Người phụ nữ phải đem cầm bông tai 600 ngàn đồng để sống vẫn nhiệt tình đi làm tình nguyện

An Phú - Ngày 02/08/2021 09:40 AM (GMT+7)

Gần 10 năm sống trong hẻm trọ dành cho người lao động nghèo ở Bình Thạnh, cô Bích đã xem đây là ngôi nhà thứ hai từ khi cô rời quê lên tha phương ở Sài Gòn.

Người phụ nữ phải đem cầm bông tai 600 ngàn đồng để sống vẫn nhiệt tình đi làm tình nguyện - 1

Từ người đi xin cơm đến tình nguyện viên phát cơm

Đầu tháng 5, khi TP.HCM có ca nhiễm đầu tiên, người dân xóm trọ của cô Bích phải nghỉ việc vì hầu hết họ là lao động tự do, có người lượm ve chai, người chạy xe ôm, làm thợ hồ,… Riêng cô Nguyễn Thị Bích bị mất hẳn công việc tạp vụ ở căn tin trường đại học gần nhà.

Ngày nhận thông báo cho nghỉ việc hẳn vì căn tin đóng cửa, chủ thầu không cầm cự được, cô nước mắt ngắn dài kể: “Mấy đợt dịch trước chỗ làm chỉ cho nghỉ tránh dịch thôi, lúc nghỉ còn cho ít gạo, mì tôm ăn nên cũng đỡ, ai ngờ đợt này ông chủ tuyên bố cho nghỉ hẳn luôn, cô buồn không tả được. Lương tháng ngót nghét vài triệu, trả tiền phòng 1 triệu rưỡi, tiền ăn rồi còn tiền gửi về cho cháu, tuổi già như cô tay chân không lanh lẹ nên không thể làm việc gì khác, chỉ ngồi nhà thôi. Dịch đến, những người lao động tự do luôn đỡ những phát đạn đầu tiên của cái nghèo, cái khổ”.

Được biết, cô Bích quê ở Đồng Nai, sớm ly dị chồng bỏ lên thành phố mưu sinh ở tuổi hưởng phước hưởng lộc từ con cháu. Cô bảo con gái con trai đều có đủ, nhưng chẳng nhờ được đứa nào, vì bởi đứa nào cũng lận đận, lênh đênh ở đất người.

Người phụ nữ phải đem cầm bông tai 600 ngàn đồng để sống vẫn nhiệt tình đi làm tình nguyện - 2

Dù vậy, cô Bích và các chị em ở xóm vẫn luôn lạc quan và yêu thương nhau giữa lúc khó khăn. Để cầm cự bữa ăn qua ngày, cô Bích cùng mọi người đi xin cơm từ thiện ở các điểm gần nhà. Đây cũng là cơ duyên giúp cô có công việc sống qua thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

“Hôm đó cô đói quá nên rủ mấy người trong xóm đi xin cơm, tới đứng xếp hàng một hồi thì anh Khởi - chủ điểm phát cơm đó tới hỏi các cô có muốn làm bếp phụ con không, cô cũng hỏi làm bếp là làm gì thì biết bên chỗ này đang thiếu tình nguyện viên để nấu cơm phát cho mọi người. Vậy cô với mọi người mừng quá đồng ý ngay luôn”, cô Bích nói.

Nhưng làm như vậy, người phụ nữ ấy chỉ đủ tiền cơm ăn hằng ngày, còn tiền trọ không cách gì xoay sở được. "Lúc đấy cô cũng buột miệng xin thêm cho mỗi người ở đây ngày 20 chục để có tiền trả trọ. Vậy mà anh Khởi cho tụi cô thêm 50 nghìn, sống tiếp được rồi”, cô vui vẻ nói.

Người phụ nữ phải đem cầm bông tai 600 ngàn đồng để sống vẫn nhiệt tình đi làm tình nguyện - 3

Tại Bếp yêu thương, các cô chú tình nguyện viên đều là những người từng tới xin cơm rồi được mời về để chung tay giúp người nghèo mùa dịch. Những phần cơm được đều đều phát đi lưu động mỗi trưa để giúp những người khó khăn trên đường. Họ là bác xe ôm, chị bán vé số, người làm thuê,… ở chung một xóm trọ may mắn có công việc ở đây để cầm cự qua mùa dịch.

Tiền tiêu nhín mấy cũng không đủ: Phải cầm đôi bông tai 600 nghìn!

Sống một mình trên thành phố, cô Bích ở chung phòng trọ với người bạn quen khi làm chung ở chỗ cũ. Hai chị em xa quê, chung hoàn cảnh, ở chung có rau ăn rau có cháo ăn cháo, tuy là người lạ nhưng chưa cãi cọ, xích mích nhau lần nào. “Nhìn vậy chứ nhiều đêm cô đơn, hai chị em tủi thân khóc, cứ hỏi sao mình nghèo mãi vậy. Các phòng xung quanh ai cũng có đôi có cặp, chồng chồng vợ vợ làm chung ăn chung, mình cứ kiếm từng đồng chắt chiu mấy cũng không đủ. Không lẽ chết già ở đây, không có nổi một miếng đất cuối đời?”, cô xúc động nói.

"Rồi chị chị em em chia sẻ với nhau, hai người động viên nhau cố gắng làm ăn, ráng dành dụm có tiền cùng về quê mua mảnh đất nhỏ nhỏ y phòng trọ này, giờ gia đình mình không dựa dẫm vào được, thì chỉ có thể nương nhau sống thôi", cô nói thêm.

Người phụ nữ phải đem cầm bông tai 600 ngàn đồng để sống vẫn nhiệt tình đi làm tình nguyện - 4

Trong căn phòng bốc lên mùi ẩm mốc, vách tường nổi mốc, ánh đèn mập mờ, cô bật khóc: “Kể ra mời con tới chơi mà nhà cửa vậy cô xấu hổ quá! Con đừng cười nha, chỗ này nhìn như khu ổ chuột vậy mà ở lành lắm, không trộm cắp gì? Người cùng khổ với nhau nên dễ sống”.

Đã mất việc gần 3 tháng, tiền sinh hoạt không đủ, tiền trọ không được giảm, cô Bích và các phòng trọ khác đều phải làm liều bán cái này cái kia tìm cách vượt qua. Cô thủ thỉ: “Nói ra cũng ngại lắm, nhưng cô vừa bán đôi bông tai 600 nghìn đặng có tiền đóng trọ nè, mỗi tháng lấy tiền lời 50 nghìn, giờ nghĩ bán được gì cũng chịu luôn, chứ không có chỗ ở mà ra đường thì khổ nữa”. Bữa cơm đơn giản, tiêu nhín mấy cũng không thoát khỏi cảnh nghèo, khi xin cơm được thì ăn, không thì có gạo, nấu thêm mì tôm làm canh cũng không tệ.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, cuộc sống bình thường còn lâu mới trở về, cô Bích và những cảnh nghèo khác trong xóm trọ chờ mong một điều gì đó mới lạ hơn, như những địa phương khác sớm có chính sách đưa người dân về quê miễn phí, như những phần quà từ thiện kịp gõ cửa đến đây, trao tận tay mỗi người…

An Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn

Tin hay đừng bỏ lỡ