"Nhiều trẻ tự kỷ can thiệp tiến bộ nhưng ở nhà lại thu về thế giới riêng vì cô đơn"

Ngày 08/04/2018 04:19 AM (GMT+7)

Thế giới của trẻ tự kỷ đủ sắc màu nhưng bí ẩn và khó tiếp cận. Gia đình, thầy cô phải mất nhiều công sức, sự cố gắng để có thể đưa những đứa trẻ hòa nhập với thế giới xung quanh. Nỗi nhọc nhằn ấy, có mấy ai thấu hiểu.

Gần chục năm gắn bó với những học trò đặc biệt, bằng tình yêu vô bờ bến và lòng kiên nhẫn, cô giáo Ngọc Anh (32 tuổi, giáo viên dạy trẻ tự kỷ) đã vượt qua bao khó khăn dành trọn tâm huyết với nghề.

Lớp học “đặc biệt” của hai đứa trẻ

2h chiều, cô giáo Ngọc Anh bắt đầu bài tập yoga đơn giản cùng với hai học trò: Ngồi khoanh chân, tay đưa lên uốn hình vòng cung. Mọi động tác được cô làm chậm rãi để học trò có thể bắt chước theo.

“Bi giơ tay cao nào”, cô vừa nói vừa lại gần cầm tay hướng dẫn Bi. Cậu bé khó chịu, đứng phắt dậy chạy ra cửa lớp…cười khanh khách.

“Bi mắc chứng tự kỷ thể tăng động, thường cười một mình không lý do”, cô Ngọc Anh vội giải thích rồi dắt con về chỗ ngồi tiếp tục bài tập. Ngoài Bi, lớp học còn có Sóc – con cũng là trẻ tự kỷ nhưng không ưa vận động.

amp;#34;Nhiều trẻ tự kỷ can thiệp tiến bộ nhưng ở nhà lại thu về thế giới riêng vì cô đơnamp;#34; - 1

Cô giáo Ngọc Anh (32 tuổi, giáo viên dạy trẻ tự kỷ) đã vượt qua bao khó khăn dành trọn tâm huyết với nghề

“Phụ huynh của cả Bi và Sóc đều phát hiện con mình bị mắc chứng tự kỷ từ rất sớm. Họ đã đưa đi can thiệp tại một số trung tâm với hi vọng con biết tương tác và có thể hòa nhập cộng đồng. Sau đó nhờ cái duyên, mình và các con trở thành cô trò trong lớp học “đặc biệt” này”, cô tâm sự.

Bài tập yoga kết thúc, cô Ngọc Anh cùng trợ giảng yêu cầu hai đứa trẻ phụ cuộn tròn tấm thảm. Cô trò bắt đầu tập đọc, viết chữ số và nói câu dài.

Cô Anh cho hay, Sóc vốn thích bút sách nên khá hứng thú với việc học. Bi có thiên hướng nghịch ngợm nên không tập trung, vì vậy tôi luôn phải dạy con nói một số lặp lại nhiều lần để ghi nhớ.

Ngoài truyền đạt kiến thức, cô giáo trẻ phải hướng dẫn học trò từ những kỹ năng tối thiểu như: Biết uống nước lọc, biết đòi khi muốn đi vệ sinh, chào hỏi, cầm thìa xúc cơm, mặc quần áo, đi giày cho đến việc nhận biết vật xung quanh, cách chơi cùng nhau, thuộc tên của các thành viên trong gia đình. Thậm chí, cô còn phải thực hiện trị liệu ngôn ngữ, liệu pháp điều trị hành vi, tâm lý khi các con bộc phát cơn giận giữ, tự làm đau mình hoặc tấn công người khác.

amp;#34;Nhiều trẻ tự kỷ can thiệp tiến bộ nhưng ở nhà lại thu về thế giới riêng vì cô đơnamp;#34; - 2

Ngoài truyền đạt kiến thức, cô giáo trẻ phải hướng dẫn học trò mọi kỹ năng như chào hỏi, đi vệ sinh, biết đeo khẩu trang,...

“Mới vào học, các bạn không thể cầm thìa xúc cơm. Mình và các cô mất thời gian khá lâu để chỉ cách cầm thìa bưng bát. Hiện giờ, cả hai đã có thể tự ăn cơm nhưng vẫn vương vãi ra ngoài.

Vấn đề vệ sinh cũng vậy, thay vì tè vào bỉm như trước, các bạn đã tự vào nhà vệ sinh khi muốn đi”, Ngọc Anh vui vẻ nói.

Nhiều trẻ ở lớp tiến bộ nhưng về nhà lại trở về thế giới riêng vì…cô đơn

Gần 10 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cô giáo Ngọc Anh từng nhiều lần đau đớn, xót xa và rơi nước mắt vì học trò. “Năm ấy, mình mang bầu đứa đầu và nhận can thiệp cho 4 đứa trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ. Khi mình nói các con cất đồ chơi gọn vào giá, một bé trai đứng dậy lao vào mình rồi đánh mạnh liên tiếp nhiều phát vào bụng.

Dù đau và lo sợ thai bị ảnh hưởng nhưng mình vẫn cố chịu đựng ôm lấy bé vỗ về để con bớt nóng. Bé bỗng quay qua giãy nảy khóc lóc khiến mình không thể kìm nén cảm xúc đã bật khóc cùng con”, cô nhớ lại.

amp;#34;Nhiều trẻ tự kỷ can thiệp tiến bộ nhưng ở nhà lại thu về thế giới riêng vì cô đơnamp;#34; - 3

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ khó gấp trăm ngàn lần

Những giọt nước mắt ấy chứa đựng bao vất vả, khó khăn, sự kiên trì và cố gắng của cô giáo trẻ. Đặc biệt nó là một phần tình yêu vô bờ bến với các con để nuôi dưỡng lòng say mê nghề nghiệp.

Với cô Ngọc Anh, hạnh phúc lớn nhất trong nghiệp giảng dạy chính là thấy những đứa con của mình có nhận thức để tự phục vụ bản thân, biết khóc khi buồn và biết cười khi vui. Nhưng để chạm tới điều đó, ngoài nỗ lực của cô giáo cần có sự đồng hành của phụ huynh.

Cô Ngọc Anh kể, trước kia từng can thiệp cho một bé gái 8 tuổi tự kỷ nặng. Sau gần 10 tháng, bé có nhiều tiến bộ, tương tác tốt, thậm chí nói được câu dài. Tuy nhiên, bố mẹ bé thường phàn nàn “chị chẳng thấy cháu tiến bộ”. Sau đó, cô quyết định tới nhà thăm học trò và bất ngờ thấy cảnh bé ngồi cô đơn một góc.

amp;#34;Nhiều trẻ tự kỷ can thiệp tiến bộ nhưng ở nhà lại thu về thế giới riêng vì cô đơnamp;#34; - 4

Trẻ khuyết tật chân hoặc tay, ít nhất vẫn còn thể hiện được cảm xúc vui buồn, hạnh phúc hay giận dữ nhưng với trẻ tự kỷ đó là điều quá xa vời

“Họ bận công việc nên giao phó cho giúp việc chăm sóc đứa trẻ. Thậm chí, con tan học về nhà sẽ đóng bỉm để không mất nhiều thời gian đưa đi vệ sinh. Đứa trẻ tự kỷ cứ sống trong cảnh cô đơn sẽ dần trở về thế giới riêng của mình”, cô trải lòng.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ khó gấp trăm ngàn lần. Các con là đối tượng đặc biệt, cách tiếp cận, chăm sóc mỗi đứa khác nhau. Do đó, bên cạnh việc gửi gắm con cho các cô, phụ huynh nên dành thời gian chơi và học cùng trẻ tại nhà vào mỗi tối. Như vậy, con sẽ có cơ hội ôn lại kiến thức trên lớp, biết tương tác với gia đình.

Được cô giáo khen ngoan ở lớp,  bố mẹ không ngờ con bị chứng tự kỷ
Bé L. 2 tuổi được các cô giáo đánh giá là ngoan ở trên lớp, như ngồi yên, ít chơi với các bạn nhưng lại chưa biết nói, bố mẹ bé đưa đi khám mới phát...
Khai Tâm, ảnh Lê Trung Đức
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h