Theo PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2015 đến nay, bệnh viện đã có gần 300 trường hợp mắc bệnh ho gà nhập viện và có 2 trường hợp tử vong do phụ huynh đưa đến quá muộn.
Trước tình trạng số trẻ mắc bệnh ho gà gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là tại những bệnh viện đầu ngành như: Nhi Trung ương, khoa Nhi (BV Bạch Mai), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương…, ngày 21/8, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xung quanh căn bệnh này.
- Thưa PGS, trước tình trạng số ca mắc bệnh ho gà gia tăng trong thời gian gần đây, ông nhận định như thế nào về căn bệnh này cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà?
- Tình trạng bệnh lý ho gà trong năm 2015 có chiều hướng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, từ đầu năm 2015 đến nay có gần 300 trường hợp mắc bệnh ho gà nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh lý ho gà thường có 2 biểu hiện. Thứ nhất đó là tình trạng bệnh ho gà thông thường. Nhóm thứ 2 là bệnh nhân ở khoảng trên dưới 3 tháng tuổi, đa số nhóm tuổi này mắc bệnh ho gà nặng và chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm nhưng chưa đầy đủ.
Đa số các bệnh nhi mắc ho gà là chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Ảnh: Lê Phương
Ngoài ra, có một số trường hợp mắc bệnh ho gà có những biến chứng rất nặng như tình trạng tăng bạch cầu rất mạnh. Thực tế, trong thời gian qua bệnh viện đã hết sức cố gắng để xử lý làm sao cho các cháu mắc bệnh được an toàn nhất.
- Vậy, trong số những trường hợp nhập viện điều trị do mắc bệnh ho gà đã có trường hợp nào tử vong chưa?
- Trong số các trường hợp đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có 7 trường hợp mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng, đó là tăng áp lực động mạch phổi. Trong số này bệnh viện đã cứu chữa được cho 5 trường hợp. Còn 2 trường hợp đã tử vong, nguyên nhân là do các bà mẹ đưa con đến quá muộn, không kịp làm các phương pháp hồi sức như: thay máu hay chạy tuần hoàn ngoài cơ thể …
- Được biết, bệnh ho gà thường hay gặp phải vào mùa đông, nhưng thời điểm này vẫn là mùa hè mà số ca bệnh lại có diễn biến tăng lên, PGS có giải thích gì về sự thay đổi này?
- Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà chuyên môn cần phải nghiên cứu và tìm hiểu. Vấn đề thứ nhất đó là tìm hiểu về cơ thể trẻ em, khi trẻ dưới 3 tháng chưa được tiêm phòng thì đều có kháng thể từ mẹ truyền sang con để chống lại bệnh ho gà.
Tuy nhiên, số lượng trẻ ở độ tuổi này lại có tỉ lệ mắc cao nhất, điều này có thể cho thấy lượng kháng thể từ mẹ chuyển sang con không đảm bảo đủ. Ngoài ra, có một nhóm bà mẹ trước kia chưa mắc ho gà và cũng chưa được tiêm phòng ho gà, nên không có lượng kháng thể để truyền sang con. Vì thế trẻ hoàn toàn có thể sẽ mắc bệnh.
Một nguyên nhân nữa là vi khuẩn gây bệnh từ đâu, khi một đứa trẻ dưới 3 tháng chỉ có bố, có mẹ, có bà mà trẻ vẫn mắc bệnh. Về điều này, có thể trong cơ thể ông bố, bà mẹ hoặc người trông đó không có kháng thể phòng bệnh ho gà nên vi khuẩn khu trú trong cơ thể và lây sang con.
Với giả thiết trên, chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về bà mẹ, trẻ em và môi trường …để đưa ra những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Trường hợp trẻ tiêm chủng đủ 3 mũi nhưng vẫn mắc bệnh là rất ít.
- Trong số các ca đến điều trị ho gà tại bệnh viện, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ là như thế nào?
- Trong số các trẻ nhập viện thì nhóm dưới 3 tháng tuổi là khá cao. Đây là nhóm tuổi hầu hết chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. Điều này khiến cho lượng kháng thể phòng bệnh chưa đủ để phòng bệnh. Riêng đối với nhóm tuổi đã tiêm phòng đủ các mũi thì tỉ lệ mắc cũng có, nhưng không cao.
- Trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng, bệnh ho gà tăng nhanh là do tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ của các bậc phụ huynh. PGS đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Chính bản thân tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp người thân, người quen có tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ và nghi ngờ vắc xin “5 trong 1” (Quinvaxem). Tuy nhiên, mọi người cần phải hiểu rằng, vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin đã được đánh giá chất lượng và lưu hành trên thị trường, nên việc cho trẻ tiêm vắc xin này là hoàn toàn an toàn.
Các ông bố bà mẹ không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ, bởi chờ đợi sẽ mất kháng thể phòng bệnh. Như vậy là rất nguy hiểm, ví dụ như trường hợp có em bé 8 tháng nhưng mới tiêm được 1 mũi vắc xin dịch vụ, sau đó cứ chờ đợi bao giờ có vắc xin dịch vụ về thì mới tiếp tục tiêm. Trong khoảng thời gian chờ đợi này, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh rất cao.
- Vậy, những trường hợp trẻ đã tiêm 1 mũi vắc xin dịch vụ có thể tiêm được các mũi tiếp theo bằng vắc xin Quinvaxem không?
- Đối với trường hợp này, phụ huynh hãy đưa con ra các phòng tiêm chủng, đồng thời mang theo sổ tiêm chủng, các nhân viên tiêm chủng sẽ có những tư vấn rất cụ thể.
Theo tôi, nhà sản xuất đưa ra các loại vắc xin “4 trong 1”, “5 trong 1” là vì họ muốn tiết kiệm trong 1 mũi tiêm với nhiều loại vắc xin khác nhau. Về bản chất, các vắc xin không có gì khác biệt, bởi khi đưa ra thị trường thì nó đã được kiểm định, nên việc đã tiêm mũi dịch vụ rồi, sau đó tiêm mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn có thể được.
- Cuối cùng, PGS có lời khuyên như thế nào để người dân phòng tránh căn bệnh ho gà?
- Đối với bệnh ho gà thì khuyến cáo đầu tiên đó là hãy đưa trẻ đi tiêm phòng đúng và đủ. Đúng ở đây là đúng thời gian (đúng lịch tiêm chủng) theo quy định của Bộ Y tế, còn đủ ở đây chính là tiêm đủ liều cho trẻ, để trẻ có kháng thể phòng bệnh tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!