Nhà hàng cho khách tái dùng khăn tẩm hóa chất

Ngày 29/05/2013 08:29 AM (GMT+7)

Chủ quán bán một chiếc khăn lạnh cho khách với giá 2000 đồng/chiếc, nhưng sau khi khách sử dụng xong, nhà hàng nhặt lại chiếc khăn bẩn đó tẩy rửa, đóng bao bì như mới để tái sử dụng.

Tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại, hết ngày này qua ngày khác. Thế nhưng, thực khách vẫn không hề hay biết.

Kiểu phục vụ kỳ quái

Hiện nay, ở hầu hết các quán ăn, quán nhậu, quán cà phê, … thay vì sử dụng chiếc khăn lạnh như trước kia, người ta đã sử dụng những chiếc khăn ướt dùng một lần, với giá 2000 – 3000 đồng/chiếc, rồi sau đó … vứt đi. Thế nhưng, vẫn còn một số quán ăn sử dụng chiếc khăn lạnh tự sản xuất bán cho khách, rồi lại tiếp tục tái sản xuất đến ...n lần để bán lại lấy lời.

Một lần, chị Anh (ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) đi ăn bánh xèo ở một quán trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp), do đường bụi nên chị có gọi một chiếc khăn lạnh để sử dụng, có giá 2000 đồng/chiếc. Lúc mới cầm chiếc khăn lên, chị có cảm giác mát và tiện sử dụng. Ngay sau đó, chị Anh dùng để lau mặt, lau tay và cổ. Nhưng chỉ được một lúc, chị Anh cảm giác da tay, da mặt của mình bị rát. Sang ngày hôm sau, hai bàn tay chị Anh tê cứng, da mặt dày lên, cảm giác rất khó chịu.

Và để khẳng định những cảm giác khó chịu trên cơ thể của mình là do dùng chiếc khăn lạnh ở quán ăn, một lần nữa, chị quay lại quán bánh xèo và sử dụng chiếc khăn thì những cảm giác khó chịu như đã nói trên lại tiếp tục tái phát.

Chúng tôi đã tìm đến quán bánh xèo mà theo địa chỉ chị Anh cung cấp để được mục sở thị. Và quả đúng như lời chị nói, khăn lạnh ở đây bán với giá 2000 đồng/chiếc. Nhìn bên ngoài, chiếc khăn rất bắt mắt, trắng, mát lạnh và tiện sử dụng, nhưng trên bao bì không đề nơi sản xuất. Chúng tôi gọi khăn dùng, ngay khi vừa mới lau, da tay đã có cảm giác đỏ rát. Theo quan sát, một nhân viên trong quán cặm cụi đi nhặt từng chiếc khăn mà khách vừa vứt xuống, cho vào túi ni lông cất đi. Hỏi thì được nhân viên quán ăn hồn nhiên cho biết: “Những chiếc khăn này có thể sử dụng được nữa thì mình có thể tận dụng, không thì uổng”.

Vì chủ quán cũng cho hay, những chiếc khăn này do quán tự sản xuất, không chỉ quán này mà còn nhiều quán khác cũng làm vậy. “Khăn chúng tôi tự mua về rồi tự làm lạnh và mang bán cho khách. Nếu cứ một lần sử dụng mà đã mang vứt đi rồi lại mua khăn khác vè làm lạnh thì với giá 2000 đồng/chiếc, quán sẽ không có lời. Chi bằng, sau khi khách sử dụng, mình lấy khăn lại rồi tẩy giặt, bán lại thì sẽ tiết kiệm và có lời. Với lại, khách dùng những chiếc khăn này cũng giống như dùng chiếc khăn lau mặt ở nhà thôi”.

Và sau khi tính tiền, nhìn thấy chúng tôi mang những chiếc khăn đã sử dụng đi về thì vị chủ quán đến giằng lại với lý do: “Khăn này chỉ được sử dụng tại quán, không được mang về. Nếu muốn mang về thì phải mua lại với giá 8000 đồng/chiếc”. Vị chủ quán này nhấn mạnh, từ lâu quán đã có quy định như vậy nên khách nào cũng phải tuân theo. “Ở đây cúng tôi chỉ bán độ lạnh chứ không bán khăn. Nếu muốn lấy về thì phải trả tiền gấp ba, gấp bốn lần”.

Khăn lạnh + hóa chất = cực bẩn

Cũng giống như chị Anh, sau khi sử dụng chiếc khăn lạnh ở quán bánh xèo, qua ngày hôm sau, hai bàn tay tôi cũng bị tê cứng, da tay bị rát. Khi mang chiếc khăn chúng tôi đã mua với giá cắt cổ ra xem thì thấy có mùi hôi của thuốc tẩy. Và chỉ mấy ngày sau, chiếc khăn chuyển sang màu vàng ố.Là người từng nhiều năm làm trong quán ăn, và trực tiếp sản xuất ra những chiếc khăn lạnh, chị Kim Huế ở quận 7 cho biết, chiếc khăn lạnh chỉ lạnh và trắng thôi, chứ không sạch.

Nếu ai nhìn thấy công nghệ sản xuất khăn tại gia thì có lẽ chẳng ai dám động đến nó. Để có những chiếc khăn lạnh phục vụ cho khách, chủ quán đã mạnh tay dùng thuốc tẩy trắng. Nếu chiếc khăn của vị khách nào lau còn sạch thì chủ quán có thể lấy lại rồi ngâm ít nước xả vải cho thơn và đóng gói lại tiếp tục bán cho những vị khách tiếp theo. Còn những chiếc khăn quá bẩn sẽ được bỏ vào chậu thuốc tẩy ngâm một lúc rồi vớt ra xả nước, sau đó tiếp tục ngâm với nước xả vải rồi đóng gói lại mang ra bán tiếp. Cứ như thế, quy trình sản xuất khăn lạnh lặp đi lặp lại đến n lần và cũng bán cho vị khách thức.

Theo chị Huế để có hóa chất, chủ quán chỉ cần lên chợ Kim Biên mua can nước xả vải, nước tẩy (tẩy rửa bồn cầu) rồi mua khăn loại 1000 đồng được 5 – 6 cái ở chợ và biến hóa thành khăn lạnh.

Các hóa chất mà chủ quán mua về đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Từ ngày trực tiếp làm ra chiếc khăn ấy, mỗi khi nhìn thấy vị khách nào dùng chiếc khăn lau mặt là tôi rùng mình. Không chỉ tôi mà ngay cả chủ quán cũng vậy, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên họ bất chấp tất cả. Và cũng từ ngày làm tại quán ắn, hai bàn tay tôi cứ mỗi sáng lại tê cứng rồi bắt đầu đau rát”, chị Huế nói.

Một bác sĩ ở sở y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đa số các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, … để sử dụng khăn ướt dùng một lần để bán cho khách. Một số quán vẫn sử dụng khăn lạnh dùng hóa chất để tẩy rửa, rồi còn dùng khăn lạnh đó nhiều lần để bán cho khách thì không thể chấp nhận được.

Khi dùng hóa chất để phù phép, khăn bẩn đã qua sử dụng thành khăn lạnh trắng muốt, được ướp lạnh trong môi trường độc hại rất dễ gây bệnh. Khi dùng chiếc khăn ấy lau lên người sẽ mắc những bệnh về da như: ngứa da, đỏ da, mỏng da … Và sẽ phát sinh một số bệnh như: viêm mắt, bệnh mắt đỏ … Thế nên tốt nhất, người sử dụng cần phải tẩy chay loại khăn này.

(Theo Hôn nhân & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan