Sống sót sau tai nạn hy hữu, nhà khoa học này còn sở hữu nửa khuôn mặt trẻ mãi không già.
Anatoli Bugorski sinh ngày 25/6/1942 tại Nga. Đến năm 1978, ông là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Năng lượng cao ở Protvino, làm việc với synctron U-70 (vẫn là máy gia tốc hạt lớn nhất ở Nga hiện nay).
Trong số tất cả những nơi để bạn đưa đầu vào, một máy gia tốc hạt là một trong những thứ tồi tệ nhất. Tuy nhiên, vào ngày định mệnh 13/7/1978, nhà khoa học người Nga Anatoli Bugorski, khi ấy 36 tuổi đã phải làm vậy.
Chiếc máy gia tốc hạt mà ông đang làm việc gặp vấn đề. Để xem có chuyện gì xảy ra, Anatoli đưa đầu vào bên trong đường đi trực tiếp của tia proton và bị một chùm proton cực mạnh bắn xuyên qua. Anatoli không biết, cỗ máy vẫn đang chạy, đèn cảnh báo nguy hiểm đã bị tắt trong một thử nghiệm trước đó và chưa được bật lại. Ngay khi đầu vượt qua chùm proton vô hình, bộ não của ông đã bị đóng băng. Theo báo cáo, Anatoli không cảm thấy đau đớn, nhưng ông đã nhìn thấy một tia sáng “sáng hơn cả ngàn mặt trời”.
Anatoli biết rằng ông đã va phải chùm proton nhưng không nói cho ai biết. Thay vào đó, nhà khoa học bình tĩnh hoàn thành công việc của mình, viết vào nhật ký về chuyến thăm của mình đến máy gia tốc và sau đó chờ đợi các triệu chứng xuất hiện với những điềm báo đáng báo động. Đêm đó, nửa mặt bên trái của ông bắt đầu sưng tấy. Sau một đêm khó chịu, mất ngủ, Anatoli quyết định đến gặp các bác sĩ. Ông được đưa đến Moscow và được đưa vào một phòng khám đặc biệt chuyên điều trị cho các nạn nhân bị nhiễm độc phóng xạ.
Tại đây, các bác sĩ chắc chắn ông sẽ chết. Về cơ bản, Anatoli đã trúng một liều phóng xạ gây tử vong và họ nghĩ sẽ giữ ông ở đó để nghiên cứu sau khi qua đời. Trong vài ngày tiếp theo, vùng da tiếp xúc với chùm tia bị bong tróc. Khi tất cả biến mất, có thể nhìn thấy đường đi của chùm tia qua vết bỏng xuyên qua mặt, xương và mô não của Anatoli.
Các nguồn tin về mức độ chính xác mà Anatoli đã hấp thụ bức xạ ion hóa dường như không thống nhất, nhưng một số người nói rằng nó cao từ 200.000 đến 300.000 rads. Chưa từng có người nào khác từng trải qua một chùm bức xạ tập trung ở năng lượng cao như vậy. Thông thường với liều lượng từ 400 đến 1.000 rads là đủ để giết một người. Nhưng Anatoli vẫn sống sót, bởi vì nó là một chùm tia hội tụ.
Không giống như Chernobyl hay Hiroshima, nơi các nạn nhân được "tắm" trong tia gamma năng lượng cao từ đầu đến chân, Anatoli đã bị tấn công ở một khu vực nhỏ với độ tán xạ tối thiểu. Tia sáng đã xuyên qua phía sau đầu và thoát ra qua mũi của ông ấy. Nó đã đốt một lỗ thủng não trên não của ông, phá hủy các mô và dây thần kinh và khiến một bên mặt của nhà khoa học bị tê liệt. Tuy nhiên, các cơ quan quan trọng như tủy xương và đường tiêu hóa đã được cứu sống. Mặc dù vết thương ở sau đầu và trên mặt của ông đã lành theo thời gian, nhưng nửa mặt bên trái đã bị liệt và ông mất thính giác bên tai trái. Anatoli cũng bắt đầu có những cơn co giật thường xuyên. Nhưng trí thông minh của ôngthì vẫn sắc bén như ngày nào.
Anatoli Bugorski sở hữu khuôn mặt với một bên có nếp nhăn (Wrinkles) và một bên không có nếp nhăn (No wrinkles)
Anatoli trở lại làm việc 18 tháng sau đó, nhưng hứa sẽ xuất hiện thường xuyên tại phòng khám ở Moscow ít nhất 2 lần một năm. Ông tiếp tục theo đuổi khoa học, hoàn thành chương trình Tiến sĩ và đảm nhiệm vị trí điều phối viên thí nghiệm vật lý tại máy đồng bộ proton U-70, nơi xảy ra sự cố. Do Liên Xô có chính sách giữ bí mật về các vấn đề liên quan đến năng lượng hạt nhân nên Anatoli đã không nói về vụ tai nạn trong hơn một thập kỷ. Chỉ sau thảm họa Chernobyl, câu chuyện của ông mới được đưa ra ánh sáng.
Anatoli Bugorski không chỉ sống sót, mà còn sống lâu hơn máy gia tốc proton đã làm ông bị thương. Sự tan rã của Liên Xô và những thay đổi kinh tế trong nước đã làm cạn kiệt nguồn tài trợ của chính phủ. Dự án bị tạm dừng và cuối cùng bị bỏ dở. Anatoli vẫn sống ở Protvino. Ở tuổi 78, ông sống chật vật để trả tiền thuốc chữa bệnh động kinh của mình vì thành phố cắt giảm ngân sách cho viện và nơi làm việc cũ của ông. Năm 1996, ông nộp đơn xin tình trạng khuyết tật nhưng đã bị từ chối.
Sau thương tật, Anatoli tiếp tục đến một phòng khám phóng xạ để kiểm tra định kỳ. Tại đây, ông có thể gặp gỡ một nhóm các nạn nhân từ những vụ tai nạn hạt nhân khác. “Giống như những bạn tù cũ, chúng tôi luôn biết về nhau. Chúng tôi biết chuyện về cuộc đời nhau. Nói chung, đó là những câu chuyện buồn", Anatoli từng chia sẻ.
Nhà khoa học này vẫn sống khỏe mạnh cho đến ngày nay. Hiệu ứng cuối cùng và kỳ lạ từ sau vụ tai nạn đó là phần mặt bị bỏng của Anatoli không hề xuất hiện nếp nhăn và giữ nguyên trạng thái như ngày hôm đó, tức là một nửa khuôn mặt không hề già đi theo thời gian. Chính vì vậy, khuôn mặt của ông còn được gọi là "khuôn mặt âm dương".