Người đàn ông đông con nhất nhì Việt Nam: Có 20 đứa, bữa cơm đạm bạc lũ trẻ vẫn ngấu nghiến ăn

NGỌC HÀ - Ngày 14/12/2022 12:12 PM (GMT+7)

Hiện tại ông Ve sống cùng người vợ thứ 2 và đàn con nheo nhóc trong căn nhà xập xệ, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài 2 chiếc chum lớn đựng nước.

Nhắc đến đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc… đẻ nhiều. Bởi chuyện đó không còn là điều mới mẻ, thậm chí là một thực trạng khó thay đổi, quan niệm hằn sâu trong nếp văn hoá đời sống của người vùng sâu vùng xa.

Người đồng bào quan niệm rằng, sinh nhiều con là nhiều lộc, có người giúp đỡ gia đình làm việc… Song không ít người sau này mới “ngộ” ra việc sinh nhiều con là hoàn toàn sai lầm, có thể khiến cuộc sống khó khăn hơn gấp bội. Điển hình như người đàn ông Cao Bằng này.

Ông Trương Văn Ve (SN 1966, Cao Bằng) nổi tiếng ở Tả Bốc (Lương Thông, Thông Nông) vì tiếp nối truyền thống đẻ nhiều của gia đình. Ông nội của ông Ve sinh được 12 người con, bố ông đẻ 8 người và đời ông đã nâng “thành tích” đó lên đến 20 đứa con.

Ngôi nhà của ông Ve.

Ngôi nhà của ông Ve.

Người đàn ông dân tộc khẳng định: “Người dân ở huyện này gọi tôi là người đàn ông đông con nhất Việt Nam. Tôi không biết đất nước mình có ai đông con như vậy không nhưng tôi có 20 đứa con là sự thật, không hề phóng đại hay nói quá như một số người ở nơi xa đồn đoán”.

Năm 1984, ông Ve lập gia đình với một người phụ nữ cùng bản. Khi ấy ông vừa tròn 18 – độ tuổi với người dưới xuôi còn quá trẻ để lập gia đình nhưng người đồng bào như vậy là đã… quá lứa. Bởi thực tế trai gái 16-17 tuổi ở vùng này chỉ cần ưng nhau là “bắt vợ”, xin bố mẹ đôi bên cho tổ chức đám cưới.

Kết hôn, vợ chồng ông Ve được cha mẹ cho ra ở riêng. Cặp đôi dựng tạm căn nhà ở bên kia ngọn núi của bản Tả Bốc rồi cùng nhau làm ăn, chờ đợi ngày có… tin vui. “Tôi với vợ cả sinh được tất thảy 8 người con: 5 gái và 3 trai. Ở trên tôi người ta quan niệm sinh con càng nhiều càng có lộc, lại chẳng có biện pháp phòng tránh nên vợ cấn bầu liên tục. Đương nhiên, bà ấy bầu đến đâu thì đẻ đến đó, chẳng nghĩ sâu xa gì cả”, ông Ve nói.

Ông Ve kể về chuyện của chính mình cho mọi người lắng nghe.

Ông Ve kể về chuyện của chính mình cho mọi người lắng nghe.

Các con lần lượt chào đời, vợ chồng ông Ve bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung. Họ quyết định “tách nhau” ra khỏi cuộc sống chung, không có gì liên quan ngoài những đứa con.

Năm 1993, ông Ve tiếp tục lập gia đình với một người phụ nữ trẻ, hừng hực sắc xuân. Cặp đôi liên tục vỡ oà khi chào đón 12 đứa con: 9 trai và 3 gái. “Tôi đã trải qua 2 đời vợ với 20 đứa con. Con gái lớn của tôi năm nay đã 36 tuổi, còn út ít mới 3 tuổi. Thậm chí các cháu ngoại của tôi giờ cũng lớn lắm, nhiều tuổi hơn cả dì, cậu của nó.

Các con của vợ cả của tôi ít học, chỉ có vài đứa biết tiếng Kinh thôi! Chúng hầu như đã lập gia đình, dựng nhà và làm nương rẫy ở quanh quanh khu vực này. Bởi vậy nhiều người trong bản trêu tôi giống như một tộc trưởng, con cái và cháu chắt sông quanh vùng, chỉ cần gọi một tiếng là tất cả đều răm rắp nghe lời”, ông Ve cười.

Vợ chồng ông Ve và 10 đứa con.

Vợ chồng ông Ve và 10 đứa con.

Nhắc đến chuyện ông Ve còn liên lạc với vợ cũ hay không, người đàn ông lắc đầu: “Bà ấy ở nhà riêng dưới tận chân núi, cách đây nhiều cây số. Tôi ít khi xuống đó, chỉ khi nào nhà có công việc quan trọng như đám cưới của các con thì tôi xuống thôi. Tôi có vợ mới rồi, xuống đó làm chi nữa. Mắc công bà vợ ở trên này lại ghen tuông. Lúc đó người mệt mỏi là tôi”.

Hiện tại ông Ve sống cùng người vợ thứ 2 và đàn con nheo nhóc trong căn nhà xập xệ, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài 2 chiếc chum lớn đựng nước. Ông bảo vài đứa con trưởng thành đã quyết định vào Nam lập nghiệp với hi vọng kiếm được tiền gửi về nhà phụ giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Song cuộc sống nơi đó không “dễ thở”, lũ trẻ làm chỉ đủ ăn, thi thoảng mới gửi tiền về cho cha mẹ mua quyển vở, cái bút, ít thịt cho các em.

“Chúng nó không được học hành gì nên chỉ có thể làm công việc chân tay, lương ít lắm. Giờ tôi mới thấm thía cảnh đông con nheo nhóc và nghèo đói như thế nào. Tôi cũng không biết bao giờ mới thoát được cảnh nghèo khổ như thế này nữa. Tôi đang cố gắng để chúng nó được đi học vì chỉ có cái chữ mới giúp gia đình tôi không cơ cực, đói khát”, ông Ve bộc bạch.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình người đàn ông đông con nhất Việt Nam.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình người đàn ông đông con nhất Việt Nam.

Không chỉ vậy, ông Ve luôn răn dạy các con đã lập gia đình nên thực hiện đúng quy định của nhà nước về kế hoạch hoá gia đình – tức đẻ 2 con. Ông không muốn đời con cũng sinh nhiều giống như con bởi khi ấy các cháu sẽ tiếp tục một đời khổ cực như chính cha mẹ của chúng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vợ chồng ông có chăn nuôi để cải thiện kinh tế gia đình”, vợ ông Ve vội vàng: “Có. Mình ở đây không trồng lúa gạo như người dưới xuôi nhưng có gieo ngô, nuôi con gà con lợn để cải thiện cuộc sống chứ. Bình thường mình dùng ngô để làm mèn mén ăn mỗi ngày, còn gà lợn thi thoảng mới dám thịt cho lũ trẻ ăn”.

Bữa cơm của gia đình ông Ve vô cùng đạm bạc, chỉ có bát mèn mén, đậu đũa luộc nêm ít muối, hạt bí rang. Vậy mà lũ trẻ vẫn ngấu nghiến ăn khiến cho vợ chồng ông không khỏi chạnh lòng. “Người ta đẻ ít, con cái được ăn thịt, mặc ấm… Còn tôi sinh nhiều, các con nheo nhóc và còi cọc quá! Giờ tôi mong chúng không ốm đau bệnh tật, được học hành đàng hoàng mới thoát khỏi cái nghèo, tiếp xúc với bao điều tân tiến thì cuộc sống sau này mới sáng sủa được”, người đàn ông gần 60 tuổi nói.

Cặp vợ chồng đông con nhất nhì Việt Nam: Hơn 100 con cháu, khi tụ họp phải làm cỗ 15 mâm mới đủ
Thấu hiểu cái khổ cái nghèo vì đẻ nhiều, ông Khiên bà Ương thường tranh thủ nhà có việc lại răn dạy con cháu đẻ ít, không được vỡ kế hoạch.

Tin tức 24h

NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con