Là người gắn bó với gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong một khoảng thời gian tương đối dài, TS.BS Phạm Tỵ (nguyên Giám đốc BV Đa khoa Bình Định) vẫn nhớ như in những kỷ niệm với ông Sáu.
Theo lời kể của TS.BS Phạm Tỵ (nay là Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), năm 2009, ông và Bệnh viện Đa khoa Bình Định có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho con gái nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cũng chính thời gian này, ông có cơ hội tiếp xúc nhiều với cá nhân và gia đình ông Sáu Khải nên phát hiện ra “biệt tài” của người từng đứng đầu Chính phủ với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Tỵ (bìa trái) trong lần thăm lại gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tháng 6/2009, sau một thời gian dài chạy chữa cho con gái là Phan Thị Bạch Yến mà không có kết quả khả quan, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tìm tòi và tiếp cận với phương pháp điều trị của TS BS Phạm Tỵ.
Sau nhiều lần trao đổi và quyết định để TS BS Phạm Tỵ thực hiện ca phẫu thuật, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã giúp con gái có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, TS BS Phạm Tỵ cho biết, ban đầu, thông qua lãnh đạo tỉnh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải liên lạc với ông và sau đó hai người trực tiếp trao đổi với nhau.
Lần đầu tiên gặp nguyên Thủ tướng, TS.BS Phạm Tỵ không giấu được phút bối rối. Ông nói: “Lần đầu tiên được gặp nguyên lãnh đạo cấp cao, tâm lý tôi có chút lo lắng. Tuy nhiên, khi gặp rồi, ông dẫn dắt câu chuyện và khiến mình tự phá đi “tảng băng” khoảng cách lúc nào không hay và sau đó say sưa đi vào chuyên môn chính của một người bác sỹ.
Đây chính là “biệt tài” của ông Sáu Khải mà không phải ai cũng làm được. Ông năm bắt được tâm lý của người đối diện để dẫn dắt câu chuyện một cách ý nhị nhằm xua tan khoảng cách để hai bên đi vào chủ đề chính là chuyên môn y khoa”.
Trong quá trình làm việc dù ngắn ngủi nhưng ông vẫn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Trước khi tiến hành ca mổ, ông yêu cầu phân tích mọi khía cạnh một cách kỹ lưỡng. Dù lúc đó ông cũng lớn tuổi và không quá rành về chuyên môn y khoa nhưng ông vẫn phản biện các vấn đề một cách rất khoa học.
Ảnh chụp lưu niệm với gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tôi nghĩ nếu một người có kiến thức sâu về y khoa thì khi phản biện cũng hỏi đến như bác Khải hỏi tôi mà thôi. Có thể nói trước ca mổ cho chị Yến, việc phản biện giữa hai bên chẳng khác nào mổ xẻ một đề tài khoa học.
Ông Sáu Khải phản biện nhưng rất ý nhị, ở vị thế của ông có thể đặt vấn đề theo cách đưa ra “mệnh lệnh” nhưng ông không bao giờ làm vậy. Ông đưa đẩy câu chuyện rất thân tình và dĩ nhiên ông đạt được mọi điều ông muốn là thỏa mãn những gì ông đang chưa rõ hoặc đang băn khoăn.
Sau khi thảo luận kỹ và quyết định thực hiện ca mổ, ông để sự việc tự diễn tiến một cách bình thường. Kíp mổ không đối diện với bất kể một áp lực nào và chúng tôi thực hiện công việc với tâm thế thoải mái nhất. Đó cũng chính là yếu tố giúp ca mổ có kết quả khả quan”.
Sau ca mổ thành công, sức khỏe của chị Yến con gái ông Sáu Khải tốt dần lên, BS Tỵ nhiều lần ghé thăm bệnh nhân đặc biệt này và nhận được sự đón tiếp chân tình của gia đình nguyên Thủ tướng.
Nói về sự lo lắng, tình cảm của người cha già dành cho con gái trong lần may mắn có thời gian tiếp cận cả hai, BS Tỵ cho rằng dù lúc đó ông Sáu Khải cũng đã già, con gái ông cũng đã lớn tuổi nhưng tình cảm mà ông Khải dành cho con gái khiến ai chứng kiến cũng phải cảm động.
“Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, ông vẫn tìm tòi, lặn lội tứ phương để mong mỏi tìm được cách chữa bệnh cho con. Khi con nằm viện hai vợ chồng ông Sáu Khải vẫn chăm con rất chu đáo, tận tụy.
Mấy năm sau, khi tôi tới thăm nhà, họ vẫn đón tiếp tôi một cách chân tình, ông Sáu lúc nào cũng giản dị, gần gũi” - TS.BS Phạm Tỵ nhớ lại.