“Những ngày gần đây áp lực khiến mẹ tôi bị đột quỵ, con tôi không muốn đến trường vì báo chí nói là mẹ lừa đảo...”.
Vừa qua, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến phóng sự của VTV trong chương trình “Trở về từ ký ức” phát sóng hôm 12/10. Phóng sự cho biết, hầu hết hài cốt liệt sĩ do các “nhà ngoại cảm” tuyên bố tìm được đều là xương động vật, đất đá… Theo kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội, tỷ lệ chính xác được kết luận "gần như bằng 0". Chương trình cũng nhắc đến một sự kiện, bản kết quả giám định mẫu xương được cho là của đồng chí Phùng Chí Kiên (Ủy viên Trung ương Đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Tướng - PV), lại là mảnh sành và răng lợn. Trong khi khán giả muốn nghe ý kiến bà Hằng, thì không thấy bà Hằng giải thích gì. Tại hội thảo ngày 6/11, bà Phan Thị Bích Hằng chính thức phát biểu về vụ việc này. |
Đó là chia sẻ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tại Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sỹ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sỹ Phùng Chí Kiên. Buổi hội thảo diễn ra sáng nay (6/11) do Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, liên hiệp UIA – báo Khoa học & Đời sống tổ chức.
“Mẹ chọn liệt sỹ hay con”
Khi báo chí đăng tải các bài viết về nhà ngoại cảm, trong đó có nhắc đến Phan Thị Bích Hằng trong việc tìm mộ liệt sỹ Phùng Chí Kiên lại là mảnh sành và răng lợn, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết, bà rất áp lực.
Bà Hằng cho biết, bà cũng là một phụ nữ bình thường như tất cả mọi người. Cũng sinh ra lớn lên bằng cơm cha áo mẹ, có thiên chức của một người phụ nữ; cũng mong muốn và có quyền được hưởng cuộc sống như một người phụ nữ bình thường.
Theo bà, có những ngày cuối tuần để đi chơi với gia đình, nhưng những ngày đó bà xách ba lô lên đường.
Bà Hằng kể, các con chỉ thích trong tủ quần áo của tôi là váy. Vì mặc quần áo thì đi tìm liệt sĩ, mặc váy là ở nhà chơi với con. Bà cảm thấy đau đớn vì những sự thiệt thòi đó không ai thấu hiểu: “Đứa con hỏi, mẹ chọn liệt sỹ hay con”.
Bà Hằng cho biết những ngày qua áp lực khiến mẹ bà bị đột quỵ, con không muốn đến trường vì “báo chí nói mẹ lừa đảo, con rất xấu hổ”.
“Tôi rất đau đớn, tôi không biết làm thế nào bởi việc của chúng tôi làm đâu có phải lúc nào cũng nói”.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong cuộc hội thảo sáng nay (6/11)
"Mùi cây bưởi còn phảng phất đâu đây"
Tại cuộc Hội thảo, chia sẻ về lần tìm kiếm ngoại cảm liệt sỹ Phùng Chí Kiên, bà Phan Thị Bích Hằng cho hay, bà chỉ biết đến liệt sỹ qua sách vở. Bà cũng không biết liệt sỹ hy sinh thế nào, được chôn cất ở nơi đâu.
Bà Hằng bắt đầu đi tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên từ tháng 3/2008. Bà cho rằng, đây là việc vô cùng gian khó. Bởi liệt sĩ đã hi sinh từ năm 1941 đến thời điểm đi tìm là 68 năm.
Lần đi tìm này cũng đặc biệt bởi tìm phần thi thể không nguyên vẹn là thủ cấp. Nhưng bà Hằng không biết thủ cấp của liệt sĩ chôn ở đâu, ở tọa độ nào. “Tôi cũng không gặp bất kỳ một người thân nào của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, không có bất kỳ một tư liệu nào trong tay...”, bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng nhớ, ngày 7/5/2008, bà xác định được phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên chôn cất ở Tiểu khu 1, Vân Tùng, Ngân Sơn (Bắc Kạn).
Nói đến đây, bà Hằng khiến cả hội trường im lặng chú ý khi nhắc đến “cảm giác như mùi của cây bưởi ở bên cạnh phần thủ cấp liệt sĩ nằm vẫn còn phảng phất đâu đây”.
“Bởi đó là ứng báo cuối cùng khi tôi thắp hương lên bia mộ tưởng niệm liệt sỹ ở nghĩa trang Ngân Sơn. Lúc đó liệt sỹ nói hãy ra ở phía sau ngôi mộ có một cây bưởi. Đoàn tiền trạm đã đi và tìm thấy cây bưởi”.
“Tôi đã đánh dấu lại vị trí, bàn giao toàn bộ cho gia đình cho các cơ quan chức năng khai quật, tôi phải về nhà vì gia đình có việc đột xuất”, bà Hằng kể lại quá trình tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên.
Bà Hằng nhớ lại, ngày hôm sau (8/5), được tin hài cốt liệt sĩ đã được đưa về nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), bà rất vui mừng và mang theo một lẵng hoa trắng để thắp hương vì biết khi hy sinh, người liệt sĩ đó chưa có gia đình.
“Và tôi chờ đợi ngày được thắp nén nhang trên mộ của người với hai phần thi thể được khớp lại một cách toàn vẹn. Nhưng sự chờ đợi ngày này qua tháng khác và cuối cùng tôi được trả lời bằng một tờ báo trên tay là Phan Thị Bích Hằng bé cái nhầm”.
Bà cho biết, rất buồn nhưng không có số điện thoại, hay đường dây liên lạc lại với gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên.
Tại buổi hội thảo, nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường cho rằng, qua bức ảnh chụp lại tại buổi khai quật hài cố liệt sỹ Phùng Chí Kiên, có thể thấy đó là xương của người. Còn chiếc răng của lợn có ở đó cũng không phải là điều gì quá vô lý, bởi có thể răng lợn lẫn trong đất đá. |