Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn

Ngày 15/11/2019 16:01 PM (GMT+7)

Tuổi thơ cũng là trẻ cơ nhỡ, Gia Trác Hưng quyết định quy tụ thanh thiếu niên cùng hoàn cảnh với mình thành lập đội lân. Gần 10 năm, nhiều thế hệ đã gọi anh là "Sư phụ", không phải chỉ vì dạy múa lân, anh còn dạy anh em nhảy múa với cuộc đời.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 1

Chàng thanh niên với bề ngoài to khỏe, rám nắng, đôi mắt vui tươi, đứng quan sát từng em nhỏ tung người trên không. Gia Trác Hưng vẫn luôn làm công việc tương tự như vậy, lặp đi lặp lại trong gần 10 năm qua.

Gia Trác Hưng là nghệ danh khi anh chọn theo nghiệp cầm đầu lân, đầu rồng. Tên thật của anh là Lê Văn Nam, là Trưởng đoàn múa lân Long Nhi Đường. Trò chuyện với Hưng, anh luôn tạo cho người đối diện cảm giác dễ mến và thân quen. “Tui sao cũng được. Thích nghe Hưng hơn, nhưng gọi Nam cũng là tên", Hưng vừa cười nói, vừa không ngừng chú ý việc biểu diễn của các em.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 2

Long Nhi Đường bước vào buổi biểu diễn bằng tiếng chào, đối đáp bằng dạ thưa

Gần cuối năm nhưng tiết trời Sài Gòn buổi sáng vẫn rất oi bức. Hưng và các em đang đợi quan khách tới đủ mới có thể biểu diễn. Đây chỉ là một buổi khai trương cửa hàng nhỏ, nhưng các em trong đội lân Long Nhi Đường rất chỉnh tề và nghiêm túc.

Hiếu (18 tuổi) - một bạn trong đội lân Long Nhi Đường - nói: “Em theo Sư phụ được 7 năm rồi. Lúc trước em hay hỗn láo với cha mẹ, không có tôn trọng người lớn. Ban đầu em vô đây chơi cho vui thôi, chứ em không thích múa lân đâu”. Rất nhiều anh em tại Long Nhi Đường đến với Hưng tương tự như trường hợp của Hiếu.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 3

Những thành viên trong đội lân Long Nhi Đường

Ngay từ thời điểm mới lập đoàn, Hưng nhận thấy cách nhìn của xã hội đối với nghề múa lân không được thiện cảm. “Người ta nhìn tụi tui toàn nói là mấy đứa mồ côi, toàn tập hợp trộm cắp. Múa lân thì chắc là không tốt lành gì mới tham gia...”, Hưng kể. Vì thế, anh quyết định phải thay đổi bản thân, thay đổi các em của mình trước khi thay đổi được cái nhìn của xã hội.

Hưng quan niệm “lời chào cao hơn mâm cỗ”, nên anh bắt đầu bằng lời ăn, tiếng nói của các thành viên trong đoàn. Hai lứa đầu của Long Nhi Đường phần lớn là ngang tuổi và lớn hơn Hưng. Anh cảm thấy quá khó khăn trong việc trao đổi, hay hướng dẫn những anh em này. Hưng cười nói: “Lâu lâu họ quên, toàn kêu tui mày tao không. Nên sau đó, tui mới lấy nghệ danh, xong nói tuổi giả luôn. Lớn hơn nói họ mới nghe chứ biết tuổi thiệt, chắc nói không được". Nhưng nhờ vậy, nhiều Long Nhi thế hệ đầu lại thấy biết ơn vì việc giấu tuổi của Hưng.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 4

Trước cửa vào phòng thờ tổ và phòng ngủ, trên tường là 2 tấm bảng nội quy cho việc luyện tập và sinh hoạt hằng ngày. Hưng nói anh tham khảo từ nội quy các trường, từ quân đội và từ mọi nội quy mà anh đã đọc qua. Cứ như vậy, trong gần 10 năm, Long Nhi Đường bước vào buổi biểu diễn bằng tiếng chào, đối đáp bằng dạ thưa và ra về bằng lời cảm ơn mọi người đã đến. Hưng gọi đó là cách “tiếng lành đồn xa, người ta thấy thương cũng tự kiếm tới mình à".

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 5

Tấm bảng nội quy của Long Nhi Đường

"Dùng múa lân hướng các em đến con đường học để có tương lai tốt"

So với các đoàn lân khác, Long Nhi Đường là một trường hợp đặc biệt, với các thành viên đặc biệt. Ngay từ thời điểm thành lập, Gia Trác Hưng đã xác định múa lân là sân chơi và là một cái nghề để kết nối.

Múa lân chỉ có đất diễn vào những dịp như Trung Thu hay Tết Nguyên Đán, còn lại trong năm thì thưa thớt. Vì thế, anh dùng múa lân để quy tụ trẻ em, một mặt anh hướng các em đến con đường học để có tương lai tốt.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 6

Các thành viên được học tiếng Anh, tiếng Trung ngay tại đoàn quán.

Hưng nhấn mạnh: “Tui muốn mấy em phải có cái nghề riêng, được định hướng tốt, có ngoại ngữ chứ múa lân chỉ cho vui thôi". Từ nhận định đó, Hưng duy trì việc luyện tập, kiếm nơi diễn để nuôi dưỡng tình yêu nghề cho cả đoàn. Anh liên hệ với các tổ chức giáo dục phi chính phủ để hỗ trợ thêm cho các em của mình. Hưng còn trích tiền biểu diễn để giúp các em và chính mình học tiếng Anh, tiếng Trung ngay tại đoàn quán.

Tại Long Nhi Đường, cách tổ chức của Hưng rất quy củ. Mọi người luân phiên các công việc như chuẩn bị ăn uống, dọn dẹp nhà cửa và bảo trì trang thiết bị biểu diễn. Xen kẽ là các giờ đi học, đi làm của mỗi người. 19h hằng ngày, mọi người sẽ phải đến sân tập theo quy định trong nội quy đoàn.

Sự chặt chẽ trong việc quản lý và chân thành trong cách cư xử giúp Hưng làm được hai điều: một là đảm bảo các em trở thành người có nhân cách tốt, hai là gìn giữ được niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng.

Tâm niệm từ đầu của Hưng khi lập đoàn là gìn giữ ngọn lửa nghề trong các em, nhưng cũng muốn các em phải có một cái nghề chính thức khác ngoài nghiệp cầm lân. Do vậy, anh chẳng khi nào có những lời nói, hay có hành động ép các em theo cái nghề biểu diễn cực khổ này.

Học lỏm thành Sư phụ

Hưng có tuổi thơ cơ cực, mồ côi khi còn là học sinh tiểu học. Anh lao vào kiếm sống với bất cứ công việc gì từ bán vé số, nhặt ve chai, đấm bóp tay chân.... Năm 16 tuổi, khi đã quen với cảnh đời, anh bắt gặp những đứa trẻ cơ nhỡ và nảy ra ý tưởng tạo một sân chơi lấy niềm vui và tạo cảm hứng trước cho trẻ em cơ nhỡ trong khu vực. “Tui thấy mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng thích múa lân, nên tui chọn con lân để làm quen với tụi nó. Tụi nhỏ thì phải có chơi trước, mới nói chuyện hay học được”, Hưng kể.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 7

 Những thành tích mà đội lân của Trác Gia Hưng đạt được trong những năm qua

Hưng lúc đó chỉ là một thiếu niên 16 tuổi, không có gì trong tay ngoài vốn sống học ở trường đời. Anh bắt đầu học lỏm từ những đoàn lân lớn tại Sài Gòn và từ internet. Sự kiên trì đứng trước cửa các lân đoàn lớn của Hưng cũng được đền đáp. 

Những thành viên trong đội Long Nhi Đường luôn dành cho Hưng sự nể phục và lòng biết ơn. Bạn Minh (một thành viên trong đôi lân) cho biết ngày xưa em không thích múa lân, vô chơi cho vui mà cuối cùng đã trụ lại với Sư phụ khá lâu. Chàng thanh niên 18 tuổi thật thà nói: “Sinh hoạt vài tháng em thấy như được truyền cảm hứng, rồi thích con lân luôn. Sư phụ còn dạy cho em lễ phép, kính trọng, nhất là em đã yêu quý gia đình em hơn”.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 8

Hiếu cũng khẳng định nhiều bạn cùng lứa với em sẽ tiếp tục gìn giữ nghề múa lân cho Sư phụ. Đồng thời, cũng sẽ làm một nghề khác để giúp đảm bảo cuộc sống cá nhân cũng như duy trì hoạt động biểu diễn của Long Nhi Đường.

Còn đối với Hậu (13 tuổi, vào ở lân đoàn được 2 năm), khi PV hỏi chỗ thầy Danh (dự án Pointsport) với chỗ Sư phụ, chỗ nào vui hơn. Hậu bảo chỗ nào cũng vui như nhau, dù chỗ của Sư phụ phải làm việc nhà, nhưng mà Sư phụ tính tình vui vẻ, với lại ai cũng muốn làm giúp Sư phụ, nên vẫn thấy vui lắm.

Hậu kể thêm: “Con thích múa lân lắm, nhưng mà con mới tập lắc đầu lân nhỏ thôi. Còn thường con múa đuôi, tại con mập quá”. Hậu và các em nhỏ đồng lứa hằng ngày đều cố gắng làm xong mọi việc trước 18h, để còn kịp đến sân tập với Sư phụ.

Hiện tại, Hưng đang ấp ủ một dự định, mỗi tháng anh sẽ vận động xung quanh, rồi mang lân đem tặng cho trẻ em nghèo ở một nơi nào đó. Hưng hy vọng một ngày, tinh thần của Long Nhi Đường sẽ hiện diện ở khắp Việt Nam.

Người thầy không bục giảng: Sư phụ dạy cho em biết yêu quý gia đình hơn - 9

Tạm gác lại ước mơ, Hưng giục các em nhỏ lên chiếc xe lam. Chiếc xe mà Hưng dùng kiếm sống hằng ngày, dùng cho đội lân di chuyển, dùng để chở các em đi học. Đỡ giùm Hậu chiếc xe đạp lên xe lam, Hậu nói: “Dạ con cảm ơn. Sáng tại Sư phụ với mấy anh đi diễn, nên con đi xe đạp. Mấy em nhỏ thì đi xe ôm. Giờ con về rửa chén rồi chiều tối đi tập nữa”. Sư phụ của Hậu, ngồi trước xe đang cười ha hả. Thật sự, vị Sư phụ này không chỉ dạy múa lân sư rồng, anh còn dạy các em nhảy múa trước nghịch cảnh cuộc đời.

Sử dụng nghệ thuật biểu diễn truyền thống để làm cầu nối giáo dục, Hưng cũng không hình dung cụ thể điều đó là như thế nào, nhưng cách mà anh áp dụng để hướng dẫn anh em tại Long Nhi Đường trong 10 năm qua, không phải nhà giáo dục nào cũng làm được.

Anh Lê Thanh Danh, quản lý dự án Pointsport, thuộc tổ chức phi chính phủ Poussières de Vie (PdV) cảm nhận: “Các em ở Long Nhi Đường được gửi tại đây rất ngoan, có phần được giáo dục khá chuyên nghiệp. Phương pháp của Nam (Hưng) tôi cho là hợp lý. Ban đầu tạo sân chơi, để tạo động lực, từ việc thích múa lân, mới khuyến khích các em học hỏi để có thể múa lân đẹp hơn, phát triển đội mạnh hơn. Sau cùng mới nói được chuyện học tập và giáo dục với các em".

Những phong tục thú vị trong Ngày Nhà Giáo trên thế giới
Ngày Nhà giáo ở Hoa Kỳ có muộn hơn ở Việt Nam 27 năm.
T.A.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11