“Tôi không nhớ thứ tự từng vợ nhưng luôn chắc chắn bản thân có 37 người vợ. Tôi cũng không biết bản thân có bao người con vì nhiều quá và có thể vợ giấu lũ trẻ, không muốn chúng biết mặt bố là ai…”, Bó nói.
Ở vùng cao Tây Bắc, chuyện nhiều vợ đông con không còn xa lạ bởi ở nơi này vẫn tồn tại nhiều quan niệm cổ hủ, trong đó niềm tin “càng nhiều con càng lắm của”. Song thực tế, đa thê nhiều con chính là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình cũng như chính sách kế hoạch hóa gia đình. Hiện tại, nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi gia đình chỉ một vợ, một chồng và hai con.
Nhắc đến các trường hợp đông vợ đông con nổi tiếng tại Việt Nam, chúng ta không thể không kể đến một người đàn ông lập "kỷ lục" khi có đến 37 người vợ, đó là anh Lường Bó – người dân tộc Thái (Mai Sơn, Sơn La). Bó nổi tiếng khắp vùng từ vài năm trước khi có tới 37 người vợ thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mông, Thái, Dao… Trong số đó, có người có hôn thú với anh, có người được anh dắt về nhà chung sống như vợ chồng.
“Tôi không nhớ thứ tự từng vợ nhưng luôn chắc chắn bản thân có 37 người vợ. Tôi cũng không biết bản thân có bao người con vì nhiều quá và có thể vợ giấu lũ trẻ, không muốn chúng biết mặt bố là ai…”, anh từng tâm sự trong một bài phỏng vấn với báo chí. Cũng trong lần đó, anh trầm ngâm kể về cuộc đời đào hoa của bản thân.
Liên tục cưới vợ mới và bỏ nhau trong chốc lát
Anh Bó là anh trai cả trong một gia đình có 5 anh em. Anh được cha mẹ đặt tên Bó với ý nghĩa là bông hoa tươi đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Có lẽ vì thế mà số phận đào hoa đã vận vào cuộc đời chàng trai người Thái này.
Người đàn ông hoà hoa vùng Tây Bắc.
15 tuổi, Bó được bố mẹ cưới về cho người vợ đầu tiên tên Im – hơn anh 10 tuổi. Vợ anh cũng dân tộc Thái, ở không xa bản anh là mấy. Song lúc lấy về anh mới biết mặt “chị vợ” nên chẳng có tình yêu.
Theo phong tục ngày ấy, Bó phải ở rể, làm lụng cho nhà ngoại nhưng không được ngủ với vợ. Sau 3 năm, vợ chồng mới được gần gũi. Lúc này chị Im đẻ liền 2 người con với hi vọng có được tình yêu của chồng.
Dẫu vậy Bó chẳng thể vui vì vẫn phải ở rể. Anh quyết định bỏ về nhà đẻ khiến gia đình vợ nổi giận. Cả hai quyết định ly hôn. Toà phán quyết hai đứa trẻ ở cùng mẹ, còn anh trở lại nơi sinh ra.
Một thời gian sau, Bó quen Việt – nhà cách đó không bao xa rồi nên bén duyên. Anh về nhà nói với gia đình chuyện muốn làm đám cưới với người con gái này. Bố mẹ anh thương con lỡ dở một đời vợ nên sẵn sàng đem cắm nương ngô lấy 30 triệu đồng để tổ chức đám cưới linh đình cho con trai cả.
“Lần đó, tôi không phải ở rể như hồi đầu tiên. Chúng tôi đã sống tháng ngày hạnh phúc cho đến khi con đầu lòng biết ngồi trong địu thì vợ muốn về quê chơi. Ngờ đâu cô ấy đi luôn, không hề quay lại ngôi nhà này nữa. Tôi đi đòi vợ đòi con mà không được”, anh cố lục tìm ký ức.
Không lâu sau, Bó quên đi nỗi đau bị vợ bỏ đã quen Lò Thị Quên ở xã bên cạnh. Quên là gái đã có con nhưng chưa có chồng. Anh bỏ ra 3 triệu đồng để đón bạn gái về nhà làm vợ. Cặp đôi dựng một căn nhà nhỏ trên đường đi Phiêng Pằn và sống hạnh phúc được 7 tháng thì xảy ra chuyện.
Căn nhà của Bó.
Anh trai của Quên là con nghiện, gửi thuốc phiện xuống bán khiến chị bị bắt. Bó đành nhận tội, đi tù thay đẻ vợ ở nhà với con nhỏ. Anh suy nghĩ rằng đứa trẻ ở gần và được mẹ chăm sóc, dạy bảo vẫn tốt hơn…
Hai năm sau, Bó trở về thì Quên đã bỏ đi, mang theo cả đứa con cùng 5 con dê, 1 đàn gà, vét sạch 1 ao cá. Khi ấy anh bị quản thúc ở địa phương, bố mẹ lại giục lấy vợ nên đành tìm hiểu cô gái Ỏm ở huyện bên.
“Lần đó, tôi cũng mất 3 triệu để tổ chức đám cưới và ở rể luôn. Cả hai có con, vợ vẫn không muốn về làm dâu. Tôi suy nghĩ đắn đo, thương cha mẹ già chẳng có ai chăm sóc nên chọn gia đình vì nghĩ bỏ vợ này vẫn cưới được vợ khác”, anh Bó nhớ lại.
Yêu ai cũng dành trọn tấm chân tình
Vỏn vẹn vài năm, Bó “thay” vợ đến 4 lần. Gia đình và dân bản cứ ngỡ rằng anh “sợ” lấy vợ vì đã nếm đủ mùi cay đắng. Ngờ đâu anh quen người thứ 5 tên Au ở huyện trên. Khi ấy gia đình anh chẳng có nổi tấc đất. Anh phải dựng tạm một chiếc lều làm chỗ ra vào rồi hai vợ chồng cố gắng làm việc. Song vì không chịu được cảnh sống khổ, Au đang mang bầu tháng thứ 7 vẫn bỏ về nhà đẻ.
Từ đó, bố của Bó buồn chán không làm thủ tục cưới hỏi vợ cho anh nữa. Anh cứ yêu rồi chung sống với người tình như vợ chồng mà không cần hôn thú. Lúc họ sống ở lều canh nương, lúc lại ở nhà trọ. “Nhiều người thật lòng với tôi lắm. Họ thương, muốn gắn bó cả đời nhưng chẳng thể vượt qua nổi cái sĩ diện bản thân, sợ mang tiếng nên bỏ đi. Hơn nữa, vợ cứ bỏ là tôi cưới thêm vợ thành ra có tất cả 37 người”, người đàn ông dân tộc nói.
Nhắc đến chuyện bị vợ bỏ có buồn hay không, Bó thật thà: “Có chứ! Chỉ có người vợ đầu tôi không có tình cảm, chứ tất cả đều yêu thương nhiều. Người nào bỏ đi, tôi đều đau buồn một thời gian. Nghĩ mà buồn tủi cho phận của mình, muốn yên bề gia thất để làm ăn mà bị cái nghèo bủa vây quá”.
Tháng 9/2015, Bó đi thăm em gái nuôi tên Lưu và ngỏ lời yêu. Gia đình Lưu đã gạt mọi quá khứ của anh, tác thành hôn sự vì con gái đã một lần đổ vỡ. Cặp đôi không cưới xin, dựng một cái lều giữa quả đồi rồi mua thêm đàn lợn, con gà để nuôi.
Lãnh đạo xã Chiềng Lương – nơi ở của Bó cho biết, anh không đẹp trai, không biết chữ, chịu khó làm việc. Song anh không biết chê gái, hễ gặp ai là đồng ý làm chồng rồi bị bỏ vì nhà nghèo. Do đó anh mới nhiều vợ và nhiều cuộc chia tay đến thế.