Nguyên tắc vàng mẹ cần THỰC HIỆN trong 24 giờ ngay khi phát hiện con bị xâm hại tình dục

Ngày 15/03/2017 16:38 PM (GMT+7)

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phát hiện trẻ bị xâm hại, bố mẹ nên làm gì trong 24h đầu tiên", các chuyên gia đã đưa ra những nguyên tắc vàng mẹ cần thực hiện trong 24 giờ ngay khi phát hiện sự việc.

Mới đây, liêp tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội, đặc biệt là những người đang làm cha, làm mẹ.

Tuy nhiên, khi phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, nhiều phụ huynh tỏ ra lúng túng trong việc đưa ra hướng giải quyết. Phản ứng không đúng đã vô tình đẩy trẻ đến những thương tổn tâm lý nặng nề hơn, tạo thành vết khoét sâu trong tâm hồn của trẻ. Đồng thời nhiều bằng chứng pháp lý nếu có cũng bị xóa dấu vết.

Nguyên tắc vàng mẹ cần THỰC HIỆN trong 24 giờ ngay khi phát hiện con bị xâm hại tình dục - 1

(Ảnh minh họa)

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến: "Phát hiện trẻ bị xâm hại, bố mẹ nên làm gì trong 24h đầu tiên" do Tạp chí điện tử Khám phá phối hợp với trang thông tin điện tử Eva.vn - chuyên trang về phụ nữ và gia đình tổ chức trưa ngày 15/3, hai chuyên gia Luật sư Đào Thị Bích Liên- Chi hội phó chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Ý tưởng Việt đã đưa ra những "NGUYÊN TẮC VÀNG" cha mẹ KHÔNG ĐƯỢC QUÊN.

Khi phát hiện con mình có dấu hiệu bị xâm hại, ta nên làm gì trong vòng 24 giờ đầu tiên? 

Việc đầu tiên là chú ý là dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại:  

- Trẻ buồn hơn thường ngày, hay ngồi một mình lo lắng.

- Khi ngủ hay mơ la hét, hoảng loạn. 

- Cha mẹ chạm vào người, con sẽ giật mình phản ứng, không muốn cho chạm vào.

- Khi tiếp xúc với người giống với đối tượng xâm hại, trẻ thường sợ, né tránh.

Những điều cần làm trong 24h đầu tiên:

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.

Về mặt tâm lý, theo Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Ý tưởng Việt, xưa nay theo văn hóa chung của người Việt Nam, cha mẹ thấy con có lỗi hay la mắng, trách móc con và cho rằng đó là lỗi của con như Tại sao không chạy đi? Sao con không phản ứng? Sao không biết bảo vệ mình?… Trong khi đó chúng ta chưa trao cho con kỹ năng nào để bảo vệ bản thân và càng khiến cho trẻ hoảng sợ.

Như vậy, nếu con trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục thì điều cần thiết cha mẹ phải hiểu là trẻ không bao giờ có lỗi. Con là nạn nhân, không biết mình bị xâm hại và không có sức kháng cự lại. Chúng ta phải nhẹ nhàng trò chuyện với con như “Con không có lỗi trong chuyện này, mẹ hoàn toàn tin tưởng những gì con chia sẻ”. Cha mẹ trò chuyện càng nhiều càng tốt để lấy thêm chứng cứ.

"Chuyện cha mẹ giữ được sự bình tĩnh trong trường hợp này là rất quan trọng. Sự việc đau lòng đã xảy ra với con rồi, bây giờ mình làm thế nào để mình giải quyết tốt nhất cho con. Ba mẹ cần nghĩ đến điều này. Để bình tĩnh thì tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta cần trò chuyện với con cái bằng một cái ôm nhẹ nhàng, cho trẻ thấy rằng trẻ không hề có lỗi", chuyên gia tâm lý Mỹ Hạnh đưa ra lời khuyên. 

Mặt khác, cha mẹ phải nhấn mạnh rằng, những kẻ đụng đến con mới là người xấu, cần phải bị pháp luật trừng phạt.

Với sự chân thành, khéo léo của mẹ, con mới dễ dàng bộc lộ tâm tư và yên tâm khi có mẹ bảo vệ.

Khi hỏi chuyện con, cha mẹ hãy bật điện thoại ghi âm lại lời con vì có thể con chỉ kể đúng 1 lần. Tránh để con phải nói đi nói lại việc bị xâm hại nhiều lần, vì sẽ làm cho trẻ bị ám ảnh nhiều hơn.

Chuẩn bị chứng cứ: Luật sư Đào Thị Bích Liên - Chi hội phó chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đưa ra lời khuyên cha mẹ cần làm các bước sau: 

Nguyên tắc vàng mẹ cần THỰC HIỆN trong 24 giờ ngay khi phát hiện con bị xâm hại tình dục - 2

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Luật sư Đào Thị Bích Liên

- Ngay sau khi trò chuyện nhanh với con, cha mẹ cần kiểm tra cơ thể con, lấy điện thoại chụp lại những vết xước trên tay, đùi hay cơ quan khác như hậu môn, vùng kín…

- Cha mẹ không được tắm rửa, giặt giũ quần áo lót của con... để tránh mất dấu vết. Hãy giữ nguyên hiện trạng.

- Dân ngay con đến trung tâm y tế, trưng cầu pháp y để có những bằng chứng cụ thể. 

- Nhanh chóng làm đơn tố cáo gửi công an kèm theo bằng chứng. Cùng với đó, cha mẹ cũng làm đơn đề nghị công an viết giấy giới thiệu trung tâm giám định pháp y. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố sau này. Tránh để vụ việc xảy ra quá lâu bị xóa dấu vết.

- Sau đó chúng ta không cho trẻ tiếp xúc nữa. Việc tiếp xúc với các cơ quan chính quyền như Hội bảo vệ bà mẹ, trẻ em, cơ quan truyền thông… cha mẹ với vai trò là người giám hộ có thể làm việc này, không cần trẻ phải tham gia.   

Dắt trẻ đi "ba mặt một lời" với kẻ xâm hại, chọn cách im lặng bỏ qua đều là SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG, cha mẹ tuyệt đối không được mắc phải

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, nhiều cha mẹ sau khi nghe con kể bị xâm hại tình dục liền dắt trẻ đi đối chứng "ba mặt một lời". Tôi khẳng định đây là một hành động SAI LẦM.

Nghi phạm xâm hại trẻ thường là người lớn, khi ba mặt một lời trẻ không thể nào cãi lại hoặc đối chứng về mặt lý lẽ để thắng người lớn được. Cha mẹ cần phải cực kỳ thông minh trong vấn đề này. Rõ ràng khi mang con mình ra đối chứng với người lớn, con trẻ sẽ thua. 

Nghi phạm xâm hại chắc chắn sẽ chối tội, dùng lời lẽ đe dọa, ánh mắt hằn học với trẻ, khiến trẻ trở lại nỗi ám ảnh khi bị xâm hại. Nỗi sợ trong trẻ vì đó mà tăng lên. Trẻ sẽ nghĩ chính mình là nạn nhân, chính trẻ là người có tội lỗi và trẻ sẽ nói dối liền. 

Trong đầu trẻ sẽ nảy sinh tâm lý: “Con không muốn nói chuyện này nữa, không có chuyện này đâu” để muốn chấm dứt mọi việc cho nhanh, không bị người lớn bắt kể đi kể lại sự việc.

Tôi nghĩ chuyện trẻ nói dối lần sau hoặc có những thông tin không đúng so với ban đầu là do cách ứng xử của chúng ta không tốt vì bắt trẻ nói đi nói lại nỗi đau mà trẻ gặp phải và gặp những câu hỏi của người lớn làm cho trẻ bị tổn thương. Cha mẹ hết sức chú ý: không cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, chỉ một lần duy nhất với cha, mẹ mà thôi.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh, khi trẻ bị xâm hại, nhiều gia đình đã chọn cách im lặng cho qua mọi chuyện. Đây cũng là một sai lầm.

Mọi người nghĩ rằng, kiện cáo sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của con cũng như danh tiếng gia đình. Tuy nhiên, càng im lặng thì nỗi đau và tổn thương càng theo suốt con trẻ cho đến khi trưởng thành.

Thực tế, nhiều cô gái bị xâm hại khi còn nhỏ, lớn lên rất sợ đàn ông, không dám lập gia đình hoặc khi người yêu có hành động thân mật, yêu thương thì hoảng hốt và sự ám ảnh đó theo suốt cả đời.

Chứng cứ yếu sẽ tạo điều kiện cho thủ phạm cao chạy xa bay

"Tôi tham gia Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM được 2 năm nhưng hành nghề luật sư đến nay đã 12 năm. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều những vụ xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại đủ thành phần, không chỉ là hàng xóm, ông, dượng thậm chí đến cả cha ruột nữa. Tôi được chứng kiến rất nhiều trường hợp thương tâm. Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng có cách ứng xử giống nhau hết.

Có những bà mẹ trong lúc con bị xâm hại xử lý một cách bình tĩnh, khéo léo, làm đúng theo quy trình khi mà con bị xâm hại. Nhưng đôi khi có những bà mẹ lại không biết cách xử lý như thế nào.

Khi người ta đến gặp luật sư thì sự việc đã xảy ra cả tháng trời, chứng cứ mất hết, vụ án không thể khởi tố. Lúc đó, người mẹ chỉ biết khóc thôi.

Với các vụ xâm hại trẻ em, chứng cứ là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp đó, nếu bà mẹ không biết cách xử lý như thế nào thì vô tình tạo điều kiện cho thủ phạm cao chạy xa bay".

Luật sư Đào Thị Bích Liên - Chi hội phó chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

Xem lại buổi tọa đàm "Phát hiện trẻ bị xâm hại, bố mẹ nên làm gì trong 24 tiếng đầu tiên?" tại đây:

Tào Nga - Đỗ Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xâm hại trẻ em