"Tôi không gọi những thứ ấy là hy sinh, tôi gọi đó là tình yêu. Một người cứ hy sinh mãi, lúc mệt mỏi sẽ cáu gắt, cảm thấy mình đã bỏ mất quá nhiều điều trong cuộc sống để cho một người khác. Chúng tôi, không chỉ sống cho con, chúng tôi sống cho mình, cho nhau"...
"Chúng tôi không xấu hổ vì con mình tự kỷ"
Đó là tâm sự của người mẹ trẻ Trần Thị Ng. Tr. (Hà Nội). Vừa qua, chị Tr. đã khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn ngưỡng mộ khi quyết định xin nghỉ việc tại một tờ báo có tiếng ở Việt Nam để dành thời gian nhiều hơn cho cô con gái.
Bé Kiến (tên thường gọi ở nhà), con gái của chị Tr. năm nay 4 tuổi, bị tự kỷ. Hiện tại bé Kiến vẫn chưa biết nói và chuyện thức dậy lúc 1h, chơi tới 6h sáng là bình thường.
Chị Ngọc Tr. tâm sự: "Có thể, cô gái ấy sẽ tiến bộ, sẽ học đại học và lập gia đình, như những gì bác sĩ vẫn động viên tôi. Có thể, cô ấy sẽ mãi hồn nhiên, như cách người ta bảo: đã tu mấy kiếp để sống một cuộc đời không lo âu, muộn phiền, sân si tranh đấu.
Ở trường hợp nào, cô ấy vẫn là cô gái bé bỏng của tôi. Mỗi đứa trẻ dù thế nào cũng luôn là một tình yêu hoàn hảo. Cô ấy tự kỷ - không phải lỗi của cô ấy, không phải lỗi của cha mẹ. Chúng tôi không xấu hổ vì điều ấy.
Trước khi muốn chữa cho con, phải chữa cho cha mẹ. Cha mẹ phải chấp nhận sự thật một cách thoải mái, mới có thể nắm tay con - cùng đi dưới ánh mặt trời. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhưng Everything will be fine.
Bé Kiến, năm nay 4 tuổi.
Vì con, chồng tôi - một sĩ quan hàng hải, làm cho một công ty lớn, đi khắp các châu, lương tính bằng đô - nghỉ việc ở nhà đưa đón, chăm sóc người tình kiếp trước.
Vì con, tôi - một biên tập viên báo lớn - tạm dừng công việc yêu thích nhưng quá nặng nề và tốn nhiều thời gian - chuyển sang những công việc nhẹ nhàng hơn để có thể chơi đùa, yêu thương thay vì mệt mỏi nhìn cô ấy mỗi khi về nhà lúc 6h, tranh thủ ăn tối rồi ôm máy trực tới khuya, rời công việc đặt mình xuống gối thì con dậy, hò hét chơi tới sáng, con ngủ, mẹ lại chuẩn bị ôm mắt thâm quầng tới tòa soạn.
Tôi không gọi những thứ ấy là hy sinh, tôi gọi đó là tình yêu. Một người cứ hy sinh mãi, lúc mệt mỏi sẽ cáu gắt, cảm thấy mình đã bỏ mất quá nhiều điều trong cuộc sống để cho một người khác. Chúng tôi, không chỉ sống cho con, chúng tôi sống cho mình, cho nhau. Chồng tôi thường động viên tôi đi du lịch, cafe, mua sắm, để tôi có thể tái tạo năng lượng cho mình.
Theo bản tính AQ, tôi vẫn bảo chồng: nhờ con, chúng ta kết nối với nhau chăt chẽ, bền bỉ hơn, bởi nếu hai đứa tách nhau ra, không ai có thể chăm lo tốt cho cô ấy như những gì cô ấy đáng được hưởng.
Ngẫu nhiên, màu tôi và chồng thích là màu xanh da trời - đó cũng là màu biểu trưng cho những em bé tự kỷ. Còn màu xanh - còn hy vọng".
Chị Tr. chia sẻ thêm, báo chí từng có bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (từng là viện trưởng viện Nhi, giờ là giám đốc trung tâm tế bào gốc Vinmec) dùng từ "bệnh tự kỷ". Những ông bố bà mẹ có con tự kỷ đều xôn xao, bức xúc vì "tự kỷ không phải là bệnh". Tuy nhiên, theo chị Tr.: "Với sự hiểu biết eo hẹp, tôi vẫn nói là "bệnh tự kỷ" - vì là bệnh thì mới hy vọng chữa được, và tôi đang chờ đợi cấy tế bào gốc cho cô gái bé nhỏ của mình".
Cộng đồng mạng đồng lòng vì trẻ tự kỷ
Trong suốt mấy ngày vừa qua, cộng đồng mạng xã hội tích cực chia sẻ thông điệp nhân kỷ niệm ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4. Thông điệp này được dịch lại từ một bà mẹ đăng trên Facebook.
Thông điệp từ một bà mẹ có con tự kỷ được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ.
Nội dung thông điệp như sau: "Khi bạn có 1 đứa con phát triển 'bình thường' và khi chúng đạt được điểm tốt ở trường, bạn thấy hạnh phúc. Khi con bạn cư xử 'ngoan ngoãn', bạn hạnh phúc. Có con phát triển 'bình thường' là một niềm vui vì dĩ nhiên đó là 1 đặc ân. Nhưng hãy nghĩ nếu con bạn là 1 đứa trẻ có những hạn chế nhất định, ví dụ như tiếp thu chậm (dù chỉ là những kiến thức rất sơ đẳng) hoặc thậm chí mất hoàn toàn khả năng tiếp thu. Tôi muốn nhờ các bạn giúp về 1 vấn đề tôi rất quan tâm.
Tuần lễ này là tuần lễ ủng hộ chế độ giáo dục đặc biệt cho trẻ em tự kỷ, bị chứng khó đọc và hội chứng ADHD (hiếu động, kém tập trung). Hãy ủng hộ cho những đứa trẻ đang phải vật lộn với những hội chứng đó để vươn lên trong cuộc sống, cũng như ủng hộ các ông bố bà mẹ đang cố gắng giúp con mình. Chúng ta hãy dạy con em mình cư xử tử tế và chấp nhận mọi bạn bè trong lớp dù chúng khác biệt. Trẻ em cần sự trợ giúp đặc biệt không khác gì với những đứa trẻ khác. Chúng muốn điều những đứa trẻ khác muốn: Được Chấp Nhận!!!
Hãy cùng chia sẻ trái tim mình. Vì tin hay không, chúng tôi cần bạn. Mọi trẻ em đều khác biệt và duy biệt và điều đó làm nên vẻ đẹp của thế giới".
Hàng nghìn ông bố bà mẹ đã chia sẻ nội dung trên và đây cũng là nguồn cảm hứng để nhiều người thổ lộ tâm sự của mình.
Một người cho biết: "Nhiều lúc thấy con mình chậm hơn hẳn so với những đứa trẻ khác sao mình thấy bứt rứt, khó chịu. Nhiều lúc nghĩ chắc mình “ăn hết phần con” nên mới bị quả báo. Cũng chẳng có ai giúp mình, giúp con mình bởi vì công việc quá bận và không đủ kiên nhẫn. Mình mong tất cả các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến con mình hơn. Đừng vì tiền bạc mà bỏ con cái".
* Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại. Cha mẹ thường nhận thấy những dấu hiệu của bệnh này trong hai năm đầu đời của con mình. * Có rất nhiều điều cha mẹ có thể làm cho con mình để giúp trẻ vượt qua những khó khăn khi mắc chứng tự kỷ, nhưng có một điều cũng rất quan trọng là bạn phải có được những sự hỗ trợ mà bạn cần. Trong khi chăm sóc cho con, các bậc phụ huynh đừng quên quan tâm đến chính bản thân mình, đó không phải là một việc làm ích kỷ mà là một điều hết sức cần thiết. Vì chỉ khi bạn có 1 tâm lý vững vàng, bạn mới trở thành điểm tựa vững chắc nhất cho con mình. * Trên toàn cầu, tự kỷ được ước tính ảnh hưởng đến 21.7 triệu người tính đến năm 2013. Tính đến 2010, số lượng người bị ảnh hưởng của bệnh ước tính khoảng 1-2/1000 toàn cầu. Bệnh thường xuyên xảy ra nhiều hơn ở các bé trai. |