Đi bốc mộ giật bắn người khi bật nắp quan tài, đêm về nghe tiếng cảm ơn vì mát mẻ

Kiều Linh - Ngày 06/01/2021 00:08 AM (GMT+7)

Khi bốc mộ một khi nắp quan tài đã bật lên thì sẽ không bao giờ đóng lại nữa, cho dù thi hài bên trong đã tiêu hết thịt hay vẫn còn nguyên như lúc mới qua đời.

Cứ vào dịp cuối năm, ở các vùng quê ở miền Bắc, những người đi bốc mộ lại tất bật với công việc của mình. Có những người một buổi bốc đến 2-3 ngôi mộ phần vì gia chủ chọn được ngày đẹp, phần vì họ tin tưởng vào tay nghề của những người chuyên đi làm công việc "tạo phúc".

Ông Trần Bình Mậu (ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho biết trong 2 tháng cuối năm (Âm lịch) ông cùng với những “đồng nghiệp” của mình đã nhận bốc tới 7 ngôi mộ. Con số này là quá ít so với cách đây 10 - 15 năm về trước vì giờ đây các gia đình khi có người qua đời đã chọn hỏa táng.

Theo chia sẻ của người đàn ông này, cơ duyên đến với công việc bốc mộ cũng rất tình cờ. 15 năm trước, ông tự tay bốc mộ cho một người thân đã mất được 5 năm, khi mọi người chứng kiến ông làm việc, thấy có vẻ chuyên nghiệp rồi người nọ truyền tai người kia, thế rồi người trong làng, trong xã khi sang cát cho người quá cố đều gọi đến ông.

Đi bốc mộ giật bắn người khi bật nắp quan tài, đêm về nghe tiếng cảm ơn vì mát mẻ - 1

Việc cải táng, bốc mộ thường được thực hiện vào cuối năm và đêm khuya.

15 năm làm công việc này, chưa bao giờ ông Mậu đặt nặng vấn đề kinh phí, bởi ông tâm niệm rằng họ tin tưởng mình mới nhờ làm công việc rất hệ trọng này. “Bản thân tôi nghĩ rằng làm việc này là tạo phúc, vì tình làng nghĩa xóm, làm xong gia chủ mời bữa cơm cũng thấy vui rồi. Vài năm gần đây, khi làm xong các gia đình có đưa ít thù lao nhưng tùy từng gia đình, chứ không phải ai tôi cũng nhận vì có gia đình rất khó khăn”, ông Mậu chia sẻ.

Suốt 15 năm đi bốc mộ, ông Mậu nhớ nhất trường hợp xảy ra cách đây 2 năm, khi bốc mộ cho một cụ bà 83 tuổi, mất 6 năm trước. “Khi lật ván thiên quan tài lên, chúng tôi khá bất ngờ khi nửa trên thi thể cụ bà vẫn như lúc khâm liệm, còn nửa dưới đã phân hủy hết. 

Với những trường hợp này, chúng tôi chuẩn bị đồ nghề để lóc tách thịt xương ra khỏi nhau. Thế nhưng trường hợp này làm không thể sạch được và gia đình cũng không muốn đậy nắp quan tài để chôn tiếp. Sau khi bàn bạc gia đình thống nhất sẽ đưa thi thể cụ bà đi hỏa táng”, người đàn ông này chia sẻ.

Đi bốc mộ giật bắn người khi bật nắp quan tài, đêm về nghe tiếng cảm ơn vì mát mẻ - 2

Đồ nghề khi đi bốc mộ chỉ có cuốc, xẻng, dây thừng, ủng, găng tay...

Đây cũng là trường hợp rất cá biệt mà ông Mậu phải bó tay khi đi bốc mộ, khi tìm hiểu kỹ thì mới biết cụ bà trước khi mất đã dùng quá nhiều thuốc giảm đau, hóa chất trị bệnh ung thư nên thi thể khó phân hủy. Còn nửa dưới do có nước vào nên có lẽ bị phân hủy trước.

Dù gặp những trường hợp rợn người như vậy, nhưng khi kể lại ông Mậu vẫn bình thản như không và cho rằng: “Chẳng có gì phải sợ”, vì ông làm việc vì cái tâm và đã cố gắng hết sức nên không có gì phải hổ thẹn với lương tâm.

“Làm công việc này thấy lương tâm thanh thản lắm, không sợ hãi gì đâu. Thậm chí có đêm tôi còn ngủ mơ thấy vong hồn người vừa được mình bốc sang mộ mới về báo mộng cảm ơn vì đã tắm rửa cho họ sạch sẽ, mát mẻ”, ông Mậu chia sẻ.

Đi bốc mộ giật bắn người khi bật nắp quan tài, đêm về nghe tiếng cảm ơn vì mát mẻ - 3

Ông Đạt cho biết làm nghề bốc mộ phải luôn đặt chữ tâm lên đầu.

Dù tuổi đời ít hơn, nhưng ông Hoàng Văn Đạt (ở Hạ Hòa, Phú Thọ) đã làm công việc bốc mộ đến nay tròn 30 năm. Ông chia sẻ, trước khi tự tay bốc ngôi mộ đầu tiên, ông Đạt đã được một bác sĩ truyền bí kíp để bốc mộ sao cho chuẩn và đúng quy tắc.

“Làm nghề bốc mộ tưởng dễ nhưng không đơn giản chút nào. Từng đoạn xương ngón tay, ngón chân cũng phải sắp xếp cho chuẩn. Không thể chân phải đặt sang bên trái, như vậy ở thế giới bên kia họ không đi được sẽ “trách” mình”, ông Đạt nói.

Trong xã hội hiện đại, cả ông Mậu và ông Đạt đều cho rằng việc người dân chọn hỏa táng là văn minh, nhưng người làm nghề như ông cũng mong một ngày được “thất nghiệp”. “Khi chúng tôi không còn đi bốc mộ, cũng có nghĩa không còn người hung táng (chôn thi thể), điều đó là rất tốt vì môi trường không bị ô nhiễm, quỹ đất cũng sẽ được tiết kiệm hơn", ông Đạt nói.

Người phụ nữ 40 năm làm nghề bốc mộ và lần mở nắp quan tài phát hiện đống vàng bạc
Hơn 40 năm đi bốc mộ, bà Bình đã gặp nhiều cảnh rợn người mà chỉ cần nghe lời kể lại của bà cũng cảm thấy rùng mình.
Kiều Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nghề