Gọi là “hẻm miễn phí” vì nơi đây có bác xe ôm người nâu bóng, gầy rạc vì nắng gió sẵn sàng chở người già, người khuyết tật đi bất kỳ nơi đâu mà không lấy đồng nào…
Có thùng trà đá miễn phí lúc nào cũng đầy nước, uống một ngụm mát lạnh ruột gan, có tủ thuốc từ thiện được gom góp bằng những đồng tiền mồ hôi của xóm lao động nghèo… Và những con người khi nằm xuống không có nổi tấm áo quan, thì nơi đây bao dung với cả linh hồn người đã khuất.
Ở con hẻm thứ gì cũng có
Như bao nhiêu con hẻm lao động khác ở Sài Gòn, hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận cũng nuôi nấng những con người cơ cực, xác xơ. Vậy mà những người nghèo khổ đó, sẵn sàng bỏ công, bỏ của để giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình.
Ông Đỗ Văn Út (53 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) người sửa xe bên góc hẻm 96 Phan Đình Phùng là một trong những người khởi xướng công việc nghĩa tình ở xóm nghèo. Không có cửa hàng gì lớn lao, nơi sửa xe của ông chỉ là một góc nhỏ bên đường, bụi đường ngột ngạt và cái nắng hong cháy da người.
Ông Đỗ Văn Út đang tiếp thêm trà vào thùng trà đá miễn phí
Cảm thương những người lao động lỡ đường, lỡ bước, khát nước cũng không dám mua, ông Út đã tự bỏ tiền đặt bình trà đá miễn phí mát lạnh giữa trời nắng nóng. Khi chúng tôi tìm tới, ông luôn miệng bảo: “Có gì đâu, có gì đâu! Làm lụng cực rồi, bỏ chút công cán chia sẻ với mọi người, rồi cùng làm ăn trang trải qua ngày cũng vui”.
Thấu hiểu được tấm lòng của ông Út, bà con trong hẻm liền góp công, góp tiền để phụ chung với bác sửa xe nghèo nhưng đầy tình nghĩa.
Từ thùng trà đá cho đến tủ thuốc từ thiện cũng đều do người dân tự nguyện đóng góp. Bác sửa xe Đỗ Văn Út được giao nhiệm vụ trông coi tủ thuốc. Ông Út chia sẻ: “Lúc trước trên con đường này thường xuyên xảy ra tại nạn giao thông, nắng nóng quá còn có người say nắng, xỉu giữa đường. Thấy vậy nên bà con nơi đây chung tay người góp chai dầu người hộp thuốc, phòng khi có ai bị tai nạn lấy ra cầm máu hay người đi đường bị ngất xỉu, trúng gió giữa đường có mà thoa cho người ta”.
Tủ thuốc từ thiện với những ghi chú rõ ràng cho từng loại thuốc
Tủ thuốc nhỏ xíu nhưng bên trong đầy đủ tất cả các loại dụng cụ sơ cấp cứu và một số loại thuốc thông thường. Bỗng nhiên ông Út buồn rầu: “Mình làm từ thiện mà kẻ xấu cũng không chừa, tụi nó ăn cắp hết thuốc. Đáng lẽ tủ luôn mở để ai cần thì lấy, nhưng giờ phải làm khóa, rồi đánh rất nhiều chìa, chia ra cho nhiều người giữ”.
Thấy dân lao động nghèo khi nằm xuống không có tiền lo mai táng, ông Út liền đi liên hệ với các cơ sở. “May mắn sao có cơ sở mai táng Vạn Phúc ở Gò Vấp đồng ý làm từ thiện. Từ lúc treo bảng mai táng miễn phí lên người ta hay gọi đùa đây là con hẻm cái gì … cũng có sẵn”.
Người truyền cảm hứng
Việc làm của ông Út không dừng lại ở đó, ông còn sửa xe cho người khuyết tật miễn phí. Thấy chiếc xe lăn bị xì lốp nhiều lần, ông tự bỏ tiền mua thay luôn lốp miễn phí cho người khuyết tật.
Chị Bùi Thị Hòa (43 tuổi, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Nhiều lần qua đây sửa xe được chú Út sửa giúp không lấy tiền thiệt ngại, mua quà cáp tới biếu chú thì chú la, biết ơn chú vô cùng. Nói sao chú không lấy tiền chú cứ nói chừng nào tôi giàu, hết đi xe bán vé số thì chú mới lấy tiền của tôi. Người khuyết tật như tôi muốn qua đường, chú bỏ việc của mình liền đưa qua đường không quản khó khăn, chú rất tốt”.
Ông Út đang đưa người khuyết tật qua đường
Việc làm xuất phát từ ông Đỗ Văn Út đã truyền cảm hứng cho bà con trong hẻm từ cô bán bánh cuốn cho đến người chạy xe ôm, ai cũng muốn chung tay gom góp chút ít công sức để giúp đỡ mọi người. Trong đó có ông Đỗ Văn Phúc (61 tuổi, quận Phú Nhuận ) người xe ôm và là bạn già chí cốt của ông Út.
Ông Phúc làm xe ôm 33 năm cũng là thời gian ông gắn bó với con hẻm 96 này. Buổi sáng ông vừa chạy xe ôm vừa trông coi tủ thuốc, cứ có người già nhờ ông chở đi khám bệnh là ông chở đi liền. Những đồng lương ít ỏi có được từ nghề chạy xe ôm ông góp hết 3 phần để mua ít thuốc, trà, nước…
Cảm phục hai ông già nghèo đầy tình nghĩa, bà con trong hẻm thường ghé vào cho vỉ thuốc, chai dầu gió hay bịch bông gòn…
Không dừng lại từ việc làm từ thiện mà ông Phúc cũng là một hiệp sĩ đường phố, theo nhiều bà con trong hẻm kể về ông: “Bác Phúc già mà gân lắm, chỗ này tụi xì ke cứ thấy người đi đường sơ hở là cướp giật. Thấy vậy, bác Phúc thường xuyên nhắc nhở những người đi đường. Có lần bác đang đi trên đường thì gặp bọn cướp giật túi xách của người ta. Bác ấy lấy xe phóng theo và lấy lại được”.
Bác xe ôm "hiệp sĩ" Đỗ Văn Phúc
Nhiều lần như vậy, bọn trộm cướp để ý và tìm cách phá quấy trả thù. Có lần, bọn xấu cố tình đâm xe vào bác xe ôm, khiến bác Phúc phải nhập viện hút máu bầm ra mới khỏi bị mất mạng.
Con hẻm, tuy nhỏ nhưng tình người ở đây thì không nhỏ chút nào. Nhiều người kể về hẻm miễn phí 96 vẫn nói vui “lá rách ít, đùm lá rách nhiều”. Hàng tháng vào những ngày rằm, mồng một bà con trong hẻm gom góp chút ít tiền lại với nhau để nấu cơm chay miễn phí cho người lao động nghèo, người khuyết tật.
Ngoài ra ở nơi đây còn vận động bà con ai có quần áo cũ, đồ đạc không dùng nữa quyên góp lại để tặng cho người đang cần. Tình người ở hẻm 96 làm dịu mát cả cái nắng nực nồng thiêu đốt ở Sài Gòn xô bồ, nhộn nhịp.