"Chúng tôi cũng chạy lại chúc mừng gia đình chú ấy. Đến khi tờ vé bị rách làm đôi, ai nấy đều tự biết rằng tờ vé không còn giá trị gì nữa nên thay nhau động viên, an ủi vợ chồng chú ấy và đứa cháu", người phụ nữ nói.
Hai người đàn ông miền Tây tên Tuấn và Hiếu trúng số, bỗng dưng có tiền nhưng lại chẳng được lĩnh thưởng không phải là câu chuyện hi hữu xảy ra giữa đời thường. Bởi thực tế có không ít người có hoàn cảnh khó khăn vỡ òa hạnh phúc khi biết tin trúng số song chỉ vài tiếng sau lại rơi nước mắt vì không nhận được tiền thưởng, giống như người đàn ông này!
Người đàn ông đó tên Dương Văn Tùng ( SN 1964, ngụ ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Và đến nay khi trở về mảnh đất này, người dân nơi đây vẫn tỏ tường và kể vanh vách về câu chuyện trúng số “đen đủi” của gia đình ông.
“Khổ! Chú ấy được thần tài gõ cửa nhưng ông thần lại không chịu... bước vào nhà. Vì thế gia đình chú càng rơi vào cảnh chẳng đặng đừng khổ sở. Với người giàu, số tiền 100 triệu đó không đáng là bao nhưng với chú thì to lớn lắm, có thể trả hết số nợ mấy chục năm gồng gánh đó”, chị Bốn - người bán nước đầu ấp Bình Hòa thở dài.
Ông Tùng đã giữ lại tờ vé số làm kỷ niệm.
Sau đó chị Bốn từ từ ngược về quá khứ cách đây gần chục năm – thời điểm ông Tùng trúng vé số trị giá 100 triệu đồng. Theo đó, gia đình ông Tùng vốn sống cảnh màn trời chiếu đất, không có nổi tấc đất cắm dùi. Họ quanh năm sống bằng nghề ai thuê gì làm đó, thậm chí có đợt thất nghiệp phải chịu cảnh nhịn đói nhịn khát
Một lần, ông mua ủng hộ người bán vé số một tờ của Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang trị giá 10.000 đồng với hi vọng may mắn sẽ mỉm cười với gia đình mình. Chiều đó, ông vỡ òa sung sướng sau khi biết mình trúng giải phụ đặc biệt 100 triệu đồng.
"Chú ấy không kìm nén nổi xúc động đã hò reo khiến con cháu trong nhà xúm lại giành nhau xem tờ vé. Thế rồi, đứa cháu gọi cậu đang học đại học năm 2 vô tình làm rách tờ vé thành đôi. Lúc ấy không chỉ vợ con chú ấy bàng hoàng mà đứa cháu cũng tím tái mặt mày luôn”, chị Bốn nhớ lại.
Tờ vé số bị rách làm đôi.
Bản thân ông Tùng tại thời điểm đó cũng cố gắng trấn an mọi người, đặc biệt là người cháu để cháu không nghĩ quẩn làm bậy. Bởi người cháu đã buồn bã, lánh mặt mọi người, thậm chí có ý định bỏ học lên Bình Dương làm công nhân để kiếm tiền đền bù 100 triệu đồng cho cậu. “Trời cho 100 triệu đồng, gia đình tôi ai nấy đều mừng rỡ vì nghĩ sẽ trả được số nợ 50 triệu đồng cả chục năm nay. Vây mà chúng tôi bỗng chốc mất sạch”, người đàn ông An Giang từng chua xót.
“Chúng tôi cũng chạy lại chúc mừng gia đình chú ấy. Đến khi tờ vé bị rách làm đôi, ai nấy đều tự biết rằng tờ vé không còn giá trị gì nữa nên thay nhau động viên, an ủi vợ chồng chú ấy và đứa cháu. Chúng tôi còn bàn tính kế hoạch giúp đỡ gia đình cũng như tìm cách để công ty xổ số cho lĩnh thưởng bởi chú quá khổ rồi”, chị Bốn nói.
Tất cả người dân có mặt tại nhà ông Tùng khi ấy đã ký vào tờ tường trình vụ việc, sau đó nhờ chính quyền địa phương xác nhận với hi vọng Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang thương tình giúp đỡ. Tuy nhiên công ty xổ số căn cứ vào quy định trả thưởng in ở mặt sau của tờ vé số, quyết định không trả thưởng.
Đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang cho biết, theo quy định trả thưởng ghi ở mặt sau của mỗi tờ vé số, từ vé số trúng thưởng phải còn nguyên hình, nguyên số không rách rời, không chắp vá. Vì thế tờ vé số của ông Tùng rách thành hai nên công ty không thể giải quyết cho nhận thưởng.
Lãnh đạo xã Mỹ Khánh cho biết, gia đình ông Tùng làm người đàng hoàng, lại chăm chỉ làm ăn nhưng mãi không thoát nghèo. Do đó chính quyền rất hi vọng ông có thể được lĩnh thưởng 100 triệu đồng song công ty xổ số làm theo đúng quy định, không thể trao thưởng.