"Có thể mọi người sẽ nghĩ em nói quá nhưng thực sự kể từ khi xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, gia đình em đã có một cuộc đời mới mà xưa giờ có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến”, Đớn nói.
Chuyện về gia đình cặp đôi “đũa lệch” chồng 50 – vợ 27 tại Ninh Thuận đã chạm tới trái tim của rất nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Họ đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình từ các mạnh thường quân. Nhờ đó họ có khoản tiền không nhỏ để làm ngôi nhà vững chãi, khang trang, thoát khỏi cảnh “4 người chui rúc trong túp lều rách nát”.
Sau một thời gian khởi công xây dựng, căn nhà đã hoàn thiện với niềm vui trọn vẹn của vợ chồng chú Tuấn và Đớn. Song không ít người vẫn bày tỏ sự lo lắng khi cách đây gần một tháng có kẻ gọi điện doạ nạt sẽ đến phá hoại.
“Tôi theo dõi cặp đôi “đũa lệch” này từ ngày mới xuất hiện trên mạng xã hội. Họ nghèo khó và cơ cực thật sự. Hai vợ chồng và hai đứa trẻ phải sống trong căn lều xập xệ giữa rừng hoang vu, không điện cũng chẳng nước sạch.
Nhờ có Gà – chàng trai chuyên cứu giúp người nghèo ở trong vùng giúp đỡ mà các mạnh thường quân biết đến, ủng hộ nhu yếu phẩm và tiền bạc. Thậm chí mọi người còn chung tay ủng hộ trăm triệu để cặp đôi dựng ngôi nhà vững chãi. Tôi thấy việc làm đó thật ý nghĩa, đã “bao bọc” được 4 con người. Tuy nhiên tôi rất lo lắng đến chuyện kẻ xấu sẽ hãm hại họ”, anh Tú Vũ – một người dân sống tại Ninh Thuận bày tỏ về hoàn cảnh của chú Tuấn và Đớn.
Trước sự lo lắng của mạnh thường quân, chú Tuấn lần nữa lên tiếng trấn an mọi người về tình hình của gia đình mình. Chú cho biết từ bữa bị doạ nạt đến giờ chưa thấy ai đến để làm phiền hay phá hoại nhà cửa.
Gia đình chú Tuấn và Đớn chụp hình kỷ niệm với ngôi nhà mới.
“Tôi không sợ gì hết! Tôi biết người ta doạ như thế cho sướng cái miệng thôi. Nhà tôi được xây dựng trên mảnh đất của vợ chồng tôi, chứ có xây bừa bãi đâu mà doạ nạt phá hoại. Ai mà đến đập phá, tôi sẵn sàng thưa công an về tội phá hoại nhà cửa của người khác.
Hơn nữa vợ chồng tôi xưa nay sống tử tế, không hề xích mích với ai nên khá bất ngờ với lời hăm hoạ. Song tôi không có sợ vì “cây ngay không sợ chết đứng””, người đàn ông 50 tuổi tâm sự.
Chú Tuấn cho biết hiện tại ngôi nhà đã hoàn thiện, chỉ đợi thợ thuyền làm xong phần bên ngoài là có thể dọn đồ đạc, đem quần áo vào ở. Và tổng chi phí của tất cả hạng mục là 116 triệu đồng – số tiền nhỏ so với nhiều người nhưng với người đồng bào ở Ninh Thuận là con số rất lớn, làm cả đời chưa chắc có được.
“Tôi từng thoả thuận với chủ thầu rằng sẽ khoán toàn bộ ngôi nhà cho họ làm. Nhưng họ không đồng ý vì ngôi nhà này nhỏ so với các công trình khác. Vợ chồng tôi đành phải tự làm những việc như đẩy cát, gạch, đá vào trong hoặc thiết kế mấy thứ linh tinh như điện năng lượng mặt trời, đường nước… Nhờ đó chúng tôi tiết kiệm được kha khá tiền, chứ khoán hết thì số tiền phải nhiều hơn 116 triệu đồng”, chú Tuấn thành thật.
Chồng vừa dứt lời, Đớn – vốn là người phụ nữ không giỏi ăn nói hào hứng khoe: “Dù vất vả như thế nào em cũng chịu được, chỉ cần có ngôi nhà tử tế cho hai đứa trẻ ở. Cuối cùng em đã được toại nguyện. Giờ em chỉ nhìn ngôi nhà cũng thấy niềm vui ngập tràn.
Có thể mọi người sẽ nghĩ em nói quá nhưng thực sự kể từ khi xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, gia đình em đã có một cuộc đời mới mà xưa giờ có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến”.
Có nhà mới khang trang, vợ chồng chú Tuấn luôn cảm thấy vui vẻ, khoẻ khoắn và tràn trề nhiệt huyết sống. Thậm chí hai bé trai cũng không giấu nổi sự phấn khích khi cả nhà sắp chuyển sang nhà mới ở. “Con với em có giường để nằm rồi! Xưa anh em con chỉ được nằm chiếu rách, không biết cảm giác nằm giường như các bạn sẽ êm ấm như thế nào. Con đã thi xong học kỳ, sẽ giúp ba mẹ quét dọn nhà cửa sạch sẽ”, con trai đầu của vợ chồng chú Tuấn nói.
Nhắc đến chuyện trong nhà còn cái ăn hay không, Đớn thừa nhận bữa cơm hằng ngày chỉ có một chút rau rừng luộc hoặc xào. Song hai đứa trẻ vẫn ăn một cách ngon lành và nói rằng chỉ cần có nhà mới thì khổ chút cũng được.
“Đồ ăn thức uống hoặc nhu yếu phẩm ở trên này đắt đỏ lắm! Người ta mất công vận chuyển từ dưới làng lên, đi bộ hàng cây số nên bán đắt để tính công sức nữa. Ví dụ thịt heo đóng hộp ở dưới kia bán 12 nghìn đồng thì trên này 16 nghìn hoặc gói bột giặt cũng đắt. Vì thế vợ tôi có dùng bột giặt đâu, còn nhu yếu phẩm mọi người mua cho phải dùng dè sẻn để mấy nữa còn có cái dùng”, chú Tuấn chia sẻ.
Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng nghĩ đến việc có ngôi nhà mới để ở là vợ chồng chú Tuấn lại phấn khởi, cố gắng làm lụng để các con có một tương lai tương sáng hơn.