Dù không hút thuốc, không uống rượu bia, không bị viêm gan nhưng bác T. vẫn mắc phải căn bệnh ung thư gan quái ác. Bác T đã giật minh khi các bác sỹ cho biết nguyên nhân mắc bệnh là do ăn uống.
Bác Bùi Thị Diệu T. (56 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình) đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Do nhà quá xa, bác T. phải thuê phòng trọ ở đối diện bệnh viện để ở qua ngày.
Kể về “hành trình” phát hiện ra bệnh của mình, bác T. cho biết, cuối năm 2015 bác thấy thường xuyên bị đau tức vùng bụng, bụng càng ngày càng to ra, ùng với đó là những biểu hiện da bàn chân tay vàng, mắt cũng vàng và chán ăn. Nghi ngờ mắc bệnh về gan, bác T. ra bệnh viện tỉnh thăm khám.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận “nghi ngờ ung thư gan”, đồng thời chuyển tuyến xuống Bệnh viện K Trung ương để kiểm tra lại. “Lúc đó, nghe thấy bác sĩ nói đến ung thư tôi vô cùng lo lắng, nhưng các con tôi trấn an rằng đó chỉ là nghi ngờ, hơn nữa tôi bắt đầu ăn chay từ khi ngoài 40 tuổi, nên việc mắc ung thư khả năng không cao”, bác T. chia sẻ.
Những người mắc ung thư ở xóm trọ đối diện trước cổng Bệnh viện K (Tân Triều) ngồi chia sẻ về bệnh của mình sau khi vào viện truyền hóa chất về.
Mang theo giấy chuyển tuyến xuống Hà Nội khám bệnh, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, và làm rất nhiều thủ tục trong đó lấy cả mẫu sinh thiết. “Sau gần một tuần chờ đợi, các bác sĩ đã gọi tôi và người nhà vào giải thích về căn bệnh. Khi bác sĩ nói tôi bị ung thư gan cuối giai đoạn II, thực sự lúc đó tôi như “chết đứng” trong phòng. Phải một lúc sau mới lấy lại được tinh thần nghe bác sĩ hỏi và dặn dò”, bác T. kể lại.
Theo bác T., khi có kết luận chính thức về bệnh ngay cả bác sĩ cũng ngạc nhiên vì gia đình bác T. trước đó không ai mắc bệnh. Bác T. cũng không hút thuốc hay uống rượu bia và không mắc bệnh viêm gan nào. “Thậm chí, tôi còn cho bác sĩ biết tôi ăn chay một thời gian dài, đồ ăn chủ yếu là rau, củ quả, lạc, vừng thậm chí cơm cũng không ăn nhiều.
Lúc đó bác sĩ mới hỏi lại, những loại thực phẩm như lạc vừng ăn có bị ẩm mốc gì không. Tôi cũng thừa nhận, do nhà không trồng được nên đến mùa lạc thường mua nhiều về dự trữ ăn dần, vào mùa nồm nếu bị mốc thì có đãi lại, sau đó phơi khô và cất cẩn thận dùng tiếp.
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan giai đoạn II đang được truyền hóa chất.
Vừa nói đến đó, bác sĩ thẳng thắn nói luôn: “việc ăn lạc bị ẩm mốc nhiều năm của bác có lẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư gan, vì trong lạc bị mốc có tác nhân gây bệnh ung thư”. Nghe đến đó, thật sự tôi không biết nói gì, vì dù cho nguyên nhân là gì thì tôi cũng đã là “con bệnh” rồi”, bác T. cho hay.
Hiện bác T. chưa có chỉ định phẫu thuật mà chỉ hóa và xạ trị. Các bác sĩ cho biết, tuy khối u chưa di căn sang những bộ phận khác, nhưng do sức khỏe yếu nên trước mắt phải hóa, xạ trị để ngăn sự phát triển của khối u.
Thực phẩm ẩm mốc có chứa chất gây ung thư.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, nấm mốc ở các loại lương thực thực phẩm như ngô, gạo, đỗ, lạc thường chứa chất Aflatoxin, đây là chất gây ung thư ở người, trong đó đặc biệt là ở gan.
Nếu chẳng may ăn phải thực phẩm có chứa độc tố này, dù chỉ một liều lượng rất nhỏ, Aflatoxin cũng có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. “Các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn, kể cả đun nấu ở nhiệt độ cao. Vì thế, tốt nhất khi thấy những loại thực phẩm bị nấm mốc cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếc rẻ”, GS Hùng khuyến cáo.