Để không buồn ngủ, đói bụng hoặc quên chuyện buồn, nhiều học sinh ở Sài Gòn được chỉ dẫn dùng thuốc ho liều cao. Lâu ngày, các em trở thành con nghiện, phải đi chữa trị.
Tinh thần hoảng loạn, thân hình mỗi ngày một gầy gò, hốc hác,... nghi bị nghiện nên gia đình đưa em Hưng (14 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy tổng hợp Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tại đây, bác sĩ kiểm tra thì phát hiện Hưng sử dụng thuốc ho lâu ngày gây suy hô hấp, tâm thần phân liệt.
Uống thuốc ho để không đói bụng
8h một ngày cuối tháng 9/2014, trong quán Internet trên đường D2 (quận Bình Thạnh), nhóm 10 trẻ khoảng 13 tuổi, cặp sách còn trên người ngồi say mê chat. Sau đó, các em chia nhau những viên thuốc màu trắng có hình chữ U uống. Với nhóm này, đây được coi là "thần dược" để có sức khỏe, không buồn ngủ, chống đói.
“Bọn nó dùng thuốc ho để không buồn ngủ theo sự chỉ dẫn của các trẻ bụi đời, lang thang. Khi dùng xong, tụi nhóc sung lắm, nhiều hôm ở đây từ sáng đến tối, không ăn uống", anh Thắng, quản lý quán Internet cho biết.
Thuốc ho được nhiều thanh thiếu niên dùng với liều cao để không buồn ngủ, đói bụng.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi theo chân Hương "móm" (16 tuổi) - thành viên trong băng nhóm lang thang tại công viên Văn Lang quận 5. Trước khi đi bụi, Hương học giỏi, ngoan ngoãn nhưng từ khi bố mẹ ly hôn thì thay đổi tính nết.
"Thực ra thuốc ho được bọn em dùng lâu rồi, mấy đứa học sinh thì mới biết vì được tụi em chỉ. Nhưng vì chúng nó có tiền nên dùng nhiều, còn bọn em ít tiền nên mua về bán lại kiếm lời", Hương cho biết.
Cũng theo Hương, giá thuốc ho chỉ 500 - 1.000 đồng/viên, có thể mua số lượng lớn mà không bị chủ tiệm thuốc nghi ngờ. "Những lúc không có gì ăn tụi em uống vài viên cho đỡ đói, hết buồn ngủ và người luôn có cảm giác lâng lâng. Do nó rẻ hơn keo con chó nên tụi em dùng nhiều", Hương nói.
Hương cho biết học sinh dùng thuốc ho rất nhiều vì các lý do muốn thức để học bài, chơi bời, thậm chí muốn có cảm giác lâng lâng. Viên thuốc rất nhỏ dễ cất giấu, nhiều khi phụ huynh không quan tâm. Khi hỏi thì trẻ nói là bị ho nên mua uống.
"Nhiều thanh thiếu niên như bọn em vào cổng trường dụ học sinh uống thuốc ho. Khi dùng một thời gian, chúng nó nghiện thì tụi em có khách hàng để bán", Hương "móm" cho biết.
Nghiện thuốc như nghiện ma túy
Tại Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy tổng hợp Thanh Đa, bác sĩ Nguyễn Phan Minh (Phó giám đốc) cho biết thường xuyên tiếp nhận nhiều em đến cai nghiện thốc ho. Hầu như tất cả các em đưa vào đây đều trong tình trạng nghiện khá nặng, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng và có biểu hiện tâm thần, gào thét thậm chí đập đầu vào tường tự tử.
Đưa chúng tôi tiếp xúc với Hưng, bác sĩ Minh nói: "Em này bây giờ đỡ hơn so với cuối năm ngoái khi gia đình đưa vào đây. Lúc đó em chỉ 30 kg, hiện được 40 kg. Tuy khá hơn nhưng sức khỏe vẫn còn kém, luôn khó thở vì suy hô hấp và phải đưa qua bệnh viện tâm thần để điều trị".
Hưng cho biết năm lớp 7 em đã dùng thuốc ho mỗi khi ra tiệm Internet, nhưng chỉ dùng 5 viên để khỏi buồn ngủ. Sau một thời gian thì cậu tăng liều từ 5 viên lên 10, sau đó là 20 - 30 viên. Khi được hỏi thuốc Hưng dùng có hình dạng thế nào?, em cho biết đó là thuốc dạng viên, màu trắng, có chữ U trên mặt, giá 80.000 đồng/lọ 200 viên.
Theo học sinh này, những lúc bị bố mẹ mắng chửi hay áp lực học tập thì em và bạn bè hay dùng thuốc ho để "phê", lúc đó không nghĩ đến chuyện buồn.
Theo PGS.DS Trương Quốc Tuấn, Chủ tịch hội dược sĩ bệnh viện TP.HCM - thuốc ho chữ U được sản xuất từ 2 hoạt chất là Dextromethorphan HBr và thành phần Diprophyllin HCl là dẫn xuất của theophyllin.
“Các hoạt chất này thường là nhóm giảm đau cơ quan trung ương và chống ho bằng cách ức chế hô hấp. Nó có tác dụng gây nghiện nếu dùng lâu dài, tuy nhiên không gây nghiện như heroin, morphin hay ma túy tổng hợp”, ông Tuấn cho biết. Cũng theo DS Tuấn, Diprophyllin HCl có tác dụng làm giãn phế quản, kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn, tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp thậm chí tử vong. |
"Thuốc ho khi mua về tụi em uống trực tiếp chứ không pha thêm gì. Khi uống vào có cảm giác ngứa và lâng lâng, khi không dùng thì thấy khó chịu. Thậm chí lúc bỏ nhà đi chơi tụi em không ăn, chỉ cần dùng 10viên/lần sẽ không có cảm giác đói khát và mệt mỏi. Mỗi ngày dùng khoảng 3 - 5 lần", Hưng kể.
Đây là lần cai nghiện thuốc ho thứ 3 của Tâm (17 tuổi, ngụ quận 4) tại trung tâm Thanh Đa. "Em biết thuốc ho từ cuối năm 2011. Lúc đó mỗi khi trốn học ra công viên chơi với các bạn thì dùng thuốc ho và keo con chó. Sau khi uống thấy đầu óc kích thích mạnh, đỡ chán vì phải học nhiều. Từ đó em dùng thường xuyên, mãi rồi nghiện", Tâm kể.
Theo bác sĩ Minh, có thời điểm Trung tâm tiếp nhận gần 20 em vào cai nghiện thuốc ho. Các em này khi được phát hiện thì sức khỏe đã yếu, bị ảo giác, lấy dao cắt vào tay và hay đập đầu vào tường... Do đó Trung tâm phải đưa sang bệnh viện tâm thần chữa trị thần khinh, sau đó quay lại để hồi sức. Nhiều em khi cai nghiện thành công trở về gia đình lại tái nghiện, phải quay lại chữa trị tiếp.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Thi, Trưởng khoa Chống tái nghiện Trung tâm Thanh Đa, trong thuốc ho có một chất tên codeine gây nghiện. Sử dụng kéo dài, liều cao có thể kiến cơ thể mệt mỏi, ủ rũ, mất ngủ, ức chế thần kinh trung ương, nhất là trung khu hô hấp dẫn đến mê sản, có thể dẫn đến là tử vong.
"Việc quản lý thuốc trên thị trường hiện nay còn khá bất cập, chưa tới nới tới chốn. Do đó nhiều loại thuốc như thuốc ho chữ U, bổ thần kinh Nootropyl, Duxil... bị các bạn trẻ mua để sử dụng kéo dài, gây nhiều tác hại lớn", bác sĩ Minh cho biết thêm.