Bức xúc trước thái độ làm việc của bác sĩ BV Phổi Trung ương, người nhà bệnh nhân đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tuy nhiên, phía bệnh viện khẳng định họ đã làm hết trách nhiệm với bệnh nhân.
Bệnh nhân vào viện cả tiếng mới được cấp cứu
Theo đó, đầu tháng 7/2016, anh Chu Tiến Độ (Tổ dân phố Trung, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) - con trai của bệnh nhân Chu Tiến Hào đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phản ánh về việc các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương có thái độ tắc trách, vô cảm trước cái chết đang cận kề của người thân mình.
Trong đơn kiến nghị, anh Độ cho biết: “Ngày 21/6, do thời tiết khắc nghiệt, bản thân bố tôi mắc bệnh viêm phổi mãn tính, tiểu đường từ trước nên bị ho ra máu. Thấy vậy, gia đình đã đưa bố tôi đến bệnh viện 198 để chữa trị.
Sau khi xem xét bệnh tật, các bác sĩ tại bệnh viện này đã chuyển bố tôi đến bệnh viện Phổi Trung ương để tiếp tục điều trị. Khi đó bố tôi đến cấp cứu là 8 giờ sáng.
Đơn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế của anh Hào.
Tôi đã đưa bố tôi đến đây để cấp cứu, nhưng tại đây các cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã phớt lờ trước bệnh tình của bố tôi.
Các cán bộ y bác sĩ chỉ yêu cầu tôi làm thủ tục nhập viện, đóng viện phí và lấy máu của bố tôi đến 3 lần với lý do xét nghiệm nhầm và đến chiều mới có kết quả. Đến 10 giờ cùng ngày, các bác sĩ mới cho bố tôi nhập viện, sau gần 4 giờ chờ đợi tôi thấy bố tôi đi ngoài ra máu đen, gọi bác sĩ thông báo về việc bố tôi mất máu, lúc này các bác sĩ mới bắt tay vào cứu chữa thì đã quá muộn rồi.
Tôi thấy vậy nên đã bàn với gia đình đưa bố tôi về nhà điều trị. Tôi đưa bố tôi về nhà được mọi người chăm sóc đến khoảng 9h ngày 22/6 thì bố tôi qua đời. Tôi đã tìm mọi cách để liên lạc với bệnh viện Phổi Trung ương với mục đích biết được bệnh tình của bố tôi, để giải thích cho gia đình. Tới nay ngoài những giấy tờ liên quan đến viện phí thì tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào khác”.
Bệnh viện khẳng định đã làm hết trách nhiệm
Trước những phản ánh của người nhà bệnh nhân Chu Tiến Hào, để có thông tin khách quan nhất, phóng viên đã liên hệ tới Bệnh viện Phổi Trung ương để làm rõ những phản ánh trong đơn thư. Khẳng định với phóng viên, PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Tính đến thời điểm này bệnh viện chưa nhận được bất kỳ đơn thư nào của người nhà bệnh nhân, bệnh viện mới chỉ biết thông tin qua báo chí”.
PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
Đồng thời, vị Phó GĐ Bệnh viện Phổi cho biết, có bệnh nhân Chu Tiến Hào điều trị ở bệnh viện Phổi Trung ương, tuy nhiên mọi việc diễn ra không như những gì người nhà bệnh nhân phản ánh. “Chúng tôi muốn nói ra sự thật và mọi sự thật đều phải được tôn trọng trên những bằng chứng xác thực, chứ không thể nghe thông tin một chiều”, PGS Phú nói.
Về quá trình cấp cứu và lấy máu 3 lần để xét nghiệm cho bệnh nhân, BS Phùng Quốc Vượng -Trưởng khoa Cấp cứu (BV Phổi Trung ương) cho biết: “Bệnh nhân lấy máu lần đầu tiên là lúc 7h3 sáng ngày 21/6, sau đó mẫu máu được đưa đi xét nghiệm tại khoa Huyết học của bệnh viện, sau 1 tiếng kết quả cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân là 8000.
Đây là kết quả rất bất thường, chúng tôi không tin bệnh nhân có kết quả thấp như vậy nên đã lấy máu lần 2 để xét nghiệm, tại lần xét nghiệm này kết quả vẫn cho như lần 1, ngay lập tức chúng tôi chuyển bệnh nhân từ phòng khám 24 giờ vào phòng cấp cứu, sau đó tiếp tục lấy máu để làm các xét nghiệm như sinh hóa, máu đông…
Như vậy, chúng tôi lấy máu 3 lần là đều phục vụ việc cứu chữa bệnh nhân chính xác nhất, chứ hoàn toàn không có chuyện xét nghiệm nhầm nên lấy máu xét nghiệm lại”.
Người nhà không đồng ý làm thủ thuật cho bệnh nhân...
...và xin chuyển về nhà chăm sóc.
Riêng về vấn đề bệnh nhân không được quan tâm như người nhà phản ánh, BS Vượng cho biết: “Qua những việc lấy mẫu máu xét nghiệm đến 3 lần chỉ trong vòng 2-3 tiếng như vậy là đủ hiểu chúng tôi có quan tâm đến bệnh nhân hay không rồi. Đó là chưa kể trong phòng bệnh cấp cứu lúc nào chúng tôi cũng có nhân viên y tế túc trực”.
Cuối cùng, BS Vượng kết lại vấn đề: “Nói thật, khi chúng tôi gọi người nhà lên để giải thích về việc bệnh nhân Hào phải can thiệp chuyên sâu và người nhà cần phải ký cam kết trước. Chính anh Độ là con trai của bệnh nhân còn nói bệnh nhân này đã mắc bệnh lâu năm, đã đi chữa nhiều bệnh viện và giờ đưa bệnh nhân đi để toại nguyện, đồng thời anh Độ cam kết không tiến hành làm thủ thuật can thiệp gì và viết đơn xin đưa bệnh nhân về.
Tất cả những giấy tờ này chúng tôi đều lưu trong hồ sơ bệnh án và đều thể hiện bút tích, chữ ký của anh Hào ngày 21/6, chúng tôi không thể làm giả được”.
“Là người bác sĩ, khi thấy bệnh nhân còn dấu hiệu sinh tồn là chúng tôi cố gắng hết sức để cứu chữa, nhưng vẫn phải tôn trọng ý kiến gia đình. Tôi không biết động cơ viết đơn kiến nghị là gì, nhưng bệnh nhân đã mất rồi chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình. Đồng thời, sẽ làm báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế và các bên liên quan”, lãnh đạo BV Phổi Trung ương nói.