17 năm vợ suy thận, ông Trần Ngọc Dũng (58 tuổi – Cà Mau) đã bán đất, bán nhà chạy chữa khắp nơi cho đến khi không còn khả năng chi trả viện phí, đành bất lực nhìn vợ bị cơn đau hành hạ.
Vượt quãng đường dài từ trung tâm TP.HCM về xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, chúng tôi đến nơi ở của vợ chồng ông Trần Ngọc Dũng (58 tuổi, quê Cà Mau) vào giữa trưa nắng.
Trong căn trọ phía cuối hẻm, có một người phụ nữ gầy gò, ốm yếu nằm gọn nơi góc nhà. Thấy chúng tôi dừng xe, bà Đào Thị Thanh (50 tuổi) gắng cất tiếng mời vào. Lúc sau, ông Dũng tất tưởi chạy xe về, tay cầm sẵn bịch đồ ăn. Ông bảo, trưa nào cũng vậy! Giờ này, ông lại tranh thủ nghỉ làm về nấu cơm để vợ có cái ăn, kịp giờ uống thuốc.
Bán đất, bán nhà chữa bệnh cho vợ
Đến nay, vợ chồng ông Dũng đã chung sống, “đầu gối tay ấp” được gần 30 năm. Trong đó, quá nửa thời gian, bà Thanh sống trong đau đớn, khổ cực khi bệnh tật bủa vây. Ông Dũng thương vợ chấp nhận bán cả gia tài quyết chạy khắp các viện chữa trị với mong ước bà xã được khỏe mạnh.
Nhớ lại ngày bệnh nặng, bà Thanh nói: “Tôi bị căn bệnh sốt, đau lưng hành hạ từ năm 1996 nhưng không có tiền đi viện chữa trị, chỉ uống kháng sinh và thuốc giảm đau. Năm 2000, tôi không còn sức chịu đựng nên nói với ông ấy đưa vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định kiểm tra. Tại đây, bác sĩ kết luận cơ thể bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối và mắc cả chứng siêu vi gan B”.
Suốt 4 năm chịu đựng nỗi đau thể xác, bà Thanh lần nữa phải chịu thêm cú sốc bệnh tật lớn. Nhiều lần, bà có ý định tự tử, không muốn trị bệnh vì biết rằng sức khỏe không thể bình phục như trước. Nhưng, người chồng không cho phép bà ngục ngã khi “cuộc chiến” mới bắt đầu!
Vợ lâm bệnh, mọi gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai ông Dũng. Hàng ngày, ông làm việc kiếm tiền lo phí chạy thận, tiền thuốc cho vợ và cái ăn cái mặc cho 3 đứa con thơ. Ông kể, khi ấy đang công tác tại đơn vị xây dựng cầu đường, ông phải sắp xếp thời gian hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, vừa vào viện chăm sóc vợ. Sau đó, ông buộc thôi việc để ở nhà chuyên tâm chăm bà Thanh. Từ đó, nguồn thu nhập chính của gia đình ông mất đi.
Khi tiền tiết kiệm hết, ông Dũng quyết định đem sổ đỏ ra ngân hàng cầm cố vay số tiền lớn chữa bệnh cho vợ. Mỗi ngày, bà Thanh nằm viện tốn khoảng 3 triệu đồng, bao gồm chạy thận, viện phí và thuốc thang. Với chừng ấy khoản, số tiền ấy dần vơi bớt mà bệnh của bà Thanh không khỏi, thậm chí phải cắt bỏ một quả thận.
Đến kỳ hạn trả nợ, ông Dũng không có tiền đành giao bán toàn bộ nhà và khu đất tại Bình Dương. Sau khi trả đủ gốc lẫn lãi, ông dành số tiền còn lại cho vợ chữa bệnh và thuê một căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn trú ngụ. “Của cải có thể tạo ra nhưng người chung sống với mình cả đời đâu có dễ để rời xa. Thậm chí, bạn bè thấy tôi vất vả chữa bệnh cho vợ đã khuyên buông xuôi rồi lo một lần cho xong. Nhưng tôi nghĩ còn nước còn tát, kể cả có đi ăn mày cũng phải chữa trị đến cùng”, ông Dũng tâm sự.
“Túng quẫn quá, vợ chồng tôi sẽ uống thuốc tự tử để chết bên nhau”
Chuyển về Hóc Môn sinh sống, ông Dũng làm thêm nghề xe ôm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, ông chạy được khoảng hai trăm nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi, ông dành hơn nửa lo mua thuốc cho vợ và trả tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt.
Gần 17 năm coi giường bệnh là nhà, bà Thanh gần như kiệt sức, không còn muốn tồn tại trên thế gian này! Vì vậy, bà nhân lúc chồng đi vắng định nhảy lầu cho chết. Nhưng có lẽ, duyên vợ chồng của bà với ông Dũng chưa thể dứt. Đúng lúc đó, ông Dũng về nhà và phát hiện, kịp thời ngăn cản.
“Trước đây, tôi tự tử thì ông ấy quát mắng cuộc chiến mới bắt đầu, rồi bệnh sẽ hết. Giờ đã gần 20 năm, tôi vẫn là kẻ vô dụng, bệnh một nặng hơn. Thử hỏi, tôi sống làm gì khi chỉ biết giày vò, làm khổ chồng con”, bà Thanh nghẹn ngào.
Khi tuổi càng lớn, bà Thanh bệnh nhiều hơn. Ngoài suy thận, bà còn mắc viêm hang vị dạ dày, hẹp van tim, ứ mủ độ 3 và thoái hóa cột sống. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, người phụ nữ ấy bị trượt ngã trong nhà tắm dẫn đến nhồi máu não và liệt nửa người. Khi ấy, ông Dũng buộc phải bán đi “cần câu cơm” là chiếc xe máy để lấy tiền đưa vợ vào BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, sau vài ngày điều trị, ông không có đủ viện phí đành bất lực đưa vợ về nhà.
Nhắc đến các con, bà Thanh đau xót: “Hai chục năm nay, tôi không đi chợ, nấu được một bữa cơm ngon cho chồng và các con. Nhiều đêm khó ngủ, tôi nghĩ đến tụi nhỏ mà ứa nước mắt. Từ khi chúng còn thơ đã thiếu bàn tay chăm sóc, nuôi nấng của mẹ! Lớn lên, từng đứa lo lấy cuộc sống rồi lập gia đình nhưng rất khó khăn. Với đồng lương công nhân, chúng không đủ để trang trải cuộc sống.Vì vậy, vợ chồng tôi cũng không dám nhờ cậy, chỉ mong con cháu sống hạnh phúc, khỏe mạnh”.
Nhìn lại tháng năm đưa vợ chạy khắp các viện chữa bệnh, ông Dũng chực trào nước mắt: “Từ ngày về nhà, ai chỉ cách chữa bệnh bằng thuốc nam, tôi đều thử hết. Hễ ở đâu có thày giỏi, tôi đưa vợ đến đó nhưng bệnh vẫn vậy! Cực khổ đến mấy, tôi sẽ ráng lo cho bà ấy bằng được. Túng quẫn quá, vợ chồng tôi sẽ uống thuốc tự tử để chết bên nhau”.
Vừa dứt lời, ông Dũng đưa đôi bàn tay đen sạm, gân guốc nắm lấy tay vợ và đưa ánh mắt về phía xa. Dường như, trong sâu thẳm, người đàn ông ấy vẫn hi vọng ngày nào đó vợ có thể khỏe mạnh, đứng dậy và bước tiếp quãng đời sau này.
Câu chuyện giành giật sự sống cho vợ suốt 17 năm qua của ông Trần Ngọc Dũng xứng đáng là một trang đời đẹp! Họ dù nghèo khó, vất vả và bệnh tật nhưng trong căn nhà đi thuê vẫn luôn tràn đầy nghĩa tình vợ chồng!
Xem clip tại đây: