Nhiều nhân chứng chứng kiến vụ sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) sau khi xà lan đâm vào đã kể lại trong sự hoảng hốt, bàng hoàng bởi tiếng “rầm” và xẹt điện đường dây điện cao thế. Lái xà lan cùng một người đàn ông khác bơi khỏi rồi được cứu, bỏ trốn.
Đến 17h30 phút, thủy triều lên trên sông Đồng Nai đã cuốn chiếc xà lan đi khỏi vị trí ban đầu đâm gãy cầu Ghềnh. Để tránh nguy hiểm, nhiều thợ lặn thuộc lực lượng PCCC tỉnh Đồng Nai đã lặn lên rời khỏi chiếc xà lan.
Lực lượng cứu hộ thuộc Sở PCCC TP. HCM cũng đã được huy động đến hiện trường giúp tỉnh Đồng Nai.
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh trưa ngày 20/3
Có 3 chiếc xe máy của 3 nạn nhân rớt xuống lúc xảy ra sập cầu đã được trục vớt lên bờ.
18h tối, nhiều lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai vẫn tích cực xử lý hiện trường vụ sập cầu. Chưa có nạn nhân nào khác mắc kẹt dưới xà lan hay khu vực quanh cầu Ghềnh sập.
Đến 17h30 chiếc xà lan chìm đã trôi khỏi vị trí sập cầu Ghềnh
Lực lượng chức năng có mặt hiện trường xử lý việc xà lan đã trôi khỏi vị trí ban đầu
Anh Đào Ngọc Truyền (25 tuổi, Phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) là người có nhà sát cầu Ghềnh kể lại giây phút sập cầu rằng, lúc đó hơn 11h30 phút anh đang ở trong nhà thì nghe một tiếng ầm động trời rồi tiếp tục là tiếng điện đứt gây nổ xẹt xẹt nên ngay lập tức chạy ra khỏi nhà. Anh Truyền quan sát thấy chiếc cầu Ghềnh bị gãy hai nhịp ở giữa rồi đè lên chiếc xà lan ở dưới sông khiến chiếc xà lan bắt đầu chìm theo. Có hai người đi xe máy đến gần cầu gãy đã nhanh chóng quay đầu lại để chạy.
Anh Đào Ngọc Truyền nhân chứng kể lại giây phút sập cầu Ghềnh, hai người đàn ông trên xà lan được người dân cứu rồi bỏ trốn
Có hai người đàn ông nhảy khỏi xà lan rồi bơi nhanh khỏi vị trí xà lan chìm đến khoảng 50 mét rồi được hai người đang đánh cá gần đó chạy thuyền lại đưa vào bờ. Sau đó, hai người đàn ông này rời khỏi hiện trường. Một trong hai người đàn ông được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định là Nguyễn Văn Thưởng – trực tiếp điều khiển xà lan.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (35 tuổi, Phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) cũng là một nhân chứng kể lại, khi đó chị đang nấu ăn trong bếp. Nghe tiếp “rầm” chị sợ nhà sập do sát cầu Ghềnh nên chạy ngay khỏi nhà lên trên bờ cao nhìn xuống.
“Lúc đó vừa chạy tôi nghe tiếng điện cao thế nổ xẹt xẹt mà sợ nhiễm điện chết quá. Lên trên bờ nhìn lại chỗ cầu Ghềnh thấy cầu gãy, xà lan bắt đầu chìm dần”, chị Ngọc nói.
Hiện tất cả các chuyến tàu đi từ TP. HCM ra Hà Nội và chiều ngược lại qua tuyến đường cầu Ghềnh phải ngừng chạy để chờ khắc phục vụ sập cầu. Ngành đường sắt dùng ô tô để chuyển hành khách từ TP. HCM về Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Toàn bộ chi phí ngành đường sắt phục vụ miễn phí cho hành khách. |