Thấu hiểu cái khổ cái nghèo vì đẻ nhiều, ông Khiên bà Ương thường tranh thủ nhà có việc lại răn dạy con cháu đẻ ít, không được vỡ kế hoạch.
Chuyện vợ chồng ông Ve ở Cao Bằng đẻ hàng chục đứa con đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Nhiều người cho rằng giữa xã hội tân tiến mà sinh nhiều con đến thế là… sai lầm, trái với quy định của nhà nước về sức khoẻ sinh sản. Một số người lại nhân câu chuyện đó đã ngược về quá khứ nhớ đến cặp vợ chồng ở Trạm Tấu (Yên Bái) có 18 người con – đó là bà Lò Thị Ương (87 tuổi) và ông Lò Văn Khiên (88 tuổi). Họ tò mò không biết cuộc sống của hai ông bà hiện ra sao, thành viên trong nhà tăng đến con số hàng trăm hay chưa?
Cặp vợ chồng có hơn 100 con cháu ruột
Một ngày đẹp trời, chúng tôi có cơ hội ghé thôn Hát 2 để thăm gia đình ông Khiên bà Ương. Ở đây ai cũng biết đại gia đình này và ngưỡng mộ sự can đảm của ông bà khi “dám” sinh đến 18 người con giữa thời đại kinh tế khó khăn.
Chị Lò Thị Duyên – người trong thôn cho biết: “Ở xã này ai cũng biết vợ chồng ông Khiên vì ông bà có quá nhiều con cháu, lên đến hàng trăm người ấy. Giờ chúng tôi có nhiều việc làm để kiếm tiền nhưng chỉ dám sinh 2-3 đứa, không ai đẻ nhiều vì sợ chẳng nuôi nổi. Vậy mà ở thời chiến tranh, đói kém liên miên… ông bà vẫn gồng gánh nổi, nuôi các con trưởng thành. Giờ con cháu của ông đều có cuộc sống ổn định, dựng nhà ở quanh khu vực Trạm Tấu”.
Vợ chồng ông Khiên bà Ương và các con trai gái.
Người phụ nữ dân tộc Thái tiết lộ thêm, ông Khiên bà Ương có 18 người con: 9 trai, 9 gái… Và hiện tại ông bà đang sống cùng người con trai thứ 13 trong căn nhà sàn được xây dựng vững chãi bằng bê tông và gạch. “Người con trai thứ 13 của ông Khiên có kinh tế khá giả ở trong làng. Hằng ngày vợ chồng anh thay nhau chăm sóc cha mẹ, chỉ khi nào có giỗ Tết thì các anh chị em mới quây quần ở đó”, chị Duyên nói.
Người con trai thứ 13 của vợ chồng ông Khiên cho hay, vợ chồng anh sống cùng và đảm nhiệm việc coi sóc cha mẹ từ nhiều năm trước. Chỉ khi nào có giỗ Tết, đám cưới hoặc chúc thọ cha mẹ thì con cháu mới về đoàn viên. “Các anh chị em của tôi sống ở quanh đây thôi! Một số người sống dưới thị xã và có một chị gái – một anh trai đã qua đời. Khi nào có việc, tôi thay mặt bố gọi điện cho mọi người trở về.
Hiện giờ bố mẹ tôi có 16 người con đẻ và gần trăm dâu rể, cháu chắt nội ngoại, ước tính có trên 100 người. Nếu cả nhà tụ tập sẽ phải làm 15 mâm cỗ mới đủ, còn mời thêm họ hàng ruột thịt phải là 30 mâm”, người đàn ông nói.
Người con trai thứ 13 của ông Khiên.
Vừa dứt lời, anh cho biết thêm, bà Ương nhiều năm trước còn khoẻ mạnh, có thể lao động được nhưng vài năm trước bị tai biến, không thể đi lại được, di chuyển nhờ xe lăn. Song bà vẫn đẹp – nét đẹp của người phụ nữ Thái: khuôn mặt phúc hậu, mắt tinh… hay búi gọn tóc trên đầu để hở cái cổ cao cùng nước da sáng. Còn ông Khiên dù mái tóc đã ngả bạc nhưng minh mẫn, thi thoảng vẫn ra vườn trồng rau nuôi gà đỡ đần con trai con dâu.
Răn dạy con cháu không được đẻ nhiều, vỡ kế hoạch
Thuở trẻ, bà Ương nổi tiếng khắp vùng là người con gái Thái xinh đẹp và biết thêu thùa. Nhà bà ở sát nhà ông Khiên nên từ lâu ông đã thầm thương trộm nhớ cô hàng xóm. Sau đó ông mạnh dạn tỏ tình với người thương.
Song ngày đó người Thái còn tục ở rể. Ông Khiên muốn đón vợ về nhà phải chứng minh cho bố vợ biết bản thân là một “con trâu” tốt. “Bố tôi rõ là ở rể nhưng có ở nhà mấy đâu. Bố lên thị xã học cái chữ đến khi mẹ đẻ anh cả mới quay trở về. Không lâu sau, mẹ tôi sinh tiếp chị hai khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn.
Ông Khiên nghĩ lại chuyện quá khứ.
Tôi nghe mẹ kể rằng đẻ chị hai chưa đầy tháng đã phải địu chị lên nương làm rẫy kiếm ăn. Còn bố hoạt động cách mạng, chẳng có thời gian để đỡ đần mẹ”, người con thứ 13 của ông Khiên cho hay.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng vợ chồng ông Khiên liên tục đẻ, cứ 1.5 năm là một đứa trẻ lại chào đời. Lúc này ông Khiên bình tĩnh nhớ lại chuyện xưa: “Đến đứa thứ 10, vợ chồng tôi bảo ban nhau không đẻ nữa nhưng chẳng có biện pháp tránh thai nên bà ấy lại có thai. Vậy là chúng tôi cứ đẻ thôi, đẻ đến khi nào bà ấy không đẻ được nữa. Con trai cả của tôi sinh năm 1957, còn con trai út là năm 1983. Cháu nội của tôi còn nhiều tuổi hơn cả thằng út nữa”.
Bà Ương dù đã lớn tuổi vẫn giữ được vẻ đẹp của người phụ nữ Thái.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ông Khiên mới ngộ ra một điều “con đàn cháu đống” như gia đình ông chẳng vinh dự chút nào, thậm chí còn khổ cực cả một đời. Ông bảo: “9 con gái của tôi lấy chồng xa, còn các con trai có chút thành tựu trong sự nghiệp. Tôi mừng vì các con trưởng thành cả nhưng thực sự giờ nghĩ lại thấy thương vợ thương con lắm.
Suốt mấy chục năm tôi toàn ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, mọi chuyện trong nhà đều một tay bà ấy lo liệu. Tôi cũng chẳng xây được nhà cao cửa rộng cho vợ và các con ở. Năm 1994, tôi về hưu mới có thời gian dành cho gia đình”.
Thấu hiểu cái khổ cái nghèo vì đẻ nhiều, ông Khiên bà Ương thường tranh thủ nhà có việc lại răn dạy con cháu đẻ ít, không được vỡ kế hoạch. Bởi ông bà luôn muốn con cháu có cuộc sống sung sướng, ăn học đủ đầy và tuân thủ quy định của nhà nước về sinh đẻ.