Hạnh phúc với người mẹ có con tự kỷ chỉ đơn giản là nhìn thấy con tiến bộ, biết tương tác và hòa nhập cuộc sống.
Hơn 2 năm qua, chị Tố Nga (29 tuổi, Bình Dương) một mình “độc bước” trên con đường can thiệp Hội chứng tự kỷ cho cậu con trai 5 tuổi – bé Bi. Chị bảo đã từng buồn, thất vọng rồi đau đớn đến xé lòng khi thấy cảnh con bỗng dưng không biết nói, hay cáu gắt, tự hành hạ bản thân.
Nhưng chị chưa bao giờ chán nản, muốn buông xuôi vì sự “thay đổi” quá nhanh của con. Chính tình mẫu tử thôi thúc chị mạnh mẽ đứng dậy đồng hành cùng con trong chặng đường tương lai phía trước.
“3 tuổi, con tôi bỗng trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác”
Bé Bi chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác, rất kháu khỉnh và dễ thương. Bé 1 tuổi, vợ chồng chị Nga quyết định gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc vì bận công việc. Hơn nữa chị cũng muốn cháu gần gũi, có nhiều tình cảm với ông bà.
Công việc ổn định, chị Nga đón bé Bi vào Bình Dương nuôi nấng. Đó là lúc chị nhận ra sự bất thường ở con nhưng không dám chấp nhận. Chị chờ đợi… đợi con tròn 3 tuổi rồi đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Chị Tố Nga trải lòng về hành trình "vượt sóng" cùng cậu con trai nhỏ mắc hội chứng tự kỷ
“Tôi luôn hi vọng con chỉ chậm phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên khám xong bác sĩ kết luận con bị rối loạn tự kỷ. Cầm tờ giấy chẩn đoán bệnh, tay tôi run run, mắt không dám nhìn thẳng. Tôi hụt hẫng, hoang mang và lo lắng cho tương lai của đứa con trai duy nhất. Còn ông xã nghe tin đã sốc nặng, suy nhược cơ thể phải nằm dưỡng bệnh cả tuần”, chị nhớ lại.
Thương chồng xót con, người phụ nữ ấy buộc chấp nhận sự thật, gượng dậy làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình nhỏ. Chị không cho phép bản thân gục ngã bởi chỉ cần buông nhẹ, Bi sẽ mãi sống trong thế giới riêng.
Chị Nga đã dành 2 tuần giải thích cho ông xã hiểu về Hội chứng tự kỷ gồm nhiều dạng với đủ các yếu tố hình thành, có thể can thiệp thành công. Cũng trong thời gian ấy, Bi bắt đầu có hành vi tiêu cực, trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác. Chị kể: “Trước kia, con gọi “Mẹ ơi!” rất thạo nhưng giờ không thể nói được. Con còn hay tự lấy tay đánh vào đầu đến bầm tím mới chịu thôi, đang vui trở nên cáu gắt, thậm chí cười một mình không lý do”.
Bé Bi chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Con kháu khỉnh và rất đáng yêu
Con thay đổi, chị Nga không dám chia sẻ với bất cứ ai, kể cả chồng. Chị chỉ biết khóc rồi gạt nước mắt đến bệnh viện xin lời khuyên của bác sĩ tâm lý, đăng ký tham gia các lớp học chuyên biệt. Từ đây, chị bắt đầu hành trình can thiệp chứng tự kỷ cùng cậu con trai nhỏ.
Cô giáo “bất đắc dĩ” của một đứa trẻ tự kỷ
Chị Nga kể, bé Bi từng đi học mầm non nhưng đến lớp chỉ ngồi gọn một góc. Vì thế, chị cho con nghỉ học ở nhà, sau đó miệt mài đi Sài Gòn tìm trường chuyên biệt. Ban đêm, chị lên mạng mày mò các kiến thức về hội chứng tự kỷ.
Bi đi học trường chuyên biệt ở Bình Thạnh, chị Nga nghỉ hẳn việc để đưa đón, chăm sóc. “Thằng bé đến lớp chỉ khóc. Tôi đứng ngoài cổng nghe vậy cũng khóc như điên dại rồi dằn vặt lương tâm “Tại sao con thế này?”. Nhưng khi về, tôi thường nói dối ông xã con học nhanh, vui vẻ và chắc chắn sẽ ổn”, chị nghẹn ngào.
Bức hình được Bi tô vẽ, phối màu khi con đã có tiến bộ rõ rệt
3 tháng theo học, Bi vẫn im lặng. Chị Nga bắt đầu lên kế hoạch can thiệp tại nhà bên cạnh việc cho bé đi học. Chị dạy con học chữ cái và con số nhưng không hiệu quả. Lúc này, chị nghiêm túc nói chuyện với chồng về tình trạng của con bởi anh đã chấp nhận, hiểu hơn về chứng tự kỷ.
“Hai vợ chồng cùng học với con. Con tiến bộ hơn rất nhiều, biết phát âm chữ cái. Sau đó, tôi dạy bé lấy hơi để hình thành âm giọng bằng các hình ảnh. Dần dần bé nói được từ ba, mẹ và tên của mình.
Khi con gọi Mẹ…mẹ, tôi đã bật khóc. Đây không phải tiếng gọi đầu tiên trong đời con nhưng đã từ lâu lắm rồi, con mới chịu cất lời”, chị cho hay.
Bi can thiệp ở Bình Thạnh được 6 tháng, chị Nga xin chuyển trường cho con qua Gò Vấp. Ở đây, bé tiến bộ, phát âm được nhiều chữ cái, vui vẻ với các bạn.
Chỉ cần con biết tô màu, nối hình,...người mẹ đã thấy hạnh phúc
Thời gian này, gia đình chị Nga xuất hiện thành viên mới. Chị nhận nuôi bé trai 11 tuổi. “Tôi nhận nuôi vì hoàn cảnh bé đáng thương. Hơn nữa, tôi nghĩ mình giúp bé sẽ giúp thêm Bi. Con thay đổi cảm xúc hơn, đặc biệt có nhiều cảm hứng học tập cùng anh. Từ đó, tôi trở thành thầy dạy cho 2 đứa trẻ. Bi tiến bộ rõ rệt, biết tương tác”, chị kể.
Học ở Gò Vấp, chị Nga cho Bi học cùng lúc 2 trường. Hễ trường nào có ưu điểm thì chị sẽ lựa chọn để con được trải nghiệm. Về nhà, chị can thiệp thêm hoặc tổ chức các chuyến đi dã ngoại cho các con. Thời điểm ấy, chị thấy mọi thứ “nhẹ tựa lông hồng”, không còn những cảm giác như trước kia.
“Thế đấy! Cuộc sống của mẹ tự kỷ là tự giải quyết những tiêu cực cho mình và tận hưởng cuộc sống không giống người khác. Hạnh phúc chỉ đơn giản là nhìn thấy con tiến bộ và vui vẻ hạnh phúc”, chị trải lòng.
Hiện tại, Bi biết đọc sách rất giỏi. Thậm chí con có thể chủ động mọi sinh hoạt bản thân. Dù vậy, quãng đường phía trước của hai mẹ con chị Nga còn rất dài, phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua sóng gió tiếp theo.