Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu sốt xuất huyết gia tăng

Ngày 20/11/2015 10:12 AM (GMT+7)

Để tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần phân rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia và trong khu vực. Hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số mắc gia tăng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, mặc dù các tuần gần đây số ca mắc có chững lại nhưng chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu cần phải tăng cường các hoạt động chỉ đạo liên ngành nhằm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. bàn.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Công điện số 1632 ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu sốt xuất huyết gia tăng - 1

Bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động chỉ đạo liên ngành, phân rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch bệnh và thực hiện chế độ giám sát, báo cáo theo quy định.

Theo thống kê của ngành y tế, cả nước ghi nhận gần 52.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 54 tỉnh, thành phố; 32 trường hợp tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Hiện sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Ngoài ra, người dân nên phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết