Sau khi nhận tinh trùng hiến tặng từ ngân hàng tinh trùng, người mẹ này cứ nghĩ rằng sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh và thông minh nhưng mọi chuyện hoàn toàn trái ngược.
Cô Danielle Rizzo, sống tại Mỹ, có hai cậu con trai lần lượt 6 và 7 tuổi. Không giống những đứa trẻ bình thường, hai cậu bé này đều mắc chứng tự kỷ khiến cuộc sống của cô Danielle gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, cô Danielle đã nhận tinh trùng hiến tặng từ ngân hàng tinh trùng để sinh ra 2 cậu con trai này.
Hội chứng tự kỷ ảnh hưởng đến 1/59 trẻ em ở Mỹ, là một dạng rối loạn gây ra sự khó khăn trong việc điều hướng các tình huống xã hội và hạn chế hành vi. Thực tế, có không ít người tự kỷ vẫn thành công trong cuộc sống nhưng điều đó không có nghĩa là cô Danielle sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ với 2 cậu con trai của mình. Một người mẹ dạy dỗ 2 con trai tự kỷ là không dễ dàng nhưng cô Danielle còn phải đối mặt với một sự thật còn khủng khiếp hơn.
Hai con trai của cô Danielle đều mắc chứng tự kỷ.
Ba năm trước, trong quá trình nghiên cứu các liệu trình điều trị cho 2 đứa con của mình, cô Danielle đã phát hiện ra một sự thật kinh hoàng. Không chỉ có 2 đứa con trai của cô mà có khoảng 10 đứa trẻ khác sống rải rác ở Mỹ, Canada và châu Âu cùng nhận tinh trùng hiến tặng của một người. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những đứa trẻ này đều mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, chứng khó đọc, động kinh hoặc các khuyết tật thần kinh khác.
Trước đó, vào tháng 6/2011, cô Danielle đã cùng chồng tìm kiếm đối tượng thích hợp nhất trong ngân hàng tinh trùng để nhận tinh trùng hiến tặng. Họ đã nhận tinh trùng mang số hiệu H898, được miêu tả là một người đàn ông tóc vàng và mắt xanh, cao 1m85, nặng 108 kg, có vẻ thông minh và thành đạt. Hồ sơ của người đàn ông này có ghi anh ta có bằng thạc sĩ, đang làm nhiếp ảnh gia y tế. Sở thích của người này là chạy bền, đọc sách và nghệ thuật. Tuy nhiên khi phát hiện sự thật trên, cô Danielle nghi ngờ đã có sự nhầm lẫn và khởi kiện đơn vị cung cấp tinh trùng.
Cô Danielle đã tìm kiếm trên mạng và biết được tinh trùng của người đàn ông trên được phân phối bởi ít nhất 4 đơn vị. Tuy nhiên khi cô Danielle hỏi, những người đại diện ở đây đều nói rằng họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về tinh trùng hiến tặng có liên quan tới tự kỷ.
Cô Danielle tin rằng tinh trùng của người hiến tặng có vấn đề.
Cô Danielle tiếp tục gửi thắc mắc tới cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe ở New York và California, trụ sở của ngân hàng tinh trùng nhưng không nhận được câu trả lời. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nói với cô Danielle rằng việc sàng lọc tinh trùng chỉ giới hạn ở các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không có bất cứ sàng lọc nào liên quan tới tự kỷ.
Vậy vấn đề có phải nằm ở người đàn ông hiến tinh trùng hay không? Theo Tiến sĩ Wendy Chung thuộc Trường ĐH Columbia, Mỹ, cho biết: "Chúng ta gọi chung là chứng tự kỷ nhưng ở mỗi người chứng bệnh này một khác. Ở một số người, đây hoàn toàn là về vấn đề gene. Ở một số người khác lại là kết hợp giữa gene và môi trường, và ở một số người khác nữa thì không thể biết được là gì".
Hai con trai của cô Danielle.
Stephen Scherer - nhà khoa học người Canada chuyên nghiên cứu về sự biến đổi gene ở người, cũng cho rằng gene của người đàn ông hiến tinh trùng có vấn đề. Tuy nhiên, ông Stephen không khẳng định rằng những gene này có liên quan tới tự kỷ hay không.
Sau khi xét nghiệm, các chuyên gia nhận thấy hai con trai của cô Danielle có hai đột biến gene liên quan đến tự kỷ, bao gồm đột biến MBD1 và SHANK1. Bảy anh chị em cùng cha khác mẹ với hai cậu bé đều có ít nhất một trong hai đột biến này.
Tới ngày 14/3/2019, cô Danielle đã đồng ý chấm dứt vụ kiện bằng cách nhận 250.000 USD (hơn 5,8 tỷ đồng) từ đơn vị cung cấp tinh trùng hiến tặng.