Khi đôi mắt mù lòa, cụ Luyện Thị Nhạn (88 tuổi, ngụ Long An) vẫn gắng mò mẫm sớm đêm mưu sinh, kiếm cái ăn cho cô con gái 60 tuổi mắc bệnh tâm thần.
Mon men theo con đường nhỏ qua cánh đồng, chúng tôi đến được nhà của cụ Luyện Thị Nhạn (88 tuổi, ngụ Long An) - người mẹ mù nuôi con bệnh tâm thần suốt mấy chục năm. Trong ngôi nhà cũ được chắp vá bằng những tấm xi măng, cụ Nhạn đang mò mẫm sắp mâm cúng Tết Đoan Ngọ.
Thấy chúng tôi, bà Phương (60 tuổi), con gái cụ bỗng vui mừng như một đứa trẻ có khách đến chơi nhà. Cụ bảo, trước giờ hễ có khách, bà Phương đều vậy! Dù lớn tuổi nhưng suy nghĩ khờ khạo như bé gái lên 3.
"Ông ấy mất, mẹ con tôi không còn chỗ dựa"
Miền Bắc giải phóng (1954), cụ Nhạn tình cờ gặp anh lính miền Tây tại Hà Nội. Dần dần, cụ đem lòng thương mến và kết hôn với chàng trai ấy. Sau thời gian chung sống, họ có với nhau 2 người con: 1 gái, 1 trai. Nhưng đau đớn thay, người con trai mắc bệnh hiểm nghèo và sớm ra đi. Người con gái khờ khạo, trí tuệ không phát triển . Mãi sau này, vợ chồng cụ mới biết rằng con bị tâm thần.
Cụ kể: "Khi thằng bé mất, tiểu đoàn của ông ấy rời Bắc về miền Nam. Lúc ấy, điều kiện không cho phép, tôi đành ở lại ngoài này chăm con và đợi ngày đất nước giải phóng".
Thống nhất đất nước, chồng cụ Nhạn đã ra Bắc đón hai mẹ con về quê nội Long An sinh sống. Sau đó, họ cất tạm ngôi nhà lá trên mảnh đất của tổ tiên. Ngày ngày, cụ ông đi làm mướn kiếm tiền mưu sinh, còn cụ Nhạn ở nhà nội trợ, giữ đứa con gái tâm thần.
Nhờ chăm chỉ làm nụng, vợ chồng cụ đã chắt chiu được vài chỉ vàng và mua một mảnh đất nhỏ, chuyển về đó sống. Thời gian ấy, cụ ông ngã bệnh, những vết thương trong chiến đấu tái phát. Cả gia đình sống dựa vào số tiền trợ cấp thương binh ít ỏi của nhà nước.
Cụ Luyện Thị Nhạn (88 tuổi, ngụ Long An) nhớ lại chuyện tình yêu ngày chiến tranh cho chúng tôi nghe
13 năm trước, số phận nghiệt ngã đã ập xuống khi người chồng là trụ cột chính của gia đình đã bỏ 2 mẹ con cụ ra đi mãi mãi. Cụ tâm sự: "Ông ấy mất, mẹ con tôi không còn chỗ dựa. Nhiều lúc, tôi muốn đi theo cho đời bớt cay cực nhưng nhìn đứa con tâm thần lại không cam lòng. Tôi phải cố gắng sống thật tốt nuôi con để ông ấy được nhắm mắt xuôi tay".
Khi người chồng “đầu ấp tay gối” suốt 50 năm về với cát bụi, cụ Nhạn vì thương nhớ, đêm nào cũng khóc khiến đôi mắt dần mù lòa, sức khỏe yếu đi rất nhiều. Thậm chí, căn bệnh tim từ thời con gái bỗng quay trở lại hành hạ cụ tháng ngày. Tuy vậy, cụ vẫn gắng gượng chống chọi với bệnh tật để chăm sóc đứa con thần kinh.
Không chịu đi viện vì người con tâm thần 60 tuổi
Từ ngày chồng mất, cụ Nhạn sống trong tủi phận, một mình gồng gánh nuôi người con tâm thần. Hàng ngày, cụ đi dọc bờ mương, ruộng bỏ hoang kiếm con cua, con cá hay rau dại đem về nấu ăn. Cụ bảo, xóm làng thương hoàn cảnh hai mẹ con già yếu đã giúp đỡ rất nhiều. Thi thoảng, họ lại biếu cụ vài đồng đi chợ mua thịt hoặc cho bơ gạo nấu cháo,…
Được láng giềng cưu mang, mẹ con cụ Nhạn đã sống những tháng ngày dù không sung túc nhiều nhưng ấm tình người. Có lẽ, cả cuộc đời này, người mẹ gần đất xa trời nuôi con gái 60 tuổi sẽ chẳng bao giờ quên được ơn nghĩa xóm làng.
Bà Phương, con gái cụ Nhạn mắc bệnh tâm thần đang lọ mọ sắp xếp lại bát miến nấu vào nồi để dành đến bữa tối
Vài năm trở lại đây, cụ Nhạn không được minh mẫn như trước, đôi mắt mù lòa hẳn. Cụ không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng mọi chuyện trong nhà đều 1 tay cụ lo. Bà Phương chỉ nấu cơm ăn hàng ngày nhưng bữa sống bữa chín. Những lúc vậy, cụ vẫn cố ăn để cái bụng được no.
Cụ nói: “Bây giờ, tôi chỉ biết nhờ vào nhà nước chứ không biết bấu víu vào đâu. Xóm làng giúp đỡ mẹ con tôi nhưng cũng chỉ phần nào. Họ còn có gia đình, cuộc sống riêng. Lúc rảnh, họ qua giặt đồ, quét rọn nhà cửa sạch sẽ là tôi mừng lắm rồi”.
Tháng trước, cụ Nhạn ngã bệnh nặng, được bà con hàng xóm đưa lên viện tỉnh chữa trị. Khi tỉnh, cụ đã đòi về nhà, không chịu trị bệnh vì sợ càng ở viện lâu, tiền viện phí càng nhiều. Khi ấy, số tiền 4 triệu cụ dành dụm cho người con tâm thần sống sau này sẽ không còn.
Nhắc đến chuyện tương lai, cụ Nhạn bỗng trầm giọng: “Từ ngày xuất viện, tôi biết mình chẳng sống được bao ngày nữa! Ở tuổi này, tôi về với ông nhà và tổ tiên dưới ấy cũng được rồi! Nhưng, đứa con tâm thần là điều trăn trở nhất. Tôi chết đi, nó sẽ mồ côi, không chỗ dựa. Tôi mong rằng, nhà nước sẽ gửi nó vào viện dưỡng lão và chăm sóc…”.
Hình ảnh mẹ con cụ Nhạn đau đáu ngồi trước hiên nhà nhìn ra ngoài
Chúng tôi ra về, mẹ con cụ Nhạn ra tận ngoài tiễn với niềm vui lâu ngày có người Bắc đến chơi nhà. Đặc biệt, bà Phương, người con gái tâm thần của cụ không quên dặn dò rảnh xuống chơi. Nhìn mẹ con cụ Nhạn đứng trước hiên nhà, trái tim chúng tôi chợt thấy quặn đau cho số phận người phụ nữ nghèo suốt đời tần tảo vì chồng vì con.