Nhiều ca sởi có diễn biến bất thường, tưởng chừng như đã trở nhẹ nhưng bỗng chốc rơi vào trạng thái nguy kịch, thậm chí tử vong rất nhanh.
Tại hội nghị Tăng cường công tác điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/4, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, năm nay có rất nhiều ca sởi nặng, tử vong có diễn biến rất lạ.
Trẻ mắc sởi tưởng đã khỏi, bỗng chốc trở nặng, tử vong rất nhanh
Tại hội nghị lần này có rất nhiều lãnh đạo các Sở Y tế, các bệnh viện, các bác sĩ chuyên về truyền nhiễm tới dự. Ngoài việc cập nhật phác đồ điều trị,các chuyên gia của các bệnh viện hàng đầu đang có rất nhiều bệnh nhân sởi nặng như BV Nhi Trung ương, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương … đã chia sẻ về các ca bệnh, đặc biệt là những trường hợp nặng, tử vong tại bệnh viện.
Tại tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ với mấy mấy chục năm công tác trong lĩnh vực nhi khoa đây là năm đầu tiên ông ghi nhận có những ca sởi diễn biến rất lạ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong ngày 21/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi trong số 230 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Có 3 trường hợp bệnh nhân nặng xin về tại BV Nhi Trung ương (01) và BV Bạch Mai (02). Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.481 trường hợp mắc sởi trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Đã có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. |
Nói về vấn đề này, PGS.TS Dũng phân tích, thứ nhất mùa dịch năm nay các ca sởi diễn biến rất nhanh, có những ca sởi lúc nào nhập viện trẻ vẫn tỉnh táo, cười đùa, thở bình thường nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu thở gấp và đến tối thì phải vào thở máy.
Thứ hai là mùa dịch năm nay virus sởi tấn công vào phổi trẻ rất khủng khiếp, làm suy giảm miễn dịch trầm trọng. Đáng lo là có trường hợp virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi ngay từ những ngày đầu, khi trẻ mới phát bệnh, có xuất hiện nổi ban. Nhưng cũng có trường hợp lại tấn công làm suy giảm hô hấp của trẻ sau 2-3 tuần phát bệnh, khi đã bắt đầu bay các ban đỏ.
Điểm lạ thứ 3 là ghi nhận nhiều ca sởi có diễn biến bất thường, tưởng chừng như đã trở nhẹ nhưng bỗng chốc rơi vào trạng thái nguy kịch, thậm chí tử vong rất nhanh. Có trường hợp trẻ mắc sởi tình trạng bệnh nặng phải thở máy, sau khoảng 10 ngày trẻ cai được thở máy, diễn biến bệnh tốt lên nhưng chỉ sau 1-2 ngày bỗng có dấu hiệu trở nặng, phải vào thở máy tiếp nhưng vẫn không qua khỏi.
“4 ca tử vong đầu tiên ghi nhận tại khoa Nhi, diễn biến bệnh rất nặng và nhanh, trẻ tử vong sau vài hôm phát bệnh và nhập viện. Nhưng những ca tử vong gần đây thì diễn biến bệnh kéo dài hơn, ban đầu trẻ đáp ứng thở máy tốt, đã cai được thở máy nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng còn trầm trọng hơn. Ca tử vong gần đây nhất của cháu bé V.G.K, 25 tháng tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội là ví dụ điển hình. Bé cai được thở máy sau 10 ngày nhập viện, các bác sĩ ai cũng mừng nhưng sau vài ngày phổi bé vẫn ran rít, bệnh bỗng trở nặng. Ngay lập tức bác sĩ cho bé thở máy lại tiếp trong 10 ngày nhưng bé đáp ứng rất kém và bé đã tử vong sau 3 ngày thở máy trở lại”, PGS.TS Dũng chia sẻ.
Bệnh nhi sởi đang điều trị tại BV Đống Đa, Hà Nội (Ảnh MH)
Theo PGS.TS Dũng, có hai nguyên nhân khiến bệnh của trẻ nặng lên do cơ địa và bản thân con virus. Nhiều trẻ đã khám tổng thể không có bất cứ bệnh nền nào nhưng điều trị sởi rất dai dẳng, thậm chí tử vong. Do đó, ông kiến nghị các nhà chuyên môn về dịch tễ học cần lấy mẫu bệnh phẩm của ca sởi nhẹ và ca sởi nặng để nghiên cứu và đưa ra đánh giá khoa học.
Cần tránh chẩn đoán nhầm sởi với các bệnh khác
Tại buổi hội nghị, TS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm , BV Nhi Đồng 1 TPHCM cũng đã có rất nhiều ý kiến hữu ích.
Ông chia sẻ bản thân ông đã vô cùng sửng sốt trước sự quá tải công việc của các đồng nghiệp tại BV Nhi Trung ương trong mùa dịch sởi năm nay. Theo ông, nếu không giảm tải thì sẽ còn nhiều bệnh nhân mắc sởi và diễn biến nặng, bởi với bệnh nhi mắc sởi có biến chứng suy hô hấp rất dễ bị nhiễm trùng bệnh viện, gây nên những bệnh cảnh nặng, điều trị vô cùng tốn kém, có thể gấp 20 lần chi phí điều trị cho một ca sởi thông thường.
Theo kinh nghiệm của TS Khanh, trẻ mắc sởi thường sốt, viêm họng và ho dữ dội sặc sụa là dấu hiệu cho thấy có thể mắc bệnh. Hiện nay, hầu hết các bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng khi thấy trẻ ho nhiều, hạ sốt không đỡ. Nhưng trên thực tế, việc ho nhiều, sốt cao của trẻ không đáng sợ bằng việc trẻ bắt đầu thở nhanh, bởi khi đó nghĩa là trẻ đã có dấu hiệu bị tấn công phổi, suy hô hấp.
Các bác sĩ cho biết việc điều trị cách ly bệnh nhân sởi rất quan trọng
“Nhiều trẻ mắc sởi bác sĩ khám bệnh cảnh nhẹ, để tránh bị lây nhiễm chéo trong viện các bác sĩ có thể phân tuyến điều trị tại tuyến dưới hoặc cho trẻ điều trị ngoại trú. Nhưng nhiều cha mẹ thấy con ho nhiều, sốt cao nhất quyết không chịu về nhà, cứ nằng nặc đòi nằm viện. Đây là việc làm sai, cha mẹ đừng căn cứ vào các dấu hiệu đó mà cần phải theo dõi chặt chẽ nhịp thở của trẻ, nếu thấy trẻ thở nhanh thì cần phải đưa đến viện ngay”, TS Khanh khuyến cáo.
Do đó để phân luồng điều trị, giảm tải bệnh nhân, chống nhiễm trùng bệnh viện, TS Khanh cho biết hiện BV Nhi đồng 1 đã giành khu vực điều trị cách ly cho các bệnh nhân sởi. Đồng thời để nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, bệnh viện đã in, dán rất nhiều các tờ rơi tại những điểm dễ nhìn thấy để cha mẹ đánh giá đúng các triệu chứng nặng của trẻ mắc sởi, trong đó có vấn đề thở nhanh.
TS Khanh đánh giá một trong những sai lầm cần lưu ý khiến trẻ mắc sởi diễn biến trở nặng là do bác sĩ tại các phòng mạch tư chẩn đoán nhầm bệnh.
“Trước thông tin về dịch sởi bùng phát, rất nhiều cha mẹ lo lắng không dám đưa trẻ vào viện vì sợ lây nhiễm sởi trong viện. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho các bậc cha mẹ thường đưa trẻ đến phòng khám tư. Do giai đoạn này, trẻ mắc sởi chưa xuất hiện ban nên các bác sĩ tại phòng khám tư thường chẩn đoán trẻ bị viêm đường hô hấp thông thường, cho uống thuốc corticoid để giảm ho. Tuy nhiên, chỉ định này rất nguy hiểm, bởi corticoid gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi thì bệnh sẽ nặng hơn”, TS Khanh nói.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định, điều quan trọng trong công khám chữa bệnh trong thời gian tới là không bỏ sót ca bệnh cũng như hạn chế chẩn đoán nhầm sởi với các bệnh khác.
Bộ Y tế yêu cầu UBND, lãnh đạo Sở Y tế cần thường xuyên kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện. "Ở Việt Nam có vấn đề là không đi kiểm tra, đôn đốc thì làm không quyết liệt", TS Phu nói.
TS Phu cũng cho biết thêm, hiện Bộ Y tế giao cho Viện Vệ dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM và các bệnh viện đang phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước liên quan đến dịch tễ của dịch sởi năm nay. Trong đó một nội dung quan trọng được đề cập là cân nhắc lịch tiêm chủng.