Nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp ở mức 23%.
Theo ILO, tỷ lệ nữ giới quản lý thấp nhất ở mức 2,1% tại Yemen và cao nhất ở mức 59,3% tại Jamaica (trong tổng số 108 nước). Việt Nam đứng thứ 76 với 23% phụ nữ đảm nhiệm vai trò quản lý tại các doanh nghiệp.
Tỷ lệ nữ giới giữ vị trí quản lý tăng lên trong những năm qua tại phần lớn các quốc gia ILO có số liệu, và Việt Nam cũng ghi nhận sự cải thiện dù không đáng kể.
Theo Điều tra Lao động và Việc làm, tỷ lệ phụ nữ ở vị trí “lãnh đạo, quản lý và quản trị” tăng 0,5% đến mức 24,4% năm 2013 so với năm 2012 và tăng 0,6% từ năm 2011 đến năm 2012.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động chính là động lực lớn nhất đối với sự phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn cầu,” bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng Hoạt động Giới chủ của ILO cho biết.
Theo Giám đốc Văn phòng Hoạt động Giới chủ của ILO, rất nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chúng ta có thể đạt được sự bình đẳng giới thật sự tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cấp cao nhất.
Báo cáo của ILO cho thấy chỉ khoảng dưới 5% các CEO của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít khả năng người đứng đầu là phụ nữ.
Với trường hợp của Việt Nam, dữ liệu của Dự án CEO nữ toàn cầu thuộc một tổ chức có trụ sở tại Pháp cho thấy chỉ 7% các CEO của tổng số hơn 600 công ty được khảo sát là phụ nữ và 14% thành viên hội đồng quản trị là nữ giới.
Bà France-Massin giải thích: “Nữ giới đảm nhận vai trò quản lý cao cấp trong các lĩnh vực chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng một nhóm các ứng cử viên tiềm năng cho các vị trí cao nhất như CEO hoặc Chủ tịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại “những bức tường kính” giới hạn phụ nữ chỉ ở một số các vị trí quản lý nhất định như nhân sự, truyền thông và hành chính.”
“Hỗ trợ phụ nữ để thăng tiến trong sự nghiệp không chỉ là câu chuyện bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp,” Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cho biết.
Theo ILO, cần có các giải pháp linh hoạt cho công việc và gia đình của phụ nữ như: Thu hẹp khoảng cách về giới, tìm “các giải pháp linh hoạt” nhằm quản lý thời gian cho công việc và gia đình; Mở rộng độ bao phủ của chế độ thai sản và cung cấp những hỗ trợ chăm sóc trẻ cho các bà mẹ là chìa khóa để thu hút và giữ chân những phụ nữ tài năng; “Thay đổi tư duy” nhằm phá vỡ rào cản văn hóa và phòng chống quấy rối tình dục; Giải quyết tình trạng phụ nữ đang bị tụt lại phía sau dù họ có trình độ học vấn cao….