Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong khoảng 1 tháng trở lại đây bệnh viện tiếp nhận hơn 20 trường hợp bị ho gà, đa số trẻ mắc ho gà khi chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Ngày 14/2, ghi nhận của phóng viên tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho thấy, hiện vẫn còn khoảng gần 10 bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi do nghi ngờ mắc bệnh ho gà. Điều đáng nói, có những bệnh nhi bị nặng mới đưa đến viện, vì thế đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm và phải mất thời gian điều trị dài ngày.
Chị Nguyễn Thị Thu (Gia Lộc – Hải Dương) đang chăm con được hơn 3 tháng tuổi cho biết, hai mẹ con vào viện đã được 15 ngày, hiện bệnh ho gà đã thuyên giảm nhưng do biến chứng viêm phổi nên chưa thể ra viện ngay.
Bác sĩ đang thăm khám cho con chị Thu mắc bệnh ho gà.
Theo chị Thu, trước khi đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình không hề biết cháu mắc bệnh ho gà, chỉ đến khi cháu ho rũ rượi, tím tái mặt mày thì mới vội vàng đưa lên Hà Nội cấp cứu. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại con chị Thu vẫn chưa tiêm phòng mũi vắc xin 5 trong 1 nào.
Khác với trường hợp của chị Thu, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa (Đan Phượng – Hà Nội), dù đã được tiêm phòng mũi Quinvaxem, nhưng con chị vẫn mắc ho gà, khi các bác sĩ kiểm tra thì mới phát hiện cháu bé chưa được tiêm đủ mũi.
“Khi đưa cháu vào viện, gia đình cũng chỉ nghĩ cháu bị viêm phổi chứ không ngờ cháu lại mắc ho gà nặng như vậy. Hiện tại, cháu đã bớt cơn ho nhưng do bị biến chứng nên các bác sĩ vẫn yêu cầu ở lại viện để theo dõi”, chị Hoa chia sẻ.
Do tiêm chưa đủ mũi nên con chị Hoa vẫn mắc bệnh ho gà.
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ho gà là căn bệnh mắc rải rác quanh năm, nhưng điều khác biệt là vài năm gần đây số lượng trẻ mắc ho gà “trội” hơn so với các năm trước. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 28 trường hợp dương tính với ho gà.
“Đa số những trẻ nhập viện do ho gà là chưa tiêm vắc xin, hoặc chưa tiêm đủ mũi, thậm chí có nhiều trẻ còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi) đã mắc ho gà. Do trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn”, TS Lâm cho hay.
Một vấn đề TS Lâm cũng hết sức lưu ý đối với các bậc phụ huynh, đó là sự nhầm lẫn giữa bệnh ho gà và một số căn bệnh khác, nên khi phát hiện thì trẻ đã có những biến chứng rất nặng nề. “Thông thường, khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Đặc biệt, những trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà thì bệnh tiến triển nặng rất nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80 - 90%”, TS Lâm cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu gia tăng.
Ngoài ho gà, Trưởng khoa Truyền nhiễm cũng cho hay, năm nay do sự thay đổi bất thường của thời tiết, nên bệnh thủy đậu cũng có chiều hướng gia tăng so với những năm trước đây. Thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, có khoảng gần 50 trẻ nhập viện do mắc bệnh thủy đậu. Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng do bố mẹ chưa có kinh nghiệm chăm con, đặc biệt là trẻ bị nhiễm trùng huyết do bố mẹ kiêng tắm hoặc tắm cho con bằng một số loại lá.
Cuối cùng, TS Lâm cho rằng, cả bệnh ho gà và thủy đậu hiện nay đều đã có vắc xin, bởi vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho con, hạn chế đi đến những vùng có ổ dịch, hoặc có nguy cơ gây bệnh.
=>> XEM THÊM: 2 ca tử vong, gần 300 bệnh nhân nhập viện vì ho gà