Gia đình đông con nhất nhì Hà Giang đến nỗi bố mẹ nhầm đứa này với đứa khác, con trai út được bác sĩ đặt tên đầy ý nghĩa

NGỌC HÀ - Ngày 01/12/2022 12:01 PM (GMT+7)

Nhắc đến chuyện nhiều con như vậy có bao giờ quên tên con hay không, anh Nùng cho biết: “Có chứ. 7 đứa nhà mình tên lần lượt là Ly, Hoa, Phương, Yên, Linh, Xuân và Thành Công. Đôi lúc mình cũng không nhớ được tên của con hoặc nhầm đứa này sang đứa kia bởi chúng sàn sàn nhau".

Từ lâu, chuyện sinh nhiều con ở các địa phương vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc không còn là điều mới mẻ. Nó trở thành một thực trạng khó thay đổi, một quan niệm hằn sâu thành nếp trong văn hóa đời sống của người dân.

Nhiều người đồng bào thiểu số vẫn quan niệm lạc hậu rằng sinh nhiều con để có người giúp đỡ gia đình làm việc hoặc sinh con trai để thờ cúng, nối dõi tông đường. Vì thế không ít hộ gia đình ở vùng núi cao như Hà Giang, Điện Biên… sinh nhiều đến mức như một lẽ hiển nhiên, cha mẹ chẳng thể nhớ nổi tên con. Điển hình như vợ chồng anh Nùng (SN 1986) ở một bản xa xôi của vùng đất Hà Giang dưới đây.

Mở đầu câu chuyện, bé Sùng Thị Hoa (14 tuổi) – con gái thứ 2 của vợ chồng anh Nùng cho biết: “Bố mẹ em sinh được 7 con, trong đó là 6 con gái và một bé trai út. Ở bản, gia đình em có đông người nhất. Hiện tại các em của em sang nhà hàng xóm chơi cả rồi. Em đang định qua đó gọi về”.

Bé Sùng Thị Hoa (14 tuổi) – con gái thứ 2 của vợ chồng anh Nùng.

Bé Sùng Thị Hoa (14 tuổi) – con gái thứ 2 của vợ chồng anh Nùng.

Sau đó cô bé dân tộc vội vàng chạy lên núi gọi các em của mình về nhà kẻo trời sắp tối. Lúc này, chị Nùng (SN 1984) từ đâu đó bế bé trai chừng 2 tuổi trở về. Thấy người lạ, chị không hề sợ hãi mà hồ hởi nói chuyện. 

Chị tâm sự: “Cán bộ xã thường tuyên truyền cần phải kế hoạch hoá gia đình, vợ chồng chỉ được sinh 2 con thôi! Nhưng ở bản này nhà nào cũng ba bốn đứa – đẻ nhiều còn có người làm nương rẫy, đi hái củi chứ. Hơn cả mình không biết tránh thai như thế nào nên bị nhỡ nhàng.

Chúng tôi gặng hỏi: “Chị đẻ nhiều thế, cán bộ có xuống hay không?”, người phụ nữ đông con cười: “Không! Trên đây vùng núi xa xôi nên không sao mà. Mình đẻ nhiều thì mình nuôi thôi. Đôi lúc mình quên tên các con đó vì nhiều quá”.

Chị Nùng và con trai út.

Chị Nùng và con trai út.

Chị Nùng hơn chồng 2 tuổi nhưng cuộc sống vợ chồng luôn hoà thuận. Chồng nói gì, chị thường nghe lời bởi đó là người đàn ông trụ cột trong gia đình. 

Anh Nùng tâm sự: “Con nào mình cũng thích cả thôi! Vì đó là con của mình. Sau này mình già, chúng nó sẽ nuôi dưỡng và chăm sóc vợ chồng mình. Mình biết đẻ nhiều là không đúng với pháp luật nhưng trên đây nhà nào cũng nhiều con và thiếu hiểu biết, chưa biết cách phòng tránh thai”.

Anh Nùng tiết lộ, dù gia đình là dân tộc thiểu số song tất cả con đều được đến trường học cái chữ. Anh bảo gia đình khốn khó đến mấy cũng phải cố gắng để các con đi học vì chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời, chỉ có học mới thoát nghèo, chỉ có học mới tiếp thu những gì tân tiến nhất của xã hội.

4 trong 7 đứa con của vợ chồng chị Nùng.

4 trong 7 đứa con của vợ chồng chị Nùng.

Và không phụ lòng cha mẹ, các con gái của vợ chồng anh Nùng đều nói tiếng Kinh rõ ràng, đi học có giấy khen của nhà trường. Điều đó phần nào là động lực để vợ chồng anh cố gắng đi nương rẫy hoặc làm thuê kiếm tiền nuôi con lớn khôn.

“Ở bản ít nhà có con học cấp II lắm vì đường đến trường gian nan. Nhưng các con tôi đứa nào cũng chăm chỉ đi học. Con bé lớn còn học hết lớp 9 rồi xuống Bắc Ninh làm công nhân, giấy khen tên nó treo đầy trong nhà kia kìa”, anh Nùng tự hào.

Dẫu biết rằng con gái lớn của vợ chồng anh Nùng chưa học cấp III nhưng ở vùng hẻo lánh này, việc học hết lớp 9 giống như một niềm vui lớn của gia đình. Đặc biệt em nói tiếng Kinh thành thạo, xuống dưới xuôi làm việc như vậy quả là điều hiếm có.

Nhắc đến chuyện nhiều con như vậy có bao giờ quên tên con hay không, anh Nùng cười: “Có chứ. 7 đứa nhà mình tên lần lượt là Sùng Thị Ly, Sùng Thị Hoa, Sùng Thị Phương, Sùng Thị Yên, Sùng Nguyệt Linh, Sùng Thanh Xuân và Sùng Thành Công. Đôi lúc mình cũng không nhớ được tên của con hoặc nhầm đứa này sang đứa kia bởi chúng sàn sàn nhau.

Nhiều người biết tên các con thường tò mò vì sao tên hay thế, không giống tên dân tộc. 6 đứa con gái là vợ chồng mình đặt với hi vọng tương lai sáng ngời hơn. Còn thằng út là bác sĩ đặt cho đó”.

Căn nhà của gia đình đông con.

Căn nhà của gia đình đông con.

Sở dĩ bác sĩ đặt tên con trai của vợ chồng anh Nùng là Thành Công vì họ nghĩ đó được coi là thành công lớn của hai vợ chồng. “6 đứa con gái, mình sinh ở nhà thôi. Đến lần thứ 7 mới đi bệnh viện, được bác sĩ đỡ cho. Khi con chào đời, bác sĩ đã đặt tên luôn là Thành Công với hàm ý 7 người con là thành công rồi, không nên đẻ nữa”, chị Nùng nói.

Nhà anh Nùng có ít ruộng lại chẳng thể trồng trọt nhiều lúa nên mọi năm chỉ đủ ăn. Song năm nay khí hậu khắc nghiệt, giống không có, vì thế không đủ, phải ăn tạm mèn mén. “Mình chỉ có cơm với rau cho con ăn thôi. Mình làm gì có tiền mà mua thịt chứ, mỗi tuần mua 40 nghìn tiền mỡ lợn để đổi bữa cho con. May mắn con được trời thương, khoẻ mạnh và lớn đều đều”, chị Nùng thật thà.

Hiện đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Song trên thực tế, một số vùng núi cao xa xôi vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Mỗi người cần tự nâng cao kiến thức và biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuân thủ các chính sách của nhà nước, không nên sinh quá nhiều con để giảm thiểu tình trạng gia tăng dân số mất kiểm soát, chống đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển ổn định về kinh tế và dân số của nước nhà.

Người đàn bà 52 tuổi góa chồng lấy trai tân 25 tuổi: Mối quan hệ giữa mẹ chồng với cô con dâu hơn mẹ chồng 6 tuổi
“Trước đây Vư có chút ngại ngùng khi gặp mẹ chồng. Tôi cũng thấy lo lo, sợ chuyện mẹ chồng – nàng dâu không hoà hợp. Song sau 3 lần tiếp xúc với nhau, tôi đã thở phào vì cả hai nói chuyện rất hợp", Mí Sình tâm sự.

Tin tức 24h

NGỌC HÀ (Nguồn: Leng Pheng Vlog)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình