Sự biến mất của chiếc máy bay Boeing 77-200 của hãng hàng không Malaysia được đánh giá là một trong những vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất thế giới.
Trên thực tế, sự biến mất của chiếc máy bay trên màn hình Rada là một điều khá hiếm hoi. Với các chuyên gia hàng không, thật khó hiểu khi chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines bỏ bầu trời mà không có cảnh báo hay bất cứ một dấu hiệu cấp cứu nào.
Khoảnh khắc chiếc máy bay Malaysia biến mất đã được ghi lại trên trang web theo dõi thông tin các chuyến bay toàn cầu.
Hôm nay đã là ngày tìm kiếm thứ 7 sau khi chiếc máy bay MH370 biến mất trên màn hình radar, 10 nước đã phối hợp tìm kiếm ngày đêm nhưng vẫn chưa hề có manh mối nào phục vụ cho công tác điều tra.
Ngày càng có nhiều thông tin, nhiều giả thuyết được đưa ra liên quan đến chiếc máy bay mất tích, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu khả quan nào về chuyến bay đã biến mất một cách bí ẩn này.
Cùng điểm lại những điểm khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu trong cuộc tìm kiếm máy bay MH370:
Không đồng nhất về thời gian
Từ thời điểm cất cánh đến khi mất liên lạc với chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 đều không thống nhất. Khi các bên phát đi thông điệp đầu tiên về vụ việc, bản thông cáo báo chí phát đi từ chính Malaysia Airlines cho biết chuyến bay xuất phát từ sân bay Kuala Lumpur lúc 12h41 sáng theo giờ địa phương và mất liên lạc lúc 2h40 phút rạng sáng 8/3, tức là sau 1 giờ 52 phút. Những người có kinh nghiệm bay đều khẳng định rằng, sau gần 2h bay từ Kuala Lumpur lẽ ra máy bay phải đến ngang miền Trung Việt Nam.
Đã 7 ngày tìm kiếm nhưng vẫn chưa có manh mối nào về chiếc máy bay mất tích bí ẩn
Trong khi đó, thông tin từ cục hàng không Việt Nam khẳng định mất liên lạc với chiếc máy bay Mh370 khoảng 1 phút trước khi máy bay tiến vào vùng thông báo bay của TP. Hồ Chí Minh, có nghĩa là thời điểm này máy bay vẫn chưa bay ra khỏi vùng thông báo bay của Malaysia, cách tối đa 185km so với đất liền nước này.
Theo ước tính của những người có kinh nghiệm, chiếc máy bay Mh370 chỉ cần 40-45 phút để bay từ Kuala Lumpur đến vị trí nói trên.
Đến tận bây giờ, phía Malaysia vẫn chưa xác nhận lại về thời điểm mất liên lạc với chiếc Boeing 777-200 này.
Không chỉ dư luận, báo giới, ngay cả các nhà chức trách cũng cảm thấy “sốt ruột” khi phía Malaysia tỏ ra rất ngập ngừng mỗi khi được đề nghị cung cấp thông tin.
Máy bay gặp sự cố lúc an toàn nhất
Các chuyên gia hàng không khẳng định, thời điểm nguy hiểm nhất đối với một chiếc máy bay là giai đoạn cất và hạ cánh. Rất ít phi cơ gặp nạn khi đang bay ổn định ở độ cao hơn 10.000 m, độ cao mà chiếc Boeing 777 của MAS bay trước khi mất tích.
Sơ đồ hành trình bay của chiếc máy bay MH370 (Nguồn: CBS News)
Tuy nhiên, máy bay gặp sự cố khi đang di chuyển ở độ cao này thường kéo theo những hậu quả thảm khốc. Đại tá Stephen Ganyard, chuyên gia tư vấn hàng không của Mỹ, cho biết: “Điều này khó xảy ra. Một chiếc máy bay sẽ không rơi một cách dễ dàng khi đang bay ổn định”.
Trong khi đó, Boeing 777 là loại máy bay an toàn nhất hành tinh, với duy nhất một vụ tai nạn chết người từ khi chúng bắt đầu hoạt động năm 1994. Trên thực tế, chiếc máy bay của Malaysia bắt đầu hoạt động từ hơn 11 năm trước và chưa gặp phải bất kỳ vấn đề lớn nào. Đây không phải thời gian hoạt động quá dài đối với một chiếc Boeing 777 trị giá hàng trăm triệu USD.
Sự im lặng tuyết đối trong buồng lái máy bay
Trong các trường hợp máy bay hỏng hóc hay động cơ có vấn đề thì ít nhất vẫn có vài ba phút để cơ trưởng thông báo hoặc phát tín hiệu cấp cứu. Kể cả nếu hỏng của cả hai động cơ ở vị trí bay đó thì vẫn có thể lướt thêm 80km trên mặt biển. Tuy nhiên không có bất cứ một dấu hiệu gì phát đi trước khi máy bay mất hoàn toàn liên lạc.
Một số máy bay có thể cài thiết bị nhưng với Boeing 777, hệ thống lái độc lập nên trường hợp này khó có thể ra. Ngay cả khi có khả năng cháy, khói trong buồng lái thì tổ lái cũng có thể ra liên lạc. Do đó, việc một máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu là rất hiếm.
Trên thực tế, không hề có bất cứ một dấu hiệu gì phát đi trước khi máy bay mất hoàn toàn liên lạc. Các trạm vệ tinh mặt đất cũng không nhận được bất cứ tín hiệu gì từ thiết bị ELT (máy phát tín hiệu định vị khẩn cấp).
Điện thoại hành khách trên máy bay vẫn đổ chuông
Bốn ngày sau khi chiếc máy bay biến mất trên màn hình radar, một số người nhà hành khách có mặt trên chuyến bay này vẫn khẳng định rằng điện thoại của họ vẫn đổ chuông.
Theo đó, khoảng 19 gia đình đã tìm cách gọi điện cho người thân của của mình trên máy bay, và điện thoại đã đổ chuông. Ngay cả hãng Malaysia Airlines cũng đã tìm cách liên lạc với một số thành viên phi hành đoàn bằng điện thoại.
Và điều kỳ lạ hơn nữa là một số mạng xã hội ở Trung Quốc vẫn cho thấy rằng nhiều hành khách bị mất tích đang “online”.
Người thân của các hành khách trên chuyên bay định mệnh đang sốt ruột chờ thông tin
Một người đàn ông cho biết người anh trai mất tích của mình đang trực tuyến trên QQ, mạng xã hội rất phổ biến của người Trung Quốc.
Trước đó, truyền hình Trung Quốc phát sóng trực tiếp cảnh một người đàn ông gọi điện cho người thân của mình trên máy bay, và chiếc điện thoại vẫn có tín hiệu đổ chuông nhưng không có ai trả lời.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây rất có thể là lỗi kỹ thuật của các nhà mạng trong việc kết nối các cuộc gọi ra nước ngoài.
Chuyên gia phân tích sóng vô tuyến Jeff Kagan nhận định: “Điều đó không có nghĩa là chiếc điện thoại bạn đang gọi thực sự đổ chuông. Lúc này nhà mạng đang dò tìm chiếc điện thoại đó. Đầu tiên là dựa vào địa điểm cuối cùng của nó, rồi sau đó mở rộng quy mô dò tìm ra. Nếu nhà mạng không thể tìm thấy chiếc điện thoại, cuộc gọi sẽ bị ngắt.”
Rõ ràng là ngay cả khi chiếc điện thoại được gọi đang trong chế độ trên máy bay, hoặc bị tắt nguồn hoặc đã bị hỏng thì khi có người gọi đến vẫn có thể nghe thấy có tín hiệu, mặc dù nó không bao giờ có cơ hội kết nối.
Cuộc gọi cuối cùng của máy bay Malaysia mất tích
Một phi công của chiếc Boeing 777 cho biết đã bắt được tín hiệu với máy bay mất tích chỉ vài phút sau khi kiểm soát không lưu của phía Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin.
“Chúng tôi đã nỗ lực thiết lập liên lạc với MH370 sau 1 giờ 30 sáng (giờ địa phương) và hỏi họ liệu đã vào không phận Việt Nam hay chưa?'
Cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay mang mã hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines
Phi công này khẳng định ông đã nhận được tiếng hồi đáp: 'Giọng nói phát ra từ phía MH370 có thể là cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah hoặc là cơ phó Fariq Abdul Hamid, nhưng tôi chắc là cơ phó'.
Ông nói thêm: "Âm thanh rất nhiễu nhưng đoạn cuối tôi nghe thấy tiếng lầm bầm. Đó là lần cuối cùng, chúng tôi nghe được từ MH370. Sau đó chúng tôi không thể liên lạc lại được với họ".
Phi công này cũng khẳng định, những chiếc máy bay ở cùng tần số tại thời điểm đó có thể cũng nghe được cuộc trao đổi này.
Mù mịt thông tin
Đã bước sang ngày thứ 7 của công cuộc tìm kiếm, có nhiều tàu biển, phi cơ và vệ tinh của 11 nước, được triển khai tìm kiếm cả trên biển lẫn trên đất liền, rất nhiều vật thể laj được tìm thấy tuy nhiên tất cả sau đó đều kết luận không phải của chiếc MH370.
Sáng qua 13/3, Cục quản lý Khoa học Trung Quốc đưa ra 3 bức ảnh vệ tinh nước này chụp các vật thể nổi bồng bềnh trên vùng biển nghi vấn chiếc máy bay số hiệu MH370 mất tích.
Vết dầu loang phát hiện ngày hôm qua. (Ảnh trái) Vết dầu loang phát hiện lúc 8h50 phút sáng nay (Ảnh phải). Ảnh: Đức Nguyễn
Các hình ảnh cho thấy những vật thể nổi bồng bềnh có kích thước khá lớn, nằm giữa vùng biển Việt Nam và Malaysia. Nhưng trong cuộc họp báo chiều qua tại Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, những hình ảnh vệ tinh nghi là mảnh vỡ của Mh370 là nhầm lẫn. Phía Trung Quốc khẳng định với giới chức Malaysia rằng ảnh vệ tinh được phát là 'do nhầm lẫn và không thấy bất cứ mảnh vỡ nào'.
Chấm trắng được cho là mảnh composit văng ra từ tàu bay mất tích. Ảnh: Giaothongvantai.com.vn
Trong khi đó, các nhà điều tra Mỹ nói họ nghi ngờ máy bay Malaysia số hiệu MH370 còn bay trên không trung bốn tiếng đồng hồ trước khi mất tích hoàn toàn mấy ngày qua.
Vật thể được nghi là áo phao, các lực lượng đang tiến hành tiếp cận, trục vớt. (Ảnh: Đức Nguyễn)
Báo Mỹ Wall Street Journal nói các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ rằng dữ liệu phía Malaysia đưa ra là không chính xác.
Trung Quốc 3 bức ảnh vệ tinh nước này chụp các vật thể nổi bồng bềnh trên vùng biển nghi vấn chiếc máy bay số hiệu MH370 mất tích nhưng sau đó giới chức nước này phủ nhận
Theo đó, những dữ liệu tự động về động cơ máy bay được truyền tải đến các trạm theo dõi mặt đất cho thấy máy bay còn tiếp tục bay thêm bốn tiếng đồng hồ.
Máy bay Malaysia quay đầu về Malacca trước khi biến mất
Tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Rodzali Daud, cho biết, tín hiệu máy bay Boeing 777 quay lại đã xuất hiện trên radar quân sự. Dữ liệu của hệ thống radar phòng không và radar dân sự ghi nhận sự thay đổi lộ trình bay của chiếc Boeing 777 sau khi cất cánh lúc sáng sớm ngày 8/3.
Tại một buổi họp báo tổ chức tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trưa nay, tướng Rodzali phát biểu: “Chúng tôi đang tìm cách làm rõ điều này vì nó cũng được xác nhận bởi radar dân sự.”
Phát hiện chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 quay đầu lại trước khi mất tích bí ẩn (Ảnh minh họa)
Thông tin đó khiến người ta đặt câu hỏi: Vì sao máy bay quay đầu trở lại mà không báo cho bộ phận kiểm soát không lưu ? Nghi vấn này càng trở nên bí ẩn hơn khi cơ trưởng của chuyến bay là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, một người dày dạn kinh nghiệm với 18.365 giờ bay.
Trước thông tin trên, phía Việt Nam đã yêu cầu Malaysia trả lời chính thức.
Tuy nhiên, trong ngày 12/3, chỉ huy không quân của Malaysia đã lên tiếng phủ nhận, cho rằng đó chỉ là tin đồn. Việt Nam và các quốc gia khác tiếp tục tìm kiếm.
MH370 vẫn phát tín hiệu sau khi mất tích
Hai nguồn thạo tin với cuộc điều tra ngày 13/3 cho biết các vệ tinh đã thu được những xung điện tử yếu từ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, tuy nhiên những tin hiệu này không đủ để cung cấp thông tin về vị trí máy bay mất tích.
Việc bắt được các tín hiệu này chứng tỏ hệ thống xử lý sự cố của chiếc máy bay mất tích vẫn được bật và hoàn toàn có khả năng kết nối với các vệ tinh. Tức là, chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn gửi tín hiệu tới vệ tinh sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu của Malaysia.
Trực thăng của Hải quân Hoàng gia Malaysia chuẩn bị cất cách để hỗ trợ công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Hệ thống trên máy bay MH370 phát đi tín hiệu 1 lần/giờ và nó đã phát đi 5 hoặc 6 lần sau khi mất tích. Tuy nhiên, những tín hiệu này không cho biết máy bay đang ở trên không hay mặt đất, nguồn tin liên quan đến cuộc điều tra Mỹ tiết lộ.
Ngoài ra, mặc dù hệ thống xử lý sự cố đã hoạt động, nhưng không có kết nối dữ liệu nào được mở lên vì các công ty liên quan đến chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã không đăng ký dịch vụ này với hãng quản lý vệ tinh.
Tập đoàn Boeing và Roll Royce, hãng sản xuất động cơ cho máy bay mang số hiệu MH370, đã từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Trung Quốc phát hiện chấn động dưới đáy biển sau khi MH370 mất tích
Một nhóm các nhà địa chấn học tại một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc cho biết họ đã phát hiện ra một chấn động nhẹ dưới đáy biển giữa Việt Nam và Malaysia. Khu vực này được cho là có liên quan tới chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 đang mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Phát hiện này vừa được công bố trên website của Trường Đại học và Công nghệ của Trung Quốc. Đây là một trong số nhiều manh mối khả nghi trong cuộc tìm kiếm quốc tế quy mô lớn đối với phi cơ mất tích.
Bản đồ chỉ nơi xảy ra sự cố địa chấn dưới đáy biển
Các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại phòng thí nghiệm Địa chấn học và Vật ký Trái đất cho biết, tín hiệu địa chấn mà họ thu được từ hai trạm giám sát địa chấn tại Malaysia cho thấy đã có một rung chuyển nhẹ dưới đáy biển vào lúc 02h55 ngày 8/3, cách điểm cực nam của Việt Nam khoảng 150km.
"Khu vực này là vùng phi địa chấn, do đó xét về thời gian và địa điểm của sự cố này có thể liên quan tới chuyến bay MH370 đang mất tích", các nhà khoa học Trung Quốc cho biết.
Sự cố địa chấn này xảy ra vào khoảng 85 phút sau khi chiếc máy bay chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất khỏi màn hình radar của trạm kiểm soát không lưu và cách địa điểm nơi máy bay được liên lạc lần cuối cùng khoảng 116 km về phía đông bắc.
Phát hiện ảnh vệ tinh máy bay Malaysia dưới biển
Khi cảnh sát và đội tìm kiếm đang sục sạo các vùng biển xung quanh Malaysia và Việt Nam để tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích, một công ty vệ tinh đã cho phép người dùng trên toàn thế giới truy cập phần mềm giúp đỡ chính phủ trong việc tìm ảnh vệ tinh.
Bức ảnh của một người dùng cho thấy hình ảnh giống như đống đổ nát của một chiếc máy bay đang được các chuyên gia phân tích.
Trang web DigitalGlobe đã dành 5 ngày để tải lên mạng phần mềm cho phép người dùng xem ảnh vệ tinh với độ phân giải cao và các hình ảnh trên không. Từ đó, người dùng có thể tự khám phá các vùng biển, tìm dấu vết của các mảnh vỡ hoặc vật thể lạ hay vết dầu loang.
Một người sử dụng tên Mike Seberger đánh dấu một hình ảnh vệ tinh do chính mình chụp được vào buổi sáng chủ nhật. Trong bức ảnh vệ tinh cho thấy hình ảnh phác thảo của một chiếc máy bay dưới nước. Mike không chắc chắn chính xác về vị trí nhưng hy vọng bức ảnh sẽ sớm được xác minh.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc: Người thân nín thở ngóng tin chuyến bay mất tích Máy bay mất tích: TQ gửi 2 tàu cứu hộ tới Biển Đông Máy bay rơi cách Phú Quốc 153 hải lý |