Nhật Bản mạnh mẽ phản đối cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 8/5, Nhật Bản tuyên bố họ “quan ngại sâu sắc” trước cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời hối thúc Bắc Kinh chấm dứt các hành động “khiêu khích”.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng khu vực với các hành động hạ đặt giàn khoan đơn phương của phía Trung Quốc trên Biển Đông.”
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố trước các phóng viên ở Tokyo: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước các thông tin cho biết nhiều tàu công vụ của Việt Nam bị hư hại và nhiều kiểm ngư viên bị thương. Chúng tôi coi vụ việc này là một trong những hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc trên biển.”
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga
Ông Suga nói rằng Trung Quốc cần phải giải thích với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở cho hành động của mình, và Nhật Bản kiên quyết yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các động thái khiêu khích và “hành động có chừng mực”.
Tuyên bố này của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi hung hăng dùng vòi rồng tấn công và đâm thẳng vào tàu công vụ Việt Nam ở gần giàn khoan mà Trung Quốc ngang ngược kéo vào vùng biển của Việt Nam.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng một cách nhanh chóng từ tuần trước sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố sẽ kéo giàn khoan khổng lồ HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò dầu khí, một động thái được Mỹ mô tả là “khiêu khích”.
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu công vụ Việt Nam
Để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán chính đáng của mình, Việt Nam đã triển khai tàu kiểm ngư, cảnh sát biển tới khu vực trên sau khi Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc phát cảnh báo hàng hải trên website cấm toàn bộ tàu thuyền đi qua vị trí của giàn khoan HD-981.
Đây là một trong hàng loạt hành động ngang ngược của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp chủ quyền ở châu Á. Tại vùng biển Đông Hải, nhóm đảo Senkaku trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và Bắc Kinh thường xuyên điều tàu cảnh sát biển dưới sự hộ tống của tàu hải quân tiến sát tới nhóm đảo này để thách thức lực lượng bảo vệ đảo của Nhật Bản.
Sự hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đã buộc Nhật Bản phải tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ của mình, một động thái được nhiều nước châu Á hoan nghênh và coi như một đối trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.