Bao nhiêu vất vả đè nặng lên vai người góa phụ, nhưng người phụ nữ ấy vẫn mở rộng tấm lòng chăm sóc hai mẹ con người hàng xóm tật nguyền ròng rã suốt 6 năm qua.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bệnh nặng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Bao nhiêu vất vả đè nặng lên vai người góa phụ, nhưng người phụ nữ ấy vẫn mở rộng tấm lòng chăm sóc hai mẹ con người hàng xóm tật nguyền ròng rã suốt 6 năm qua. Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1959), trú tại khu phố Bắc Thành, phường Quang Trung, TP. Hưng Yên vẫn được nhiều người nhắc đến như một người phụ nữ giàu nghị lực và có tấm lòng nhân ái đáng nể phục.
Suốt 6 năm qua, bà Oanh chăm sóc mẹ con bà Nhung như với người thân của mình.
Cùng cảnh mẹ góa, con côi
Nhắc tới người hàng xóm tốt bụng, bà Nhung nghẹn ngào nói: “Tôi không biết nói gì để cảm ơn người hàng xóm tốt bụng này nữa. Nếu không có bà ấy giúp đỡ, có lẽ mẹ con tôi đã không được như ngày hôm nay. Chẳng biết bao giờ, tôi và con trai mới có thể trả được món nợ ân tình này với chị ấy”. Không chỉ mẹ con bà Nhung, mà cả tổ dân phố nơi đây đều rất quý trọng bà Oanh. Bởi lẽ, không chỉ quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mẹ con bà Nhung, bà còn sống chan hòa với tất cả mọi người trong khu phố, ai có việc nhờ bà đều nhiệt tình giúp đỡ không quản ngại khó khăn. Bên cạnh đó, bà Oanh cũng là một hội viên tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ phường Quang Trung. Thiết nghĩ, những việc làm của bà Oanh thật đáng trân quý trong thời buổi hiện nay.
Thời gian đầu, thấy bà Oanh nhiệt tình sang giúp đỡ nhà hàng xóm, nhiều người tỏ ý nghi ngờ. Có người bảo bà rảnh việc, thân mình lo không xong còn “ôm rơm rặm bụng”, rồi con cái cũng lên tiếng ngăn cản vì thương bà vất vả. Bà bỏ ngoài tai tất cả, bởi với bà, đơn giản chỉ là giúp đỡ người khó khăn hơn mình, đặc biệt lại cùng cảnh ngộ mẹ góa, con côi. Và hàng ngày, bà vẫn làm công việc đó như một thói quen, một trách nhiệm như chính với người thân trong gia đình.
Theo những người dân trong khu phố cho biết, bà Oanh từng có một gia đình hạnh phúc với người chồng và đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng, con cái luôn yêu thương nhau, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và sự quan tâm. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, khi chồng bà đang khỏe mạnh bỗng đổ bệnh phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Ngày chồng mất, bà Oanh suy sụp và mất phương hướng nhưng vì thương con bà gượng dậy và tiếp tục sống. “Đúng là chẳng ai có thể hiểu được nỗi đau mà tôi phải trải qua khi đó. Nhìn đứa con ngơ ngác chưa kịp hiểu tai họa đến với gia đình, mà lòng tôi đau thắt”, bà Oanh ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Phải vất vả lắm, bà mới xin được vào một cơ quan để nấu cơm thuê. Công việc tuy không vất vả, nhưng thu nhập lại chẳng được bao nhiêu. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, bà Oanh nhận thêm công việc may vá, rửa bát, lao công để làm kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Với hàng trăm nỗi khó khăn, đôi lúc bà tưởng như không đủ sức để vượt qua số phận. Thế nhưng, dù cuộc sống khó khăn bộn bề nhưng bà Oanh vẫn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, mặc cho lúc đầu nhiều người dị nghị và có những lời đồn đoán không hay. Ở khu phố này, hoàn cảnh của bà Oanh không phải là trường hợp duy nhất lâm vào cảnh khó khăn, bất hạnh. Cũng chịu không ít những nỗi đau, bi kịch như bà Oanh là người hàng xóm của bà, gia đình bà Đoàn Thị Nhung.
Bà Nhung nằm liệt giường trong suốt nhiều năm.
6 năm ròng giúp đỡ người hàng xóm
Bà Nhung có cậu con trai tên là Cò (SN 1972) không may bị tật nguyền từ nhỏ, không có khả năng đi lại và sinh hoạt cá nhân. Chồng bà Nhung cũng mất sớm, một thân một mình bà lặn lội nuôi con. Bất hạnh thay, ông trời không để cho bà được làm tròn trách nhiệm được nuôi con như bao người mẹ khác. Năm 2009, trong một lần đi làm, bà Nhung gặp tai nạn giao thông phải cưa mất một chân để giữ tính mạng. Chẳng bao lâu sau, bà Nhung lại bị mù hai mắt do biến chứng của bệnh tiểu đường. Đến khi ấy, việc lo cho bản thân còn khó chứ đừng nói đến lao động kiếm tiền và chăm sóc con trai tật nguyền. Bởi vậy, hai mẹ con bà Nhung chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp thương tật của nhà nước để sống qua ngày. Có những hôm mò mẫm cơm nước chăm con, bà Nhung ngã nháo nhào giữa sân. Những lúc ấy, bà bấm chặt môi mà khóc, khóc thương cho mình, thương cho con vì không biết cầu cứu ai. Bà Nhung nghẹn ngào nói: “Trên đời này chắc không còn ai khổ hơn mẹ con tôi. Trời đã bắt tội con tôi tật nguyền, nay lại bắt cả tôi què quặt, mù lòa nữa. Nhiều lúc nghĩ chỉ muốn chết đi cho rồi, nhưng thương con lại phải gượng dậy tiếp tục sống. Sống mà chẳng biết đến ngày mai ra sao!”.
Nhắc tới những ngày đầu tiên khi bà Oanh hạ quyết tâm sang chăm sóc mẹ con người hàng xóm bất hạnh, bà cho biết: “Tình cờ, một hôm tôi đi làm về đúng hôm trời mưa gió thì thấy cảnh bà Nhung đang dò dẫm nấu cơm. Khi chứng kiến bà Nhung ngã trước sân, tôi thương quá đến trào nước mắt rồi cứ vậy chạy vào giúp đỡ. Nhiều ngày qua nhà bà Nhung, tôi như nhìn thấy chính nỗi cô đơn, bất hạnh của mình ở gia đình người hàng xóm này. Bởi vậy, tôi đã quyết định sang giúp đỡ mẹ con bà ấy, mặc dù tôi biết sẽ vất vả gấp nhiều lần. Vậy là, suốt 6 năm qua, hàng ngày tôi đều thu xếp công việc gia đình để sang nhà hàng xóm dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước. Thậm chí, thương thằng Cò bị tật nguyền, tôi còn trực tiếp tắm rửa thay quần áo và vệ sinh cá nhân cho nó”.
Theo lời bà Oanh chia sẻ, nhiều người trong khu phố còn ái ngại không dám lại gần, chứ chưa nói tới chuyện tắm cho Cò. Nhưng đối với bà, bà thương Cò như con của mình nên bà giúp. “Cứ 2 ngày tôi lại sang nhà tắm cho Cò một lần. Chỉ thương nó hôm rồi tôi bị ốm đi viện 10 ngày, thì là 10 ngày Cò không được tắm. Nhà cửa thì bừa bộn, không người thu dọn bốc mùi hôi thối. Tôi về tới nhà, thằng Cò mừng rơi nước mắt, tiếng nó lắp bắp “Giờ bác không khác gì mẹ của cháus, vắng bác chắc cháu không sống nổi”. Đến bữa ăn, bà Oanh kiên nhẫn xúc từng thìa cơm cho Cò ăn, tận tụy, cẩn thận như chăm sóc cho chính con cháu của mình. Nhiều hôm nấu cơm cho gia đình cứ có món ăn nào ngon, món canh nào bổ, bà Oanh lại múc riêng ra bát phần cho 2 mẹ con người hàng xóm đáng thương. Nhiều hôm chăm lo cho hai mẹ con hàng xóm xong, bà Oanh lại tất tả đi làm ngay đến nỗi quên cả bữa ăn.
Nói về công việc mình làm, bà Oanh cho biết: “Sống gần mẹ con bà Nhung, chăm sóc cho họ lâu ngày đâm ra quyến luyến với họ. Tôi thương nhất là Cò, 30 tuổi đầu mà vẫn ngô nghê như đứa trẻ. Việc giao tiếp của Cò rất khó khăn, nếu không tiếp xúc với cậu ấy nhiều chắc không ai nghe được Cò nói gì. Nhiều hôm, có người tới chơi mà tôi cứ phải ngồi bên cạnh làm người phiên dịch”. Nhìn những cử chỉ, hành động chăm sóc tận tình của bà Oanh dành cho mẹ con nhà hàng xóm, nhiều người cứ ngỡ bà là anh em với nhà bà Nhung. Đã nhiều năm trôi qua, bà Oanh làm công việc đó như một thói quen và trách nhiệm của chính mình mà không một lời than phiền hay đòi hỏi gì. “Tôi chỉ bớt đi giấc ngủ trưa, một lát nghỉ ngơi mà giúp được hai người được sống vui vẻ, an nhàn hơn thì tại sao lại phải tiếc, phải tính toán. Tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn cần nhau nhất là những lúc như thế này”, bà Oanh chia sẻ.
Việc làm của bà Oanh khiến nhiều người cảm động và khâm phục. Có người thừa nhận rằng, nếu họ là bà Oanh chắc họ không thể có đủ nghị lực và tấm lòng để làm những điều tuyệt vời đó. Nhắc tới đây, bà Oanh mỉm cười nói: “Lúc đầu, con trai thương tôi vất vả công việc của hai nhà nên cũng can ngăn, nhưng thấy tôi quyết tâm và phân tích có cái lý, cái tình nên từ đó cháu nó cũng ủng hộ tôi. Còn có người bảo tôi rảnh việc, thân mình còn lo không xong còn bày vẽ lo người khác. Rồi bàn tán chắc tôi được lương từ mẹ con Cò, nên mới tới chăm sóc họ. Nhưng ai nói thì mặc người ta, tôi chỉ làm theo bản năng và tấm lòng của mình thôi. Giúp người cũng như giúp mình, coi như tôi sống để đức lại cho con cháu. Thôi thì, trời cho tôi còn khỏe mạnh ngày nào tôi sẽ còn lo cho mẹ con thằng Cò ngày ấy, có như vậy tôi mới thấy mình sống có ích ở trên đời”.