Người đàn ông hơn nửa đời người làm nghề bốc mộ và nỗi ám ảnh khi bật nắp quan tài thấy xác còn nguyên

NGỌC HÀ - Ngày 05/05/2022 14:30 PM (GMT+7)

Nửa đời người làm nghề bốc mộ, chú Tấn sợ nhất những ngôi như thế. Chú bảo khi mở ra thấy xác còn y nguyên là ớn lạnh vô cùng nhưng vẫn phải làm.

Bốc mộ là một nghề rất đặc biệt, không phải ai cũng có thể thực hiện được bởi thực tế công việc và yếu tố tâm linh. Vì thế thợ bốc mộ không chỉ là chuyện mưu sinh mà họ làm việc bằng cả cái tâm, cái đức đối với người đã khuất.

Ám ảnh khi làm nghề bốc mộ

Chú Tấn – người đàn ông gốc miền Tây làm nghề bốc mộ ở nghĩa trang tại TP.HCM có nửa đời người đi bốc mộ và xây mồ mả cho biết: “Xưa tôi làm thợ hồ xây nhà. Mấy lần theo chân anh rể đi xây mộ ở nghĩa trang rồi tôi học luôn nghề bốc mộ.

Ban đầu tôi cũng sợ lắm, vừa động tới nắp hòm là ớn. Tôi vội vàng nhảy lên mà càng nhảy càng tụt xuống, chân run cầm cập. Sau đó tới bốc cốt, vừa đập cái nắp hòm ra thì thấy đồng nghiệp mặt tái xanh, bỏ đi. Tôi lật đật chạy theo, hỏi coi có chuyện gì.

Hắn nói tự dưng thấy người ta (người đã khuất – PV) le cái lưỡi ra. Thực ra họ đâu có le gì đâu, do cái môi bị sưng. Mới có mấy năm, thịt chưa tan hết mà người nhà kêu bốc lên nên vậy”.

Chú Tấn – người đàn ông gốc miền Tây làm nghề bốc mộ ở nghĩa trang tại TP.HCM có nửa đời người đi bốc mộ và xây mồ mả.

Chú Tấn – người đàn ông gốc miền Tây làm nghề bốc mộ ở nghĩa trang tại TP.HCM có nửa đời người đi bốc mộ và xây mồ mả.

Nửa đời người làm nghề bốc mộ, chú Tấn sợ nhất những ngôi như thế. Chú bảo khi mở ra thấy xác còn y nguyên là ớn lạnh vô cùng nhưng vẫn phải làm. Nếu người nhà muốn bốc lên lấy tro, nhiệm vụ của chú là để toàn bộ thi thể vào quan tài mới, chở đi hỏa táng. Còn họ muốn lấy xương, chú phải vệ sinh sạch sẽ, xếp xương ngay ngắn vào tiểu sành rồi trao cho người nhà.

Chú Ba – đồng nghiệp cùng nghề với chú Tấn cũng ám ảnh tương tự trong quá trình… hành nghề. Chú nhớ mãi vụ người nhà dặn đi dặn lại rằng phong tục nhiều đời của gia đình họ là không hỏa táng. Vì thế sau 17 năm nằm xuống, họ mới bốc lên để người đã khuất về với khu mộ của gia đình ở Củ Chi.

“Người đó nằm trong quan tài kính. Lúc mở ra còn nguyên, hệt như người đang nằm ngủ vậy. Tôi phải dùng miểng (mảnh vỡ) chén kiểu xưa để cắt vào các khớp rồi mới đặt cô ấy vào quan tài mới. Sở dĩ dùng miểng chén vì nó bén, cắt cỡ nào cũng không hụt. Còn dao, dù sắc cỡ nào cũng không cắt nổi”, chú Ba nói.

Chú Ba – đồng nghiệp cùng nghề với chú Tấn.

Chú Ba – đồng nghiệp cùng nghề với chú Tấn.

“Nó như cái nghiệp vận vào người”

Nhắc đến chuyện bốc mộ nhiều sẽ gặp ma, chú Tấn cười lớn: “Người ta cứ đồn đoán vậy thôi, chứ tôi chưa gặp chuyện kỳ bí nào cả. Nghề này kén người song ai đã làm được là gắn bó lâu dài”.

Cũng theo chú Tấn, người theo nghề phải thích và có gan mới trụ lâu được. Đặc biệt, người làm nghề phải có sự cung kính, tôn trọng người đã khuất, làm đúng bổn phận thì không có gì phải sợ.

Chú Quang – anh rể của chú Tấn có 50 năm sống ở nghĩa trang khẳng định, chuyện tâm linh kỳ bí có thể do ai đó bịa ra để hù người. “Gia đình tôi sống ở đó mấy chục năm trời có gặp ma bao giờ đâu”, người đàn ông nói.

Vừa dứt lời, chú Quang tiếp tục kể về cái nghề “cha truyền con nối” của gia đình: “Tôi thừa kế nghiệp của bố mẹ, chăm nom nghĩa trang. Nếu ai cần bốc mộ thì bốc, cần xây thì xây, cần dọn dẹp thì dọn. Mức thù lao tôi nhận được cũng rẻ lắm, chừng 1.5 triệu đồng/kíp 3-5 người. Nhiều người bảo rẻ mạt quá nhưng tôi làm vừa kiếm tiền vừa tích đức cho con cháu. Nó như cái nghiệp vận vào người, giống như trách nhiệm hơn là nghề kiếm tiền nuôi thân.

Một ca bốc mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Một ca bốc mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Gần chục năm nay, việc bốc mộ và xây cất giảm, chú Tấn và đồng nghiệp của mình đành phải tìm kiếm công việc khác gần nghĩa trang. Chú bảo nhờ thất nghiệp mà chú có thêm nghề thứ 2 – bán cháo lòng. Ngày ngày, chú dậy từ 1h30 sáng, chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo cũng như làm gia vị cho khách rồi dọn hàng.

“Quán cháo của tôi nằm ngay sát vách nghĩa trang Tam Hà ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM). Nhiều người nghe thấy địa chỉ thì kêu ghê, không dám ghé tới. Song ở đó người sống và người đã khuất ở xen kẽ nhau, chúng tôi vẫn buôn bán, ăn uống bình thường.

Bạn bè tôi cũng không còn đắt khách như trước bởi người dân chọn hỏa táng nhiều. Tuy nhiên ai thuê bốc là chúng tôi vẫn dốc lòng dốc sức tận tụy làm bằng cái tâm, cái đức của mình”, chú Tấn chia sẻ.

Anh thợ sửa khóa lập kỷ lục trúng số, bỗng dưng có tiền tỷ và hậu vận tan nát không ngờ
Giống như bao người "lên đời" nhờ trúng độc đắc, anh T bắt đầu thay tính đổi nết và quen nhiều bạn mới hơn. Đặc biệt anh ít ở nhà với vợ con, hay la...

Xổ số

NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h