Chiều ngày 8/5, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo hiện nay nhiều bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus, thủy đậu… đều đang có nguy cơ gia tăng mạnh vào mùa hè, thậm chí là bùng phát thành dịch.
Viêm não virus 3 trường hợp tử vong, sởi vẫn nóng tại bệnh viện
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Một số bệnh dịch nguy hiểm và bệnh mới nổi có nguy cơ bùng phát.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận cả nước ghi nhận 191 ca viêm não virus- tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, 3 tử vong. 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, 2 ca tử vong tay chân miệng.
Theo TS Phu, bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng cao ở một số tỉnh, đã có hơn 17.000 ca mắc và 2 trẻ tử vong ở Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cảnh báo sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay.
“Bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Cần lưu ý muỗi đốt truyền sốt xuất huyết còn được gọi là muỗi nhà mua, chúng đẻ ở môi trường nước trong như: bể nước, chậu hoa, lọ hoa cây sống đời, bắt nước để sau tủ lanh... Bệnh chưa có vắcxin phòng, có 4 tuýp, các tuýp không có miễn dịch chéo vì thế một ngừi có thể mắc hai tuýp khác nhau, như thế bệnh nặng hơn. Giải quyết sốt xuất huyết khó hơn giai đoạn trước rất nhiều”, TS Phu cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng ghi nhận 10 ca tử vong do dại.
Tại các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn nhiều ca sởi nặng (Ảnh Mai Hương)
Trong khi nhiều dịch bệnh trên có nguy cơ cao bùng phát vào mùa hè thì dịch sởi sau 4 tháng hoành hành dù có đã giảm nhưng vẫn còn “nóng” tại các bệnh viện tuyến trung ương. Khoa Nhi, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới vẫn còn nhiều ca sởi biến chứng nặng phải thở máy.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết Ngày 07/5/2014, cả nước ghi nhận thêm 49 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.184 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.180 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.
Cũng trong ngày 7/5, tại ba bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có 40 trường hợp nhập viện. Trong ngày hôm qua, Bộ Y tế cũng bổ sung thêm một trường hợp tử vong do sởi tại BV Bạch Mai, nâng tổng số ca tử vong, nặng xin về do sởi và các bệnh liên quan đến sởi từ đầu năm đến nay lên 136 trường hợp.
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết tình trạng lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện đã được hạn chế rất nhiều do bệnh nhân được phân tuyến điều trị tốt. Tuy nhiên, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối cùng vẫn tiếp tục ghi nhận ca sởi nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện, đơn vị này đã lập hẳn khu cách ly để điều trị cho bệnh nhân sởi. Tuy nhiên, do bệnh nhân sởi vẫn đông nên BV Bạch Mai đã quyết định lập thêm khu cách ly tại khoa Da liễu để điều trị cho bệnh nhi mắc sởi.
Bệnh viện lập khu cách ly điều trị, tránh lây nhiễm sởi chéo trong viện (Ảnh Mai Hương)
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở nước ngoài bủa vây Việt Nam
Không chỉ phải đối phó với các dịch bệnh mùa hè, Việt Nam còn phải đối phó với nguy cơ xâm nhập của nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới bất kỳ lúc nào.
Theo TS Phu, hiện nay đánh lo ngại nhất là nguy cơ xâm nhập của bệnh bại liệt do virus hoang dại.
“Tổ chức Y tế thế giới đã xếp bệnh bại liệt do virus hoang dại lây lan nhanh vào tình huống y tế quốc tế khẩn cấp, có thể lan rộng giữa các quốc gia với nhau. Đây là căn bệnh nguy hiểm, chỉ cần 1 ca mắc các nước đã phải công bố dịch để áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt thành công từ năm 2000, từ đó đến nay không có ca bệnh nào và cũng không ghi nhận sự lưu hành của virus bại liệt hoang dại. Tuy nhiên, Việt Nam luôn tiềm tàng mối nguy virus bại liệt hoang dại xâm nhập do trẻ em đi du lịch nước ngoài hoặc virus bại liệt có thể từ bên ngoài vào nước ta qua những khách du lịch đến từ vùng dịch”, TS Phu cảnh báo.
Hiện tại, phía Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới để triển khai các biện pháp phòng bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Trước diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.
Các đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, thành phố và kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch và các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh tại địa phương; công tác giám sát, thu dung, điều trị, chuẩn bị hậu cầu; công tác phối hợp liên ngành và truyền thông phòng chống dịch bệnh.