TPHCM đã chi hỗ trợ cho đối tượng mất việc, ngừng việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhóm giáo viên mầm non, mẫu giáo ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng diễn ra chiều 27/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói: Trước 30/4, các tỉnh, thành cần triển khai xong 4 nhóm đối tượng gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội. Ngoài ra, ưu tiên đối tượng lao động tự do vì đây là những người đang rất khó khăn, cần hỗ trợ gấp.
Người dân tại Hà Nam bắt đầu nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đã rà soát được hơn 1,48 triệu người thuộc diện được hưởng trợ cấp từ gói an sinh xã hội, với số tiền dự kiến gần 3.534 tỷ đồng.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành quyết định 15, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính tiến hành việc hỗ trợ. Dự kiến, các nhóm đối tượng gồm người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo sẽ nhận được tiền trước 30/4.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đến nay, TPHCM đã chi hỗ trợ cho đối tượng mất việc, ngừng việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhóm giáo viên mầm non, mẫu giáo ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với 102.000 người, tổng kinh phí là 306 tỷ đồng, người bán vé số lưu động với tổng hơn 18.700 người.
Ông Tấn cho biết TPHCM quyết tâm đến ngày 30/4 sẽ chi hỗ trợ đến tận tay người dân với khoảng 570.000 người, tổng kinh phí là 1.300 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp chiều 27/4 về triển khai giám sát gói hỗ trợ an sinh xã hội, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng. “Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh”, ông Mẫn nói và nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
Từ đó, ông Mẫn lưu ý, khi triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội phải chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.
Đồng thời công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
“Ở Mặt trận Trung ương, tôi yêu cầu công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân”, ông Mẫn nói và yêu cầu không để sảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo dự thảo hướng dẫn việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đối với lao động tự do, tập trung giám sát việc lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
Hồ sơ giám sát gồm: Bản khai hoặc đơn xin trợ cấp (theo mẫu) của người lao động xin trợ cấp; Danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do Thôn trưởng, Trưởng khu phố lập, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn và được niêm yết công khai trong 5 ngày làm việc tại các Nhà văn hóa thôn, khu phố và trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn...