Người Sài Gòn tiếc nuối Thương xá Tax

Ngày 19/08/2014 18:01 PM (GMT+7)

Nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối, cảm thấy hụt hẫng khi Thương xá Tax cũng như một số công trình lâu năm phải di dời. Họ ước, có một phương án khác vừa giữ được những công trình này lại vừa có thể xây dựng các công trình mới.

“Ngậm” quả đắng vì tham hàng rẻ

Sau thông tin Thương xá Tax, một trung tâm thương mại sầm uất và lâu đời tại quận 1, TP.HCM chuẩn bị trao trả lại mặt bằng để phục vụ xây dựng tuyến Metro số 1 vào tháng 10, rất nhiều cửa hàng ở đây giảm gía mạnh để thanh lý hàng thì số lượng khách đến “săn” hàng giá rẻ đông nghịt. Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 19/8/2014, hàng nghìn người dân có mặt tại đây để mua sắm. Đông đúc nhất là tầng trệt của khu Thương xá, vì ở đây, các mặt hàng có mức giá trung bình từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn được trải ra giữa nền để bán.

Người Sài Gòn tiếc nuối Thương xá Tax - 1

Hàng nghìn người dân đến "săn" hàng rẻ

Nhiều người dân khi đến Thương xá Tax trong mấy hôm nay đều cố mua được một vài mặt hàng để đem về nhà. Do đó, cảnh tượng quen thuộc chúng ta dễ dàng nhìn thấy là mọi người khi ra về đều cầm trên tay một gói hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít người cảm thấy không hài lòng với cách giảm giá cũng như các mặt hàng đã mua được.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (36 tuổi, quận 2) chia sẻ: “Tôi nghe có giảm giá mạnh nên đến mua. Thấy nhiều cửa hàng để bảng giảm giá đến 70% thì tôi cũng cố gắng lựa. Tôi mua được chiếc váy để giá giảm 50% với số tiền 490 nghìn đồng. Thế nhưng, khi ra khỏi cửa hàng, đến chỗ vắng người, lấy ra xem lại thì bên dưới giá giảm cũng có một tờ giấy ghi giá là 500 nghìn đồng. Bực mình, tôi cầm tờ giấy này cùng hóa đơn đến cửa hàng để nói. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng giải thích, 500 nghìn đồng là giá khuyến mãi trước đây. Tôi biết mình bị lừa nhưng cũng không làm gì được”.

Trong khi đó, anh Mai Văn Hải (45 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng cho hay: “Tôi mua một đôi giày giá 1,4 triệu đồng với mức giảm 35%. Thế nhưng, khi mua xong, đem về nhà, một người bạn cho biết, ở trung tâm thương mại khác, cũng đôi giày đó được bán với giá chưa đến 1,5 triệu đồng. Tôi đem đôi giày cùng hóa đơn đến nói thì nhân viên cho biết, ở cửa hàng khác không biết, còn cửa hàng này 1,4 triệu đồng là đã giảm giá”.

Người Sài Gòn tiếc nuối Thương xá Tax - 2

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì hàng giảm giá không được chất lượng

Riêng chị Trần Thị Diệu Linh (29 tuổi, quận 3) chia sẻ: “Tôi đi cùng bạn bè, lựa được năm chiếc khăn choàng cổ với giá 80.000 đồng một cái. Mua xong, tôi đi một vòng, khi quay xuống lại thì cũng chỗ ấy lại rao giá là 50.000 đồng cái khăn choàng cổ. Tôi buồn rầu thì một người bạn cho biết, đó là chuyện thường tình. Khi có nhiều khách đến, người bán rao giá cao, còn khi ít người thì họ lại rao giá thấp hơn để thu hút khách mua”.

Chị Hồ Thị Thanh Tâm (38 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Tôi mua một chiếc khăn choàng cổ ở tầng trệt giá 50 nghìn đồng. Tôi cứ tưởng là mua rẻ. Thế nhưng, khi ra khỏi đám đông, xem lại thì chất liệu quá xấu, đường chỉ đã bị sút. Khi tôi quay trở lại thì nhân viên bảo, hàng giảm giá, mua rồi không trả lại”.

Mất một phần kỉ niệm

Bên cạnh những người đến Thương xá Tax để “săn” hàng giá rẻ, không ít người dân đến chỉ với một mục đích là mua sắm lần cuối hoặc ngắm nơi này trước khi bị di dời. Bà Trương Hoàng Thảo Trang (cán bộ về hưu) cầm trên tay chiếc áo mới mua chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi có người thân vào Sài Gòn chơi, tôi đều dẫn đến khu này mua sắm. Nay, nghe bảo nó sắp bị di dời, tôi cũng đến mua. Tôi không quan tâm hàng rẻ hay mắc mà coi như đó là một lời tiễn biệt. Có lẽ, đây là lần cuối cùng tôi mua sắm ở đây”.

Người Sài Gòn tiếc nuối Thương xá Tax - 3

Chủ cửa hàng phải đứng trên ghế cao để "quản" hàng hóa

Trong khi đó, ông Trần Văn Hậu (74 tuổi, quận 1) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, Thương xá Tax đã có. Lúc đó, cứ mỗi khi tôi học được điểm cao hay đạt được điều gì là cha mẹ lại thưởng bằng cách dẫn vào đây dạo chơi. Nó trở thành một phần kỉ niệm. Do đó, sau này, khi cha mẹ mất, mỗi khi buồn, tôi lại đến đây dạo một vòng. Thế nhưng, không còn bao lâu nữa, nó sẽ bị di dời, thay vào đó là khu tích hợp 40 tầng. Tôi cảm thấy tiếc vô cùng”

Bà Dương Thị Cẩm Hường (62 tuổi) rầu rầu: “Tôi sống ở khu vực quận 1, những hàng cây, công trình trên hai con đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ như vòng xoay, hồ nước Nguyễn Huệ, thương xá Tax, công viên Quách Thị Trang… đã trở thành một thứ quen thuộc trong cuộc sống. Thế nhưng, vì tuyến Metro mới, hầu hết tất cả những thứ ấy sẽ bị di dời hoặc bị phá bỏ làm sao chúng tôi không buồn được”.

Chị Vương Thị Hương lại cho hay: “Tôi lớn lên ở Sài Gòn. Lúc còn nhỏ, mỗi chiều, cha vẫn thường chở tôi đi quanh các công trình nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, nhà hát thành phố, Thương xá Tax… Lớn lên, mỗi khi vui buồn, tôi cùng bạn bè lại đi qua những nơi ấy. Chúng đã trở thành kỉ niệm của tôi. Giờ đây, một trong số chúng sắp biến mất khiến tôi buồn vô cùng”.

Người Sài Gòn tiếc nuối Thương xá Tax - 4

Cảnh mua bán tại Thương xá Tax mấy hôm nay luôn tấp nập

Anh Nguyễn Linh Văn (37 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Nhờ công việc của mình, tôi đã đến được nhiều nước ở châu Âu. Tôi thấy, ở những đất nước ấy, dù rất phát triển, các công trình mới liên tục mọc lên nhưng họ vẫn giữ nguyên những công trình kiến trúc đã được xây dựng hàng trăm năm. Tôi cứ băn khoăn mãi, tại sao Sài Gòn lại không chọn phương án ấy mà phải di dời Thương xá Tax, vòng xoay, hồ nước, hàng cây trên đường Nguyễn Huệ?”.

Chị Khương Thị Hoàng (41 tuổi, quận Thủ Đức) cho biết: “Tôi chỉ là người nhập cư nhưng đã sống tại Sài Gòn hơn 20 năm. Từ lâu, tôi đã xem thành phố này là quê hương thứ hai của mình. Tôi biết, trong thâm tâm nhiều người dân Sài Gòn lẫn người nhập cư sống lâu năm như tôi xem Thương xá Tax cũng như nhiều công trình kiến trúc khác như nhà hát thành phố, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… là biểu tượng của Sài Gòn. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng rằng, thành phố này phát triển nhưng những công trình ấy sẽ vẫn được giữ nguyên vẹn”.

Nhật Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot