Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc

Ngày 27/12/2018 15:53 PM (GMT+7)

Tỷ lệ lao động nữ ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam cũng được điều hành bởi phụ nữ.

Theo tạp chí Bloomberg đưa tin, trong khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới tính thì ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hàng đầu lại đang được điều hành bởi phụ nữ.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã thống trị đồ uống giàu protein và xây dựng một đế chế trị giá 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, biến lựa chọn di chuyển bằng máy bay trở nên phổ biến hơn.

Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc - 1

Phụ nữ là nguồn lao động quan trọng tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực đá quý, bà Cao Thị Ngọc Dung đang là Tổng giám đốc công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Trong mảng thiết bị công nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đang giữ chức Chủ tịch công ty cổ phần cơ điện lạnh Refrigeration Electrical Engineering Corp (REE).

Tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam đang đứng đầu thế giới với 73%. Phụ nữ Việt Nam cũng là những người đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh. Theo ước tính của Global Entrepreneurship Monitor, cứ mỗi 1 nam doanh nhân khởi nghiệp tại Việt Nam thì cũng có 1,4 nữ doanh nhân start-up. Phụ nữ Việt Nam đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế đất nước, gần ngang ngửa với Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới.

Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc - 2

Kết quả kinh doanh tốt của những doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ điều hành.

Không khó để hiểu lý do vì sao phụ nữ Việt Nam lại đóng góp nhiều như thế. Khi Việt Nam còn chìm trong chiến tranh nhiều năm, rất nhiều đàn ông đã hy sinh. Vì vậy, phụ nữ phải lao động để lấp đầy khoảng trống kinh tế. 

Năm 1976, tỷ lệ giới trong độ tuổi từ 25 đến 64 là 95 nam/100 nữ. Đến năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu cải cách nền kinh tế, phụ nữ vẫn chiếm đa số và tiếp tục đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế đi lên.

Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc - 3

Tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam đứng đầu thế giới với 73%.

Ngay cả khi Việt Nam đã hồi phục sau chiến tranh và tỷ lệ giới tính cũng dần cân bằng nhưng vai trò của nữ giới chưa bao giờ suy giảm. Chính phủ Việt Nam quy định nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng, tuy nhiên không ít trường hợp phụ nữ làm việc sát ngày sinh nở hay ngay sau khi sinh.

Nhìn vào tổng thể dân số, Việt Nam chỉ đứng thứ 15 trên thế giới, nhỏ hơn cả Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động tại Pakistan và Bangladesh tương ứng chỉ là 25% và 33%, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc - 4

Tỷ lệ nam nữ tại Việt Nam có sự chênh lệch lớn.

Theo Bloomberg, Việt Nam đang lặp lại thành công của Trung Quốc khi bắt đầu đi lên từ các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, chẳng hạn như hàng may mặc và giày dép. Trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào điện thoại thông minh và chất bán dẫn, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2017 vẫn là may mặc. Vậy ai là lao động chính trong ngành may mặc, da giày? Chính là phụ nữ.

Việt Nam là quốc gia mới nổi duy nhất tại châu Á ngoài Trung Quốc nhận ròng nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong một năm đầy biến động như 2018. Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược Việt Nam sẽ là người hưởng lợi lớn nhất khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn. Nhiều công ty Trung Quốc, chẳng hạn như công ty sản xuất dệt may khổng lồ Shenzhou International Group Holdings Ltd. đều mở nhà máy tại Việt Nam. 

Nhờ lao động nữ và các nữ đại gia này mà nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc - 5

Phụ nữ Việt Nam đóng góp 40% cho tổng GDP.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ ở Việt Nam đều thuận lợi. Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, bất bình đẳng thu nhập theo giới tính ở Việt Nam cao hơn nhiều so với một số nước láng giềng như Malaysia hoặc Philippines. Khi tầng lớp trung lưu trở nên giàu có hơn, nhiều phụ nữ bị bắt ở nhà chăm con hoặc bị đối xử bất công tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, bất chấp những điều đó, Việt Nam vẫn là thị trường đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư và công đóng góp lớn cho điều đó chính là nhờ những người phụ nữ.

Tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ở Việt Nam cao hơn Singapore, gấp đôi trung bình châu Á
Một phần tư CEO và Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ, theo Bloomberg.
Khánh Hằng (Dịch từ Bloomberg)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xã hội