Vụ sập cẩu đường sắt trên cao qua lời kể của nhân chứng

Ngày 12/05/2015 21:48 PM (GMT+7)

Chiếc cần cẩu đang thi công ở công trình Đường sắt trên cao, tuyến Nhổn- ga Hà Nội bất ngờ đổ xuống đè vào hai nhà dân bên cạnh. Nhiều người khi thấy cần cẩu đổ đã la hét, phanh xe máy dừng lại.

Vào khoảng 16h15 phút ngày 12.5, một chiếc cần cẩu ở công trình Đường sắt trên cao, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã bất ngờ đổ vào số nhà 359 và 361 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Hà Nội. Cần cẩu đổ khiến biển quảng cáo của nhà dân bị đè bẹp. Một bà bầu bị thương nhẹ, phải nhập viện.

Anh Nguyễn Văn Lâm, bảo vệ tòa nhà trên đường Cầu Giấy cho hay, vào thời gian trên có hai người đàn ông, một người điều khiển xe máy Dream và một người lái xe SH Mode chở theo một người phụ nữ mang bầu (khoảng 5,6 tháng tuổi) đi từ đường Xuân Thủy hướng về cầu Giấy.

 Vụ sập cẩu đường sắt trên cao qua lời kể của nhân chứng - 1

Chiếc cần cẩu đổ xuống đè bẹp vào hai nhà dân ở đường cầu Giấy 

“Khi hai xe máy này di chuyển tới số nhà 359 và 361 đường Cầu Giấy thì bất ngờ chiếc cần cẩu ở đường đổ nghiêng sang nhà dân. Dây cáp ở cần cẩu đè lên xe máy khiến hai người điều khiển xe bị ngã ra đường. Lúc đó, tôi thấy nhiều người dân đi ở phía sau đã la hét lớn, kêu đạp phanh xe máy dừng lại”, anh Lâm nói.

Ông Vũ Quang Vạng, 77 tuổi, ở số nhà 412 Cầu Giấy, người chứng kiến sự việc cho hay, thời điểm xảy ra sự việc, vợ chồng ông đang ở ban công tầng 4 nhà mình. Khi đó, ông Vạng nghe thấy một tiếng "rầm" lớn vang lên ở phía đường. Đứng tại nhà, ông Vạng cảm nhận thấy rung lắc nhẹ.

“Lúc đó tôi chạy ra đường thì thấy hai người dân bị vướng vào dây cáp đổ ra đường, một thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi và một bà bầu. Người thanh niên đi xe Dream. Ngay sau đó, người dân đã đỡ bà bầu vào nhà dân ven đường rồi đưa đi cấp cứu. Thời điểm đó tôi cũng gọi công an phường đến hiện trường xử lý vụ việc”, ông Vạng nói.

Vụ sập cẩu đường sắt trên cao qua lời kể của nhân chứng - 2

Ông Vũ Quang Vạng, 77 tuổi, ở số nhà 412 Cầu Giấy cho biết, khi cần cẩu đổ, một tiếng rầm lớn vang lên. Nhà ông bị rung lắc nhẹ. 

Ông Vạng cho biết thêm, trước thời điểm xảy ra sự việc, tại khu vực công trường có một chiếc máy xúc hoạt động. Chiếc máy xúc này đang dùng gầu múc kéo thanh sắt ở dưới lòng đất lên. Trong quá trình máy xúc này kéo thanh sắt lên đã va phải chiếc cần cẩu sắt ở bên cạnh khiến chiếc cần cầu đổ vật sang nhà người dân.

Theo chị Phạm Thị Huyền, người dân ở gần khu vực, trước thời điểm cần cẩu đổ có nhiều người dân lưu thông qua tuyến đường Cầu Giấy. Các phương tiện phải di chuyển khá khó khăn vì đoạn đường hẹp. Rất may khi cần cẩu đổ không làm ai tử vong.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, chiếc cần cầu bị đổ có chiều dài khoảng hơn 20m, nằm vắt ngang đường Cầu Giấy. Một phần cần cẩu đổ vào mái cửa hàng bán quần áo, biển hiệu bị đè bẹp. Bên cạnh chiếc cần cẩu bị đổ là chiếc máy xúc màu vàng. Khi xảy ra sự việc, tuyến đường Cầu Giấy – Xuân Thủy đã bị ùn tắc kéo dài.

Đến khoảng 17h30, đơn vị thi công đã điều động một máy nâng tới hiện trường. Khoảng 6-7 công nhân được huy động lên cắt tách cần cẩu nâng phần đổ ra ngoài. Đến 18h10 phút, chiếc cần cẩu bị đổ được di chuyển vào bên trong công trình. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường sở tại bảo vệ hiện trường.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Dự án có tổng nguồn vốn vay ODA trị giá 783 triệu Euro. Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5km với 9,6km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm. Tàu sẽ lưu thông trên tuyến đường này với tốc độ 80km/h, tàu có chiều dài từ 19 đến 20 mét.

Lộ trình tuyến này như sau: ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tàu điện sẽ đi theo QL32 đến nội thành Hà Nội, qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot