Gần 10 năm nay, bà giáo dành dụm số tiền ít ỏi của mình để thành lập một trung tâm dạy nghề từ thiện và đón nhận những người khuyết tật kém may mắn để dạy dỗ, cưu mang.
Trong những chuyến đi thiện nguyện tại Trung tâm khuyết tật, cô thường hỏi: “Các con cần gì?”. Một trăm lần cũng như cả trăm, câu trả lời cô nhận được là: “Chúng con cần một cái nghề để sống không bị phụ thuộc”. Câu trả lời ấy chính là động lực giúp cô Đoàn Thị Hoa thành lập Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (Huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Chật vật lo 5 nghề cho các con
Những lớp học ở trung tâm đặc biệt, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều có điểm chung: bị khuyết đi một phần cơ thể. Người thì khiếm thính, người thì hỏng chân, hỏng tay…thậm chí có những người vừa câm, vừa điếc. Những số phận ấy từ mọi miền khác nhau tìm về với trung tâm để hy vọng giản đơn - “có 1 cái nghề” để sống.
Cô dạy các học trò của mình tỉ mỉ, ân cần và trách nhiệm. Thầy trò, "mẹ con" vẫn cười với nhau hạnh phúc như thế này khi làm việc
Những ngày đầu tiên khi có ý định gây dựng cơ sở, gia đình cô phản đối dữ dội. Chồng và các con cô đều khuyên can: Sức khỏe mẹ yếu, nuôi 1, 2 em đã khó khăn vất vả, giờ thêm vài chục người nữa sao mẹ gánh nổi. Người làng xóm quanh khu vẫn đùa: Cô "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” tự mua dây buộc mình. Họ ái ngại thay cho cô vì việc gom góp tiền và sức để nuôi dạy người khuyết tật đâu có dễ. Cô vẫn chỉ cười gạt bỏ hết. Bởi lẽ với cô, gây dựng một cơ sở dạy nghề từ thiện cho những người kém may mắn là tâm huyết xương máu suốt quãng đời còn lại của mình.
Sau quá trình dài vận động, nhờ sự trợ giúp của chính quyền và các chi hội, ngày 28/8/2007 cơ sở dạy nghề từ thiện bắt đầu thành lập. Không có vốn, cô bàn với chồng bán một mảnh đất góc vườn để lấy kinh phí xây xưởng. Một xưởng may rộng 50m2 được hoàn thành với 10 chiếc máy. Những học viên đầu tiên, có những em từ Lai Châu, Thanh Hóa và cả Hà Tĩnh cũng xin nhập học.
Chị Phạm Thị Bé là người gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu tiên
Những khó khăn bắt đầu nảy sinh. Vốn liếng cô dốc cạn vào việc xây dựng nhà xưởng và mua trang thiết bị. Cô trắng tay và lại chạy đôn đáo vay mượn thêm họ hàng, người thân để trợ giúp. Cô bảo: Cứ nghĩ mọi việc đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy khó khăn đến chừng nào. Các con ở mọi miền khác nhau, đủ các lứa tuổi, hoàn cảnh mỗi người một tính một nết. Việc gắn kết các con lại và đùm bọc như anh em trong gia đình lại là bài toán khó. Hơn nữa điều kiện để nuôi trung tâm đã nan giản, giờ thêm gần 10 học viên nữa: nuôi ăn, ở sinh hoạt cho các con như thế nào?
2 tháng trôi qua, mọi khó khăn cô vun vén, chu toàn. Một lớp học may được “khai giảng” chính thức. Nghề học may đòi hỏi phải kiên trì và khéo léo. Có những học viên sức khỏe yếu, mất kiên trì và nản sớm. Nhìn các con bất lực, tuyệt vọng cô lại thức trắng đêm để suy nghĩ tìm thêm một nghề mới dành cho những người không đủ sức khỏe.
Cô hỏi kinh nghiệm và lại lần mò cách dán vàng mã rồi về dạy các con. Cô bảo, tưởng dễ dàng nhưng các con ngồi hì hụi cả ngày không được một tập giấy để trả khách. Vàng mã có đặc điểm giấy đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng… chân tay các con khua khoắng toán loạn nhoe nhoét cả mặt mũi, đầu tóc. Vàng mã đa số là giấy, nỗi lo về cháy lửa lại xuất hiện. Thương các con, lo cho sự an nguy của cả xưởng, cô lại ngừng việc dán vàng mã và nghĩ sang hướng tìm việc khác.
Đến với nghề móc thảm thuê, cô chật vật vì bị khách trả hàng lại, không nhận. Móc thảm đòi hỏi sự khéo léo và đôi tay khỏe mạnh. Các học viên của cô tay chân yếu, đường móc lỏng lẻo, xù xì. Thêm một lần nữa mẹ con lại tìm kế mới để dìu dắt nhau.
Cô cử một giáo viên khác trong cơ sở đi sang Móng Cái, giáp Trung Quốc để học lớp làm hoa lụa. Một tuần lang bạt ở đó, nghề làm hoa lụa cũng được truyền dạy ở trung tâm nhưng cũng thất bại. Số công sức, tỉ mỉ bỏ ra quá nhiều mà mẹ con đi bán ngoài thị trường thì lại chẳng được là bao, vẫn lỗ vốn. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt qua 4 nghề, cuối cùng cô lần tìm được cách làm tranh giấy xoắn và đã thành công cho đến tận bây giờ.
Làm đồ, tranh từ giấy xoắn hiện đang là nghề gắn bó lâu nhất ở Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa
Hiện tại, trung tâm đào tạo 2 nghề chính là nghề may và nghề làm thủ công giấy xoắn. Cô vừa tạo công ăn việc làm, vừa lo chỗ ăn nghỉ cho hơn 50 học viên. Có những trường hợp, gắn bó với cô từ những ngày đầu tiên thành lập, sinh và nuôi con ngay tại trung tâm.
Nuôi dạy cả mẹ và con
Trong những câu chuyện của các anh chị ở trung tâm tôi nghe họ kể nhiều về cô. Cô vừa là người trực tiếp giảng dạy cho các con nghề, vừa là người lo từ bữa ăn giấc ngủ. Hình ảnh bà giáo trước mắt họ như một hình tượng mẫu mực về sự bao dung và đầy lòng trắc ẩn. Có những trường hợp cô cưu mang cả mẹ lẫn con, từ lúc đứa trẻ còn đỏ hỏn.
Có nhiều cặp khiếm khuyết đến Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa và nên đôi nên cặp. Gia đình các em nhất mực phản đối. Bởi quan niệm của họ, nhà có 1 người tật nguyền đã khổ giờ lại cả hai. Cô lại đứng ra lo lắng, thuyết phục. Cặp đôi Tuyết –Tuyên (Chùa Đậu, Thường Tín) giờ đã nên vợ nên chồng. Thỉnh thoảng, anh chị vẫn đến thăm cô, biết ơn và đầy kính trọng.
Bé Nguyễn Thu Hiền vào Trung tâm với mẹ. Cô cưu mang xin cho Hiền đi học ở trường xã Hữu Hòa
Chi Phạm Thị Bé, nhà ở Vĩnh Quỳnh có lẽ mang ơn cô đến suốt cuộc đời. Chị đến với cô từ ngày đầu tiên gây dựng cơ sở. Cô cưu mang chị chỗ ăn ở lẫn dạy dỗ việc làm. Bị khuyết tật 2 chân nhưng khát khao ngày được làm mẹ vẫn không bao giờ ngừng cháy.. Hơn ai hết, chị vẫn muốn có một mụn con để sau này về già khi không còn khả năng tự lo cho bản thân được nữa, chị còn có đứa con mà nhờ cậy.
Ngày chị ngỏ lời xin cô qua lại với một người đàn ông để có đứa con, hai mẹ con cứ ôm nhau nghẹn ngào khóc. Cô đồng ý, bởi ước mơ làm mẹ của chị không có tội.
Gánh nặng trên vai cô thêm một phần bởi dưỡng dục thêm 1 đứa trẻ con đâu phải chuyện đơn giản. 1 tháng 20 ngày sinh con, chị chuyển từ nhà mẹ đẻ xuống hẳn Trung tâm để đến với bà giáo. Cô tận tụy săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và kiêm cả việc phụ chị giặt quần áo cho cháu con. Những năm tháng dưới mái ấm tình thương đã nuôi dưỡng thêm hy vọng để chị có thêm động lực để sống tiếp. Chị vẫn đùa, cuộc sống của chị giờ chia làm 3: chị sống vì u Hoa, chị sống cho bản thân và sống cho cả bé Tiến con chị.
Với các học trò, U Hoa vừa là thầy, vừa là mẹ
Gần 10 năm nay, cô vừa là thầy kiêm luôn làm mẹ cho gần 50 đứa con. Các thế hệ học trò đến với cô, giờ đã có người lập gia đình sinh con đẻ cái và có cuộc sống sung túc, bình an hơn. 10 năm qua là quãng thời gian cô lặng lẽ cống hiến, dốc lòng cho sự nghiệp trồng nghề, trồng người bù đắp thiệt thòi với những số phận đặc biệt kém may mắn. Với cô, 10 năm trước, bây giờ hay tương lai sau này tình yêu với trung tâm và với các con vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu tiên cô nhọc nhằn lập cơ sở.
Ngày chúng tôi đến, giáp 20/11, các con vây quanh cô hỏi thăm tâm sự. Nhóm học trò trêu nhau: “Ngày nhà giáo năm nay, mọi người không tặng u Hoa gì à”.Cô hiền từ, ôm lấy một học trò bé nhất: “Các con mạnh khỏe, cười nhiều mà món quà tri ân tuyệt vời và vô giá nhất, cô chẳng cần gì hơn”.