Người cựu binh tài hoa “ép” sắt vụn ra… xăng

Ngày 14/02/2016 23:20 PM (GMT+7)

Chỉ cần gắn thiết bị vào động cơ, một chiếc xe máy có thể chạy 100km mà chỉ mất 1 lít xăng. Sáng tạo đó tưởng như chỉ có thể có ở các nước phát triển trên thế giới. Thế nhưng ở Việt Nam, có một cựu chiến binh đã làm được điều kì diệu ấy.

 Điều đặc biệt hơn nữa, dây chuyền máy móc của ông được làm ra hoàn toàn bằng… sắt vụn.

Nhà sáng chế khởi nghiệp từ… bơm xe đạp!

Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Trọng (SN 1953, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Hưng. Từ cổng vào đến sân, gần 200m2 tràn ngập các loại thiết bị, máy móc. Ông Trọng hết cầm búa lại cầm cờ lê, gõ chỗ này, vặn chỗ kia, xoay quanh máy móc như đèn cù. Mỗi ngày, ông dành 15 - 16 tiếng bên xưởng chế tạo. Mười mấy năm qua, ông đã sống và làm việc không ngừng như thế.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), tuổi thơ của ông Trọng là những tháng ngày lam lũ với ruộng vườn. Năm 18 tuổi, ông xung phong nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Vào sinh ra tử nơi chảo lửa nên cơ thể ông chi chít những vết thương. Trở về quê hương sau ngày giải phóng với thương tật 4/4, cuộc đời phía trước đối với ông mà nói đen tối như cái “tiền đồ của chị Dậu”.

Người cựu binh tài hoa “ép” sắt vụn ra… xăng - 1

Ông Trọng trong căn phòng sáng chế của mình. Ảnh: XH

Xoay xở trăm bề mà vẫn không thoát được cảnh nghèo, đầu những năm 90, ông Trọng quyết định ra Hà Nội tìm kế mưu sinh. Không vốn, không trình độ, ông vay tiền bạn bè sắm sửa đồ nghề ra vỉa hè đường Láng hành nghề bơm vá xe đạp. Ngày đó, Hà Nội thịnh hành dòng xe Babeta của Tiệp Khắc, nhìn cảnh nhiều người mướt mồ hôi mới nổ được xe, ông bèn nảy ra ý định thiết kế thêm chi tiết giúp xe dễ nổ máy. Sau nhiều ngày tìm hiểu, đo vẽ, thiết kế cuối cùng ông cũng chế tạo thành công. Gắn vào xe, người dùng chỉ đẩy cần nhẹ là xe đã khởi động. Từ đó, ông chuyển hẳn sang nghề sửa chữa xe Babeta.

Nghề sửa chữa xe Babeta hồi đó rất ăn khách, thế nhưng, cái máu sáng tạo lại cứ thôi thúc ông tìm thêm điều gì đó mới mẻ. Một lần đi mua bếp gas về dùng, ông nhận thấy loại bếp của Nhật có kết cấu đơn giản nhưng giá rất đắt. Bực mình, ông không mua nữa mà bỏ về tự chế bếp gas. Sau một tuần mày mò chế tạo, chiếc bếp gas “đời mới” của ông ra đời, đun nấu tiện lợi lại tiết kiệm gas mà giá chỉ có 500.000 đồng (giá rẻ bằng 1/5 của Nhật). Chiếc bếp ngay lập tức tạo ra cơn sốt, khách hàng đua nhau mua về dùng. Ông bán được gần 700 chiếc.

Đến những năm 2000, ông Trọng bỏ nghề sửa chữa xe máy, quay sang nhận làm những công trình điện, máy móc. Ông được bạn bè mời tham gia sửa chữa 4 máy biến thế bị rò rỉ điện (mua của Liên Xô cũ) mà ngay cả các kĩ sư lành nghề cũng không làm được. Sau 20 ngày kè kè bên chiếc máy, ông Trọng đã sửa chữa thành công 4 chiếc máy này. Có lần, ông theo người bạn sang sửa chữa máy hàn đồ hộp cho một công ty có trụ sở nằm trên quốc lộ 5. Máy được sản xuất bởi một công ty của Ấn Độ, nhưng khi nhập về Việt Nam chỉ hàn được mối ghép dài 1mm, trong khi yêu cầu là 0,5mm. Công ty bên Ấn Độ cử các kĩ sư sang sữa chữa nhưng tất cả đều bó tay. Thế nhưng khi mời ông Trọng đến, chỉ sau 4 ngày là máy đã hoàn hảo.

Khó có thể kể hết những “chiến tích” của ông Trọng trong việc sửa chữa máy móc ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Ông còn được mời tham gia vào nhóm chế tạo robot. Con robot nổi tiếng TOPIO của Việt Nam với khả năng chơi bóng bàn, được đem đi tham dự triển lãm robot lớn nhất thế giới tại Nhật Bản có phần tham dự của ông, với phần sáng tạo về khớp và cánh tay.

“Ép ra xăng” từ những mẩu sắt vụn

Người cựu binh tài hoa “ép” sắt vụn ra… xăng - 2

Cựu binh tài hoa Nguyễn Hữu Trọng. Ảnh: XH

Năm 2008, ông Trọng thôi bôn ba sửa chữa máy móc ở các nơi mà trở về với mái nhà riêng. Ấy là bởi vì trong đầu ông bấy giờ đang ấp ủ một dự định táo bạo, độc đáo: Sáng tạo thiết bị tiết kiệm xăng cho người đi xe máy. Ông bảo, Việt Nam là “quốc gia xe máy”, số lượng xe máy lên đến hàng chục triệu chiếc, mà giá xăng lại cao, vậy tại sao không chế tạo thiết bị có thể sử dụng tối đa nhiên liệu đốt cháy, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ động cơ và môi trường? Nghĩ vậy nên ông đóng cửa nằm nhà mày mò thiết kế. Sau hai năm theo đuổi ý tưởng, thiết bị cũng thành hiện thực. Ông Trọng được cấp bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm này.

Thiết bị tiết kiệm xăng của ông được chế tạo bằng hợp kim không gỉ, rất nhỏ gọn, nặng khoảng 1,6kg. Lắp đặt rất nhanh, chỉ cần tháo bỏ cổ hút của xe máy ra và lắp thiết bị vào bằng 4 con ốc có sẵn của xe. Thời gian lắp đặt chỉ bằng thời gian làm vệ sinh bộ chế hòa khí. Vì toàn bộ thiết bị nằm sau chế hòa khí và được che khuất bởi yếm nhựa nên rất kín đáo.

Nguyên lí hoạt động của thiết bị cũng rất đơn giản, đó là sử dụng nhiệt lượng của khí xả để hóa hơi hỗn hợp đốt trước khi đưa vào xi lanh. Thế nên nhiên liệu được đốt cháy tối đa, bô và buzi tuyệt đối không còn muội, xe vận hành êm ru, hạn chế mỏi mệt cho người điều khiển. Đặc biệt, ống pô luôn mát, ngăn được tình trạng bỏng ống pô. Gắn thiết bị này vào xe máy, giúp tiết kiệm từ 30 – 40% nhiên liệu. Nếu xe đi với vận tốc trung bình 50km/h thì 100km chỉ tiêu tốn khoảng 1 lít xăng.

Sáng tạo được sản phẩm độc đáo nhưng làm sao để đưa nó đến rộng rãi với người tiêu dùng. Ông Trọng suy nghĩ rồi quyết định đầu tư nghiên cứu xây dựng hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất thiết bị. Năm năm trời ròng rã ăn ngủ tại xưởng, đổ gần 3 tỷ đồng vào đầu tư, hàng trăm lần thử nghiệm, cuối cùng hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất tự động cũng được hoàn thành. Điều đặc biệt để tạo nên dây chuyền sản xuất phức tạp đó, toàn bộ nguyên liệu đầu vào đều được ông Trọng thu mua nơi các cửa hàng sắt vụn hay chợ Trời. Trung bình mỗi ngày, hệ thống máy của ông có thể làm ra từ 400 – 500 sản phẩm.

Sáng tạo được sản phẩm độc đáo, thiết thực, làm lợi cho cộng đồng thế nhưng trong lòng người “kĩ sư” Nguyễn Hữu Trọng vẫn đầy rẫy những lo âu. Ông bảo mới đây bị ốm một trận nặng, nằm viện hơn nửa tháng, tưởng như suy sụp hoàn toàn. Bởi ông đang lo nghĩ đến việc làm sao để đưa sản phẩm ra thị trường khi mà cả tài chính và sức khỏe của ông đang ngày một kém. “Dù vậy nhưng nhận được những lời động viên, chia sẻ của bạn bè, anh em và nhất là những phản hồi tích cực từ người dùng sản phẩm tôi thấy cũng có thêm nhiều động lực để cố gắng”, ông Trọng chia sẻ.

Một đời đam mê và gặt hái được những thành công nhất định trên con đường nghiên cứu chế tạo máy móc, ông Trọng bày tỏ: “Nhà nước nên quan tâm, ưu đãi, khuyến khích, động viên đúng mực những người làm khoa học, dù chân đất hay không chân đất, dù thất bại hay thành công. Đừng phân biệt. Bởi chỉ như vậy mới có thể khuyến khích được mọi người hăng say lao động, khám phá và sáng tạo không ngừng”. Bản thân ông Trọng cũng nhận được sự quan tâm rất chân tình và cảm động từ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã từng tới tận xưởng để thăm hỏi, động viên ông.

Ông Nguyễn Hữu Trọng kể, ngày sáng tạo ra thiết bị tiết kiệm xăng cho người đi xe máy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã về đây, xuống tham quan xưởng và nói: “Tôi là dân kĩ thuật, trưởng thành từ khoa học, tôi đánh giá rất cao công trình của anh và tôi ủng hộ anh”. Những lời nói đó khiến ông Trọng rất ấm lòng và có thêm động lực lớn để theo đuổi đam mê sáng tạo của mình.

Theo Xuân Hải
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự