiếm thị nên nuôi hy vọng sẽ đưa về thực hiện ở Việt Nam.
Thuở du học, anh có một mối tình sâu đậm, hai người đã bàn tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, năm 2010, anh nhận ra, cuộc sống ở Austrailia không hợp với mình nên đành chia tay và trở về Việt Nam. Khi được hỏi người ấy giờ ra sao? Anh hiếu cười: “Cô ấy giờ đã lập gia đình, sống hạnh phúc. Thôi thì như thế cũng khiến mình cảm thấy bớt tội lỗi”.
Hiếu luôn nở nụ cười với công việc dạy khiêu vũ cho người khuyết tật
Với những vốn kiến thức học ở nước ngoài, anh được các ngân hàng trong nước săn đón. Anh trở thành nhân viên trong một ngân hàng lớn. Lúc hoạt động trong ngành ngân hàng, anh luôn là nhân viên xuất sắc, có nhiều thành tích đặc biệt. Khoảng thời gian này, anh nhận ra, ngành kinh tế có nhiều rủi ro, con người chạy theo giá trị đồng tiền quá nhiều. Từ đây, anh nghĩ đến chuyện bỏ việc để trở về với nghệ thuật.
Ngay khi thể hiện ý định bỏ một ngành “hot”, cha mẹ đều khá sốc. Do người thân đều ở nước ngoài nên khuyên anh sang cùng. Tuy nhiên, anh quyết định ở lại Việt Nam để trở một vũ sư, truyền dạy nghệ thuật cho nhiều người khác. Đến nay, cha mẹ đã cảm nhận được nhiệt huyết của con trai nên cũng không còn ngăn cản, thậm chí cổ vũ.
Cũng trong quá trình trở về Việt Nam, anh luôn nung nấu ý định mở lớp khiêu vũ, nhảy dance sport cho người khuyết tật, khiếm thị. Cách đây chưa lâu, anh mở lớp khiêu vũ ở trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM). Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn nên hiện nay phải tạm dừng một khoảng thời gian.
Ngay sau đó, anh đến nhiều trung tâm khuyết tật với dự án mở lớp dạy nhảy cho người khuyết tật. Tuy nhiên, không ít trung tâm cảm thấy ngờ vực động cơ của anh nên không chấp nhận. Chỉ khi tìm đến trung tâm Đời Rất Đẹp thì dự án của anh mới được chấp nhận và giờ đã được triển khai. “Tôi cảm thấy khá buồn vì mình đến với người khuyết tật nhưng lại bị hiểu nhầm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người nhận ra tấm lòng thiện nguyện của tôi”, anh chia sẻ.
Đây là lớp dạy nhảy cho người khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam
Anh Hiếu cho hay, lớp học được dạy theo giáo trình khiêu vũ trị liệu cho người khuyết tật của bệnh viện Melbourne Yoyal (Australia). Tuy nhiên, do người khuyết tật ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với người khuyết tật ở nước sở tại nên anh phải điều chỉnh lại cho phù hợp theo hướng mang tính giải trí, giảm stress, tăng cường trị liệu…
Vũ sư Hiếu nhận thấy, người khuyết tật ở nước ngoài nhận được nhiều phúc lợi xã hội cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, người khuyết tật có vẻ tự ti, mặc cảm chật vật cuộc sống. Do đó, anh hy vọng với lớp học dạy nhảy sẽ có nhiều người tham gia, góp phần giúp người khuyết tật tự tin, vui sống hơn.
“Có nhiều người cho rằng tôi bị hâm vì không chăm lo phát triển kinh tế mà suốt ngày tụ tập với người khuyết tật, khiếm thị. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đời người chỉ sống được một lần, tại sao không vừa sống cho mình, vừa giúp đỡ cho người khác. Đến lúc đó, chính mình sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều”, Hiếu cười tươi tâm sự.